Mới đây, mạng xã hội rần rần trước bài đăng của một người mẹ Trung Quốc chụp hình ảnh trước cửa phòng ngủ của con gái. Được biết, ngày hôm đó, họ hàng mang trẻ con đến nhà cô chơi. Để bảo vệ phòng ngủ của con không bị những đứa trẻ quấy phá và làm hỏng đồ đạc, người mẹ đã bê luôn giá giày ra chặn trước cửa phòng con.
Người mẹ chia sẻ: "Tối nay, nhà họ hàng tới nhà tôi chơi và ăn cơm. Đám trẻ nhà chị ấy còn rất nhỏ. lần trước dù tôi đã khoá cửa nhưng vẫn không cản được tụi nhỏ xông vào phòng nghịch ngợm đồ đạc.
Bởi vì cửa phòng con gái tôi bị hỏng, chìa khoá cũng mất rồi, chỉ có thể khoá trái. Con gái tôi cũng không ở nhà, thế nên tôi bê luôn giá giày ra chặn, thế này có lẽ tụi nhóc không vào được đâu nhỉ....".
Sau khi chia sẻ lên mạng xã hội, hành động này của cô nhận được nhiều tán thưởng từ cư dân mạng. Hiện nay, không ít trường hợp trẻ con khi đến nhà người khác đã tự ý xông vào phòng riêng để tìm người chơi, thậm chí làm rơi vỡ đồ vật trong nhà.
Khi vào tình huống trớ trêu này, phụ huynh khó trách phạt những đứa trẻ. Tuy nhiên, ở phía con bạn, trẻ có thể cảm thấy buồn vì phòng riêng bị xâm phạm. Thậm chí, trẻ sẽ càng thất vọng và có hành động quá khích hơn, nếu cha mẹ không dành tôn trọng cho nỗi buồn này của con.
Một số bình luận khen ngợi từ cư dân mạng về hành động của người mẹ:
- "Bà mẹ này tuyệt vời quá, không chỉ yêu thương mà còn biết bảo vệ con. Chứ nhiều nhà thấy cảnh này còn để kệ cho tụi nhỏ vào phòng phá, có khi còn trách ngược con cái không biết sống bao dung nữa".
- "Đâu cần phải cái gì to tát đâu, chỉ cần hành động nhỏ này cũng thấy đỉnh cao trong giáo dục con cái rồi. Con gái nào có bà mẹ thế này thì hẳn là sống hạnh phúc lắm".
"Có phụ huynh tâm lý thật tuyệt. Mình cũng là đứa thích sưu tầm đồ chơi. Bố mẹ mình cũng không cho bất kì đứa nhóc nào được thò tay vào đồ chơi của mình để mà nghịch".
- "May mắn là mẹ tui bảo vệ quyền riêng tư của con cái hơn cả tui nữa. Tính tui hiền với ít để tâm nên mấy đứa em họ hay vào phòng tui lục lọi bàn học với giá sách, thấy cái gì xinh xinh là tụi nó xin về. Tui chưa nói gì mà mẹ đã quát tụi nó giùm tui rồi".
- "Có lẽ điều chúng ta cần bảo vệ không chỉ là căn phòng, mà còn là sự tôn trọng dành cho không gian riêng tư của người khác. Đôi khi, những đứa trẻ cũng cần được hướng dẫn để hiểu rằng mỗi người đều có một 'góc nhỏ' cần được trân trọng. Hy vọng không ai phải nghe câu 'Nó còn bé biết gì đâu' nữa".
- "Nhiều bố mẹ khi có họ hàng tới chơi mang tâm lý dĩ hòa vi quý. Nhiều nhà còn đặt mặt mũi của mình trên cảm nhận của chính con cái họ. Tôi không ủng hộ cái lối suy nghĩ này. Suy cho cùng họ hàng cũng chỉ là người có quan hệ với người nhà mình chứ không phải người nhà của mình. Mình nên giữ thái độ không căng thẳng nhưng không quá cởi mở, bất luận trong trường hợp nào phải cho họ biết họ là khách. Mà khách thì dù thế nào cũng phải nể mặt chủ nhà. Và dù thế nào khi có chuyện, bạn phải đứng về phía con cái bạn đầu tiên".
Khi đến chơi nhà người khác, nếu con có thái độ bướng bỉnh thì sẽ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của hai gia đình. Vì thế, bạn nên thiết lập một số quy tắc cơ bản để con tuân theo khi chơi ở nhà khác và đảm bảo chúng sẽ được mời quay lại lần nữa.
- Tôn trọng chủ nhà
Trẻ thường có xu hướng coi nhà của người khác như nhà của mình, vì vậy điều quan trọng là phải cho chúng biết rằng những ngôi nhà khác có thể có những quy tắc khác. Chúng nên thể hiện sự tôn trọng với người lớn, những đứa trẻ khác và ngôi nhà nói chung.
Nếu gia chủ có quy định về việc mang giày dép trong nhà hoặc hạn chế xem TV, trẻ nên tôn trọng những quy tắc đó ngay cả khi chúng không được áp dụng tại nhà của mình. Đây cũng là cơ hội học tập tuyệt vời để trẻ hiểu cuộc sống ở nhà người khác như thế nào.
- Không phá hỏng đồ đạc của chủ nhà
Để ngăn chặn những hành vi những vậy, điều quan trọng là cha mẹ phải trò chuyện với con về việc tôn trọng đồ đạc của người khác. Bên cạnh đó, cần thảo luận về hậu quả mà con phải đối diện nếu phá hỏng đồ. Hãy khuyến khích con bạn chơi ở những khu vực được chỉ định và sử dụng đồ nội thất một cách hợp lý sẽ giúp ích rất nhiều trong việc thúc đẩy sự tôn trọng không gian của người khác.
- Không gây ồn ào
Dẫu biết đứa trẻ nào cũng tràn đầy năng lượng, thích huyên náo nhưng việc gây ồn ào quá mức có thể làm bầu không khí của buổi gặp mặt. Cha mẹ cần nói chuyện với con về mức độ tiếng ồn thích hợp trong các môi trường khác nhau. Khuyến khích con nhận thức được môi trường xung quanh và điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp.