Bộ G&ĐT công bố kết quả thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới

Minh Hải, Theo Trí Thức Trẻ 09:51 04/05/2018

Chương trình giáo dục phổ thông mới có một số yêu cầu còn cao so với trình độ của học sinh, nội dung nhiều bài thực nghiệm tương đối khó. Có bài vẫn nặng về trang bị kiến thức. Dung lượng của một số bài chưa phù hợp thời lượng dạy học.

Chiều qua (3/5), Bộ GD&ĐT chính thức thông tin về kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngay sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới được giới thiệu trên mạng lấy ý kiến dư luận, ban soạn thảo đồng thời thử nghiệm tại một số trường phổ thông thuộc 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, đại diện 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết: "Một tháng vừa qua, Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đã đi địa phương để thực nghiệm các môn học, nhằm đánh giá tính khả thi và tác động của chương trình mới đến người dạy và học.

Phần lớn các bài học thực nghiệm đã xác định đúng những yêu cầu cần đạt ở mỗi bài học; chú trọng tổ chức các hoạt động học tập, tương tác của học sinh."

Cũng từ kết quả thực nghiệm này, ban soạn thảo cho biết giáo viên đều hứng thú với những đổi mới trong chương trình. Đồng thời, một số hạn chế của chương trình mà qua thời gian thực nghiệm gặp phải là chương trình vẫn còn thiên về thể hiện kiến thức, khó với cả giáo viên và học sinh.

Đặc biệt, có nhiều yêu cầu đặt ra vượt quá trình độ nhận thức của học sinh; trong một khoảng thời gian cho phép nhưng yêu cầu học sinh phải làm quá nhiều việc; nội dung một số bài thực nghiệm tương đối khó.

Cũng từ những đánh giá thực tế của giáo viên trực tiếp giảng dạy, GS Thuyết chia sẻ, "Đây là những hạn chế, thời gian tới nhóm tác giả chương trình môn học sẽ nghiêm túc xem xét và kiên quyết khắc phục để nhằm giảm tải cho học sinh".

Sau thực nghiệm, bước tiếp theo, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện chương trình, Hội đồng thẩm định sẽ họp để Bộ GD&ĐT đủ điều kiện công bố chính thức chương trình giáo dục phổ thông. Tiếp đến là tập huấn chương trình. Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiến hành tập huấn việc viết sách giáo khoa. Chậm nhất đến năm học 2020-2021 phải triển khai dạy ở lớp 1.