Bi kịch của nạn nhân bị bạo hành ở phim Việt ngoài rạp - Rừng Thế Mạng

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 09/01/2022

Ngoài nội dung sinh tồn, tác phẩm của đạo diễn Trần Hữu Tấn gây bàn tán khi giới thiệu một nhân vật chính khó ưa, cư xử cộc cằn, do hậu quả từ bạo hành gia đình, từ khoá rất nóng gần đây.

Sau gần 2 tuần ra mắt, nhân vật Kiên của Rừng Thế Mạng khiến nhiều khán giả đi từ bất mãn đến cảm thông sau khi xem xong vì bộ phim vừa hay khai thác một đề tài bạo hành đang gây phẫn nộ.

Bi kịch của nạn nhân bị bạo hành ở phim Việt ngoài rạp - Rừng Thế Mạng - Ảnh 1.

Trước đó, phim được biết đến với câu chuyện chàng phượt thủ Kiên (Huỳnh Thanh Trực) bị lạc trong rừng Tà Năng - Phan Dũng. Để đấu tranh sinh tồn, anh vượt qua đói khát, chấn thương lẫn nỗi sợ tâm lý. Phim này độc đáo ở cách xây dựng nam chính lệch chuẩn. Nửa đầu phim, anh chàng hiện lên với vẻ cô độc, cộc cằn với bạn bè và hay gây gổ với người dẫn đường. Kiên là tâm điểm mọi vụ cãi nhau trong đoàn và gián tiếp gây ra bi kịch cho mình lẫn Bách (Trần Phong).

Bi kịch của nạn nhân bị bạo hành ở phim Việt ngoài rạp - Rừng Thế Mạng - Ảnh 2.

Đến nửa sau phim, người xem dần hiểu hơn về Kiên qua những thước phim về quá khứ của anh. Anh chàng lầm lì này hóa ra là một nạn nhân của bạo hành gia đình suốt nhiều năm, dẫn đến tính cách khó gần. Kiên từng bị bố mình (Hữu Châu) đánh đập, mắng nhiếc, chứng kiến người mẹ mà mình yêu thương nhất qua đời. Nói cách khác, chính sự bạo hành gia đình mới là "kẻ phản diện" thật sự trong phim, vì nó khiến Kiên uất ức, gây lắm chuyện rắc rối cho nhóm bạn phượt, dẫn đến việc Bách mất tích và chính Kiên phải đi tìm rồi bị lạc.

Bi kịch của nạn nhân bị bạo hành ở phim Việt ngoài rạp - Rừng Thế Mạng - Ảnh 3.

Kiên của Rừng Thế Mạng là một kẻ đáng thương: bị bạo hành, lòng chất đầy tổn thương. Chuyện bạo hành trong Rừng Thế Mạng được khắc họa theo kiểu cả người bạo hành thiếu nhận thức hành vi. Bố của Kiên thực chất không phải người xấu, mà ông có điểm chung của hầu hết phụ huynh Việt Nam: xem đánh mắng, chửi con cái là để dạy con, không nghĩ thế là tổn thương đứa trẻ. Ngoài ra, những cơn say xỉn khiến ông không còn là chính mình. Kiên bị bạo hành cả về mặt thể xác và tinh thần. Bên cạnh đòn roi, việc bị bố bạo hành tâm lý cũng để lại những vết sẹo cho anh, khi hay bị bố sỉ nhục là "thằng đàn bà".

Bi kịch của nạn nhân bị bạo hành ở phim Việt ngoài rạp - Rừng Thế Mạng - Ảnh 4.

"Đứa trẻ bên trong" là một từ được nhắc đến nhiều gần đây. Đó là tên gọi cho bản chất nguyên thủy của con người, sự tổng hợp của tất cả ký ức đã qua như một đứa bé trong tiềm thức. Nếu sinh ra trong gia đình êm đềm, "đứa trẻ bên trong" của bạn dễ hạnh phúc. Ngược lại, đứa trẻ đó sẽ mang nhiều cảm xúc tiêu cực, thậm chí đen tối, có khuynh hướng hủy hoại. Trong phần lớn thời gian, chúng ta không nhận ra sự tồn tại của đứa trẻ này, cũng như quên mất những vết sẹo tâm lý đã định hình mình.

