Bỏ hay giữ thi THPT quốc gia: Các giám đốc Sở GD&ĐT nói gì?

Hà Linh, Theo Tiền Phong 13:38 12/04/2020

Liên quan đến vấn đề thi hay không thi hay không thi THPT quốc gia năm nay, một số Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, nếu học sinh đi học được trước 15/6 vẫn nên tổ chức thi, tránh gây xáo trộn, hoang mang cho học sinh. Đặc biệt học sinh khá, giỏi sẽ rất tâm tư.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định: Chưa dạy bài mới trực tuyến cho học sinh

Bỏ hay giữ thi THPT quốc gia: Các giám đốc Sở GD&ĐT nói gì? - Ảnh 1.

Ông Cao Xuân Hùng.

Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cũng chia sẻ, từ ngày 2/3 đã cho học sinh THPT đi học trở lại đến 23/3 (3 tuần) thì tiếp tục nghỉ vì dịch COVID-19 tại Việt Nam phức tạp hơn. Báo cáo về Sở, đa số trường phổ thông cho biết, hiện nay còn cần 8-9 tuần để hoàn thành chương trình giáo dục. Với tình hình đó, các trường có thể đáp ứng được việc kết thúc năm học trước 15/7 như khung thời gian quy định của Bộ. Học sinh lớp 12 cũng đảm bảo được cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản theo chương trình đã tinh giản để dự thi THPT quốc gia.

Thời gian vừa qua, Nam Định đã dạy học trên truyền hình và internet cho học sinh, tuy nhiên mới chỉ tổ chức ôn tập các nội dung đã dạy học trực tiếp. Nếu hết tháng 4 học sinh đi học trở lại thì tỉnh này không cần dạy bài mới qua internet, trên truyền hình. Nhưng nếu qua tháng 5 các em vẫn nghỉ thì Sở sẽ chỉ đạo dạy bài mới qua các hình thức này. Những khu vực khó khăn, học sinh không có điều kiện học qua internet, tỉnh đã tính toán để tổ chức cho các em học tập trung theo từng nhóm 5-7 người ở trường hoặc nhà văn hoá xã để dạy và ôn tập bài mới, nhưng vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Dạy bài mới qua internet, hiệu quả sẽ không được như dạy học trực tiếp ở trường nhưng chắc chắn kiến thức cơ bản như yêu cầu của chương trình tinh giản sẽ đảm bảo được cung cấp đầy đủ”, ông Cao Xuân Hùng nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương ông Lương Văn Việt: 15/6 học sinh vẫn chưa quay lại trường việc thi sẽ khó khăn

Bỏ hay giữ thi THPT quốc gia: Các giám đốc Sở GD&ĐT nói gì? - Ảnh 2.

Ông Lương Văn Việt (đứng) phát biểu.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương ông Lương Văn Việt cho biết, từ ngày 2/3, tỉnh này đã cho học sinh THPT đi học trở lại. Đến thời điểm cả nước thực hiện lệnh giãn cách xã hội, học sinh THPT của Hải Dương đã học tập trung tại trường được 4 tuần.

Rà soát chương trình tinh giản của Bộ, chúng tôi tính toán khối lượng kiến thức còn phải dạy ở các môn học lớp 12 nhiều nhất là 11 tuần, môn ít nhất cần 4 tuần. Nếu học sinh đi học trở lại từ tháng 5 thì thoải mái thời gian để dạy học, ôn thi THPT quốc gia cho các em. Nhưng nếu sau 15/6 học sinh vẫn chưa đi học ở trường trở lại được, thì việc tổ chức thi THPT quốc gia sẽ khó khăn”, ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, học sinh đã học và chuẩn bị cho tâm thế sẽ thi THPT quốc gia năm 2020 vì thế vẫn nên tiến hành thi sẽ tốt hơn là bỏ thi. “Có nhiều hệ luỵ nếu không tổ chức kỳ thi này”, ông Việt nói. Ông cho rằng, quyết định không tổ chức thi THPT quốc gia sẽ khiến học sinh không có động lực học tập tiếp các nội dung kiến thức còn lại của học kỳ 2.

Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn: Thay đổi thời điểm này gây xáo trộn cho học sinh

Bỏ hay giữ thi THPT quốc gia: Các giám đốc Sở GD&ĐT nói gì? - Ảnh 3.

Ông Ma Thế Quyên.

Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn ông Ma Thế Quyên cho biết, địa phương rất khó khăn trong việc tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình so với một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Tuy nhiên, sau Tết địa phương dạy học tại trường 5 tuần.

Theo chương trình chưa tinh giản thì học kỳ 2 lớp 12 có 18 tuần, học sinh tỉnh Bắc Kạn đã học được 5 tuần nên còn 13 tuần. Sau khi Bộ tinh giản chương trình, khối lượng và thời lượng kiến thức cần học được rút ngắn lại. Chúng tôi tính toán, nếu học sinh đi học dù muộn hơn một chút so với mốc 15/6, thì các em vẫn hoàn thành được chương trình và dự thi THPT quốc gia”, ông Quyên nói.

Ông Quyên cũng cho rằng, ở thời điểm này, tổ chức được kỳ thi sẽ tốt hơn. Lý do là từ những năm học trước, học sinh đã học tập, ôn luyện kiến thức để sẵn sàng tham dự kỳ thi lấy kết quả để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ xét tuyển ĐH. Thời gian vừa qua dù phải nghỉ học ở trường vì phòng chống dịch nhưng học sinh lớp 12 vẫn rất ý thức trong việc học để tháng 8 tới đây sẽ dự thi.

Mọi thay đổi thời điểm này sẽ làm xáo trộn tâm lý học trò. Các em sẽ băn khoăn, lo lắng không biết nếu xét tốt nghiệp và trường ĐH, CĐ chủ động tuyển sinh thì phương án như thế nào, sẽ khó khăn ra sao, trong thời gian ngắn các em có đáp ứng được yêu cầu của trường ĐH để được vào học tiếp…”, ông Quyên nói.