Bệnh tật cũng thích có ''bạn đồng hành": Nếu mắc 1 trong 5 bệnh này, bạn hãy coi chừng!

Hương Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 17:23 26/09/2017

Bệnh tật cũng thích có ''bạn đồng hành": Nếu mắc 1 trong 5 bệnh này, bạn hãy coi chừng!

Áp lực công việc, lối sống sinh hoạt chưa lành mạnh, môi trường ô nhiễm, lười vận động là những tác nhân khiến con người ngày nay dễ bị ốm hơn.

Nhưng mấy ai biết rằng khi chúng ta mắc một bệnh nào đó, chúng không đến một mình mà thường kéo thêm một hoặc vài "người anh em họ hàng" tới gõ cửa sức khỏe của bạn. Có những cặp bệnh luôn đồng hành cùng nhau mà bạn cần nên biết.

Nhóm chuyên gia gồm:

Giáo sư – Bác sĩ Nguy Kiến An, Trưởng lão khoa, Bệnh viện Quảng An Môn – Học viện trung y Trung Quốc.

Bác sĩ Vu Sinh Nguyên, Trưởng khoa nội thần kinh, Bệnh viện quân đội Trung Quốc.

Bác sĩ Tống Sùng Thăng, Phó khoa thần kinh, Bệnh viện Hồi Long Quan, Bắc Kinh, Trung Quốc.

Gần đây, Đại học Chicago Mỹ phân tích số liệu sức khỏe của 130 nghìn hộ gia đình, 480 nghìn người, phát hiện giữa bệnh tật cũng có mối "quan hệ anh em". Khi mắc một loại bệnh nào đó, thì một bệnh hoặc nhiều bệnh khác có thể nối bước tìm đến.

Điều này phần lớn là do sự tương đồng về gen gây bệnh, cùng một thói quen sinh hoạt, hoặc các yếu tố bên trong và bên ngoài có cùng chung tác nhân gây nên.

"Bệnh anh em" ở lâm sàng rất thường gặp, chỉ có điều hầu hết mọi người đều không để ý tới.

1. Mắc bệnh sỏi mật, dễ đi kèm mắc bệnh tim mạch vành

Sỏi mật là một loại bệnh mà trong hệ thống đường mật (bao gồm túi mật và ống dẫn mật) xuất hiện sỏi. Bệnh tim mạch vành là bệnh do huyết quản động mạch vành bị xơ vữa khiến cơ tim bị thiếu máu, thiếu oxy hoặc hoại tử dẫn đến tim đau co thắt, nhồi máu cơ tim, thậm chí suy tim, tử vong. Hai loại bệnh dường như không có gì liên quan với nhau nhưng lại là cặp "bệnh anh em".

Giáo sư – Bác sĩ Nguy Kiến An, Trưởng lão khoa, Bệnh viện Quảng An Môn, Học viện trung y Trung Quốc cho biết: "Khi thăm khám nếu gặp người mắc bệnh sỏi mật chúng tôi thường sẽ nhắc nhở họ đề phòng bệnh tim mạch vành, đặc biệt là chị em phụ nữ ở độ tuổi trung niên có thể trạng béo. Độ tuổi càng tăng nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Qua tìm hiểu nguyên nhân chúng ta thấy người mắc bệnh sỏi mật phần lớn là béo phì, ít vận động, thích ăn đồ béo, nhiều đường, cholesterol cao, thường gặp bất thường về mỡ máu. Những thói quen và tính chất đặc biệt này cũng là tác nhân gây ra bệnh tim mạch vành.

Ngoài ra, sỏi mật còn thông qua phản xạ thần kinh khiến động mạch vành bị co hẹp làm cho động mạch vành không được cung cấp đủ máu dẫn đến cơn đau thắt ngực, tim đập không đủ thậm chí là nhồi máu cơ tim. Do sự kích thích của sỏi việc bài tiết dịch mật của túi mật bị ảnh hưởng, gây bất lợi cho việc tiêu hóa hấp thụ của cơ thể đối với chất béo, khiến nguy cơ bệnh tim mạch vành tăng cao.