Trở lại với bộ phim, Kiên luôn mang cảm giác mất tự tin vào bản thân, bị thua thiệt trong chuyện tình cảm là do ám ảnh từ nhiều lần bị bố tấn công tinh thần. Chỉ cần thấy Bách thân với Khanh (bạn gái Kiên, Thùy Anh đóng) là Kiên đã khó chịu. Dù Kiên không nhận ra, đứa trẻ bên trong đã trỗi dậy và kéo anh trở về với bao ký ức đen tối của ấu thơ.

Ở cao trào của phim, khán giả được biết mẹ Kiên qua đời do không chịu nổi những sự tra tấn tâm lý lẫn thể xác từ chồng. Cảm giác đau đớn đó hẳn đã ùa về, gợi ra trong Kiên sự tương đồng khi anh thấy mình dường như lại sắp mất một người phụ nữ quan trọng khác. Hành trình sinh tồn trong rừng dường như là một cuộc thanh tẩy với Kiên khi anh nhớ về và đối mặt với những tổn thương trong quá khứ. Những cú sốc về thể chất tạo ra một trạng thái đủ mạnh để Kiên có thể nhìn nhận chính xác những vấn đề của mình, và sinh tồn giữa cuộc đi lạc trong thực tế lẫn trong tâm hồn.

Bi kịch của nạn nhân bị bạo hành ở phim Việt ngoài rạp - Rừng Thế Mạng - Ảnh 5.

Vấn đề của Kiên khá gần gũi nhiều người ngày nay: khép kín và không dám nói ra tâm sự của mình, hoặc ẩn giấu quá nhiều vết thương. Khi trưởng thành, ta được dạy rằng phải nề nếp kiểm soát hơn, đừng bộc lộ quá nhiều cảm xúc thật. Nhiều người cố tỏ ra bình thường, né tránh các vấn đề đang phải chịu đựng. Tuy nhiên, những ẩn ức đó vẫn tồn tại, chi phối cách cư xử của họ hàng ngày. Nếu hố đen của ai đó quá lớn, họ sẽ vô tình làm ảnh hưởng xấu đến cả những người xung quanh.

Một trong những cảnh đơn giản mà xúc động nhất phim chính là khi Kiên gọi ba mình ở đoạn cuối. Chỉ một tiếng "Ba.." là đủ thể hiện sự tha thứ và hàn gắn của Kiên. Ở đoạn kết, chúng ta dường như thấy một sinh mạng mới của anh, sau cái chết của "bản thể" cũ trong rừng. Can đảm nói ra, đối diện với nỗi đau của chính mình là một giải pháp cho người từng bị bạo hành trong quá khứ. Sự đối mặt này thường rất khó chịu, thậm chí đớn đau ban đầu, nhưng có thể sẽ giúp những người bị tổn thương nhìn nhận được vấn đề của mình, từ đó tìm được cách chữa lành. Khi nhận thức xã hội đang ngày càng được nâng cao, bạo hành gia đình chắc chắn sẽ là chủ đề được quan tâm, giáo dục đầy đủ hơn để tránh xảy ra những trường hợp bi kịch, hay bạo hành trong vô thức. Tuy nhiên, từ trước đó, mỗi chúng ta đều có thể giúp mình bằng cách chủ động tìm cách hiểu được các cảm xúc của bản thân, chủ động đối thoại, giãi bày để tránh những sự hiểu lầm.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: Trong Rừng Thế Mạng, Kiên cũng mang theo vài phần tính cách của tôi khi bốc đồng, mặc cảm, tổn thương. Tôi nghĩ đôi lúc muốn người khác tin câu chuyện mình kể, thì phải kể câu chuyện của chính mình!

Rừng Thế Mạng đang chiếu tại rạp.