Bị chê kém cỏi hơn sinh viên Đại học, nam sinh học trường nghề phán một câu khiến ai cũng suy ngẫm

Mr. Q, Theo Helino 09:21 17/02/2019

Không học Đại học mà chọn con đường học nghề là đáng khinh ư?

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, học Đại học được xem là một trong những đích đến của tuổi trẻ, người người nhà nhà đua nhau vào trường top để khẳng định bản thân, làm vẻ vang dòng họ, gia đình cũng như có cơ hội đổi đời, làm giàu.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ khả năng đỗ Đại học, đặc biệt là các trường lớn, điểm chuẩn cao. Và cũng không phải tất cả mọi người đều có kinh tế khá giả, gia đình đủ tiềm lực kinh tế để học Đại học, đặc biệt là những trường ngoài công lập, có mức học phí cao chót vót. 

Và không ít người chọn con đường học nghề, đơn giản vì học phí của nó thấp, thời gian học ngắn, dễ dàng có việc làm sau tốt nghiệp. Học nghề còn định hướng rõ ràng nghề nghiệp của bản thân, bạn sẽ được học đúng những gì mình làm khi ra trường, không mơ hồ như học Đại học. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành ở các trường nghề cũng cao hơn ở các trường Đại học.

Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn học nghề, dám học nghề và có cái nhìn đúng về việc học trường nghề. Tâm sự mới đây của một chàng trai học nghề cho thấy còn quá nhiều định kiến về sinh viên học ở đây. Để vượt qua được những điều này không phải dễ dàng.

Học nghề là kém ư?

Mình đang tại một trường nghề ở Hà Nội. Hôm trước bạn mình có rủ đi ăn khu vực Bách-Kinh-Xây, mình thấy các bạn mặc áo ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân rồi ĐH Xây Dựng cũng ghen tị lắm. Năm ngoái mình thi chỉ được 19,5 điểm, đương nhiên là không đỗ cơ khí Bách Khoa. Do điều kiện kinh tế không có nên cũng không học các trường đại học ngoài công lập khác. Mình quyết tâm đi học nghề.

Bọn mình đang ngồi ăn thì bạn mình rủ thêm một bạn học một trong ba Đại học kể trên tới. Sau một hồi chém gió, bạn đấy có vẻ khinh khỉnh vì mình học trường nghề, nói chuyện kiểu xem thường, hạ thấp.

Mình không biết bạn kia ra sao, có giỏi đến thế nào nhưng cũng đừng khinh những người học nghề như bọn mình chứ. Đại học không phải con đường duy nhất tới thành công mà chỉ là con đường dễ nhất thôi. Mình không đi được con đường dễ thì mình đi con đường khó, điều đó cũng không ảnh hưởng tới ai cả. Học gì thì cũng là học thôi, vì học là quá trình lâu dài, cùng lắm 17 năm giấy bút, không thì cả cả đời tích luỹ kinh nghiệm.

Bạn có dám khẳng định 100% sinh viên học đại học thành công hơn những người đi học nghề không?

Nếu không tôn trọng thì cũng đừng khinh thường người khác.

Bị chê kém cỏi hơn sinh viên Đại học, nam sinh học trường nghề phán một câu khiến ai cũng suy ngẫm - Ảnh 2.

Một lớp học nghề tại Việt Nam

Chọn trường để học, chọn ngành để học, chọn học nghề hay học văn hoá... tất cả những quyết định này đều ảnh hưởng đến tương lai của mỗi người. Ai cũng có những con đường đi riêng, có những lựa chọn riêng, có định hướng riêng... tất cả lựa chọn đều có nguyên do của nó và đáng được tôn trọng. Không có con đường nào là thấp kém, chỉ cần quyết tâm theo đuổi hết mình đam mê, biết đâu là thế mạnh, thế yếu, đâu là hướng đi đúng của bản thân ắt sẽ thành công. Cả học Đại học và học nghề đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng.

Khi đứng trước ngưỡng cửa phải chọn học gì, những yếu tố được cân nhắc như danh tiếng của trường, tỉ lệ sinh viên sau tốt nghiệp có được việc làm lương cao, hỗ trợ sinh viên tìm việc, môi trường thân thiện và được người thân giới thiệu...

Xu hướng học nghề ngày trở nên phổ biến, nhiều người thậm chí còn học Đại học xong không xin được việc đành chọn học nghề. Biết rõ mình sẽ làm gì sau khi học khiến họ yên tâm hơn để lựa chọn. 

Lực học của bản thân; ngành nghề yêu thích; điều kiện kinh tế của gia đình là ba yếu tố cần cân nhắc khi chọn học Đại học của học sinh cấp 3. Nếu khuyết một trong ba yếu tố trên thì nên chọn con đường học nghề là khả thi nhất.