Giáo sư An đưa ra lời khuyên: Người bị sỏi mật hoặc trong gia đình có tiền sử mắc bệnh nên uống nhiều nước, cai thuốc lá, hạn chế uống rượu, ăn uống hợp lý, ít ăn thực phẩm cholesterol cao như nội tạng động vật và các thực phẩm dầu mỡ.

Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, quan tâm đến điện tâm đồ. Nếu có biểu hiện đau ngực, tim đập nhanh hãy mau chóng gặp bác sỹ.

Bệnh tật cũng thích có bạn đồng hành: Nếu mắc 1 trong 5 bệnh này, bạn hãy coi chừng! - Ảnh 2.

Sỏi mật (Ảnh minh họa)

2. Mắc bệnh gan nhiễm mỡ, dễ mắc bệnh đái tháo đường

Gan nhiễm mỡ và đái tháo đường là cặp "anh em hoạn nạn có nhau", như hình với bóng. Nhưng rất ít người liên hệ chúng với nhau.

Giáo sư An cho biết, do insulin trong cơ thể người đái tháo đường không đủ, không thể thúc đẩy cơ thể tận dụng glucose khiến chúng chuyển hóa thành chất béo trong gan dẫn đến việc chuyển hóa lipit bị xáo trộn gây ra gan nhiễm mỡ.

Gan của người bị nhiễm mỡ không thể chuyển hóa glycogen một cách hiệu quả, khả năng tích trữ glucogen yếu, đường trong thực phẩm chỉ có thể lưu lại trong máu khiến tuyến tụy phải làm việc quá tải trong thời gian dài, tự khắc bệnh đái tháo đường sẽ tìm đến.

Các chuyên gia cảnh báo: Con người ngày nay ăn uống tinh tế, vận động lại ít nên dễ mắc "bệnh nhà giàu" như tiểu đường, gan nhiễm mỡ.

Chúng ta không thể xem thường những ảnh hưởng của bệnh đái tháo đường đối với cơ thể con người. Biến chứng thường gặp nhất là bệnh võng mạc, bệnh thận, biến chứng bàn chân do đái tháo đường, tai biến mạch máu não.

Ngoài việc chú ý ăn uống, còn phải kiên trì vận đông, kiểm soát cân nặng. Mỗi tuần tốt nhất nên vận động mạnh vừa phải khoảng nửa tiếng từ 3 – 5 lần. Sau khi vận động nhịp tim nên ở mức "170 trừ đi số tuổi" là hợp lý. Ví dụ một người 65 tuổi sau khi vận động nhịp tim trong khoảng 105 lần/phút.

3. Mắc chứng đau nửa đầu dễ sinh hội chứng ruột kích thích

Bác sĩ Vu Sinh Nguyên, Trưởng khoa nội thần kinh Bệnh viện quân đội Trung Quốc cho biết, Hội chứng ruột kích thích thường gây cảm giác khó chịu ở vùng bụng, có biểu hiện tiêu chảy, táo bón hoặc đồng thời cả hai, thường có dịch nhày trong phân.

Những người đã bị chứng đau nửa đầu nên đặc biệt chú ý giữ đường ruột khỏe mạnh, ăn ít thực phẩm có tính kính thích như chua, cay. Nếu có triệu chứng ruột kích thích nên kịp thời chữa trị.

Khi bị tiêu chảy chú ý bổ sung thêm nước, đảm bảo dinh dưỡng, ăn ít nhưng chia thành nhiều bữa, ít ăn thực phẩm dầu mỡ. Khi bị táo bón tăng hấp thụ các thực phẩm giàu chất xơ giúp thúc đẩy ruột co bóp.

Người bị đau nửa đầu và hội chứng ruột kích thích nếu thường xuyên cảm thấy có những vấn đề tâm lý như bồn chồn lo lắng, trầm cảm nên mau chóng tìm đến bác sỹ tâm lý hoặc bác sỹ thần kinh để được giúp đỡ.

Bệnh tật cũng thích có bạn đồng hành: Nếu mắc 1 trong 5 bệnh này, bạn hãy coi chừng! - Ảnh 3.

4. Mắc bệnh tai biến mạch máu não dễ sinh bệnh trầm cảm

Tai biến mạch máu não là bệnh do mạch máu não bị vỡ hoặc bị tắc nghẽn dẫn đến việc cung cấp máu cho não gặp trở ngại khiến tổ chức não bị tổn thương.

Bác sĩ Tống Sùng Thăng, Phó chủ nhiệm khoa thần kinh, Bệnh viện Hồi Long Quan cho biết: Sau một khoảng thời gian tai biến mạch máu não người bệnh có thể có những biểu hiện không rõ nguyên nhân như tâm trạng sa sút, mất sự phấn chấn, mộng mị nhiều, thậm chí có ý nghĩ tự sát.

Những biểu hiện này rất giống với bệnh trầm cảm. Thực ra đây là trầm cảm sau tai biến mạch máu não đang tác oai tác quái. Rõ ràng hai loại bệnh này là cặp "bệnh anh em".

"Triệu chứng trầm cảm xuất hiện sau tai biến mạch máu não do nhiều nguyên nhân gây nên" bác sĩ Thăng nói.

Ngoài lý do đại não bị tổn thương hệ thống thần kinh ra còn có liên quan đến yếu tố tâm lý của người bệnh, ví dụ như cảm thấy sợ hãi về bệnh tình, sự sống chết, mất lòng tin đối với điều trị, vì mất đi khả năng xã hội nên cảm thấy bản thân "vô dụng", trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bác sĩ Thăng khuyên, người nhà không chỉ chăm sóc cuộc sống của người bệnh mà còn phải quan tâm đến trạng thái tinh thần của họ. Nên khích lệ người bệnh đi bộ nhiều, đừng vì mới đổ bệnh mà ở lì trong nhà cả ngày, xa rời quan hệ xã hội.

Trong thời gian phục hồi, bác sĩ và gia đình phải thường xuyên nói chuyện với người bệnh. Nếu phát hiện người bệnh có biểu hiện trầm cảm nên lập tức can thiệp tâm lý kịp thời. Khi cần thiết phải dùng thuốc để điều trị.

Bệnh tật cũng thích có bạn đồng hành: Nếu mắc 1 trong 5 bệnh này, bạn hãy coi chừng! - Ảnh 4.

5. Mắc bệnh loãng xương dễ sinh ra bệnh hô hấp

Loãng xương là bệnh thường gặp ở trung niên và người già. Trong suy nghĩ của mọi người biến chứng lớn nhất của loãng xương là gù lưng, giảm chiều cao, đau nhức xương khớp hoặc dễ bị gãy xương khi ngã hoặc va đập. Nhưng giáo sư An cho biết: Loãng xương còn kéo theo "người anh em" là suy giảm chức năng hô hấp.

Giáo sư An giải thích: Người bị loãng xương thường bị đau xương. Họ luôn sợ vận động hít thở sẽ càng đau thêm nên không dám hít thở mạnh khiến vùng ngực không được nở đủ dẫn đến lượng khí vào phổi giảm. Có một số người bệnh bị biến chứng gãy xương cột sống dẫn đến khoang ngực bị chèn ép, ảnh hưởng đến chức năng hít thở của phổi, lượng khí hít thở ít dẫn đến tức ngực khó thở.

Các chuyên gia có lời khuyên: Ở tuổi trung niên mọi người nên quan tâm đến sức khỏe xương cốt, hấp thụ nhiều thực phẩm giàu canxi như sữa, rau cải, kiên trì vận động. Trong cuộc sống, người bị loãng xương nên chú ý giữ ấm, phòng tránh bị cảm lạnh nếu không sẽ làm bệnh trở nặng.

Rất nhiều người sau khi được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương lập tức tăng cường tập thể dục. Các chuyên gia cho rằng không nên quá nôn nóng , hãy bắt đầu từ việc đi bộ dưới ánh nắng mặt trời. Đợi bệnh có chuyển biến tốt mới từ từ tăng lượng vận động.

Khi những cơn đau nhức xương do bệnh loãng xương gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp thì phải dùng thuốc điều trị trong thời gian dài. Đồng thời giữ tâm trạng ổn định mới có thể đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.

*Theo Lifetimes