Bé trai 8 tuổi chóng mặt và qua đời chỉ vì sai lầm của cha mẹ khi dạy con

Ánh Lê, Theo Phụ nữ Việt Nam 19:56 18/12/2022

Việc dùng bạo lực để dạy dỗ con sẽ tác động xấu đến tâm hồn và thể chất của trẻ, đôi khi còn gây nguy hiểm cho cả tính mạng của trẻ.

Sống trong thời đại công nghệ, trẻ em được tiếp cận với chiếc điện thoại thông minh từ rất sớm. Nhiều bậc cha mẹ bận rộn nên vô tình dẫn đến việc các bé nghiện điện thoại và không tập trung vào học tập. Đây là vấn đề mà hầu hết các bậc làm cha làm mẹ đang đau đầu. Tác hại của việc nghiện điện thoại ở trẻ là không ít, ngoài ra những câu chuyện bên lề chiếc điện thoại khiến các bậc phụ huynh nên cân nhắc về phương pháp dạy con của mình.

Theo Aboluowang, từng có một câu chuyện đau lòng đã xảy ra ở Trung Quốc khiến nhiều người không khỏi xót xa. Một cặp vợ chồng ôm đứa con trai vội vàng chạy vào bệnh viện. Họ nhìn quanh với vẻ mặt hốt hoảng nhưng không biết phải làm gì. Các y tá thấy vậy nhanh chóng chạy tới hỏi thăm tình hình. Người đàn ông bế bé trai nói rằng con anh bị ngất xỉu và cần phải điều trị càng sớm càng tốt.

Lúc này, cô y tá vội vàng đi tìm bác sĩ để khám bệnh cho đứa bé. Cháu bé bị chấn thương nội sọ, cần được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, bé trai đã tử vong 3 giờ sau đó dù đã được các nhân viên y tế tận tình cứu chữa.

Bé trai 8 tuổi chóng mặt và qua đời chỉ vì sai lầm của cha mẹ khi dạy con - Ảnh 1.

Nhận được tin con mất, cả hai vợ chồng rất kích động, người bố đã bật khóc còn người vợ ở bên cạnh liên tục tự trách móc và đánh bản thân trong tuyệt vọng. Chứng kiến cảnh tượng thương tâm này, các nhân viên y tế đã lần lượt đến an ủi đôi vợ chồng. Theo lời kể của người mẹ, do con trai ở nhà không chịu làm bài tập mà cứ nghịch điện thoại, không nghe lời nên trong lúc tức giận, cô đã không kiềm chế được mà đánh mạnh vào đầu con. Cú đánh đó khiến con choáng váng và ngất đi.

Sau khi nghe qua câu chuyện, bác sĩ nhận thấy rằng đây thực sự là điều mà nhiều bậc cha mẹ đang làm, việc này sẽ gây ra rất nhiều nguy hiểm cho cơ thể của trẻ nhỏ. Họ cần phải xem xét lại phương pháp dạy con mang tính bạo lực này.

Giáo dục trẻ nhiều hơn hay là tự mình làm gương

Thay vì đánh mắng trẻ, chúng ta nên xem xét kỹ càng hơn các phương pháp của cha mẹ trong việc giáo dục con cái, điều đó có thể giải quyết tốt hơn những vấn đề còn vướng mắc của trẻ.

Khi trẻ đang trong giai đoạn phát triển sẽ bắt chước cách sống và hành vi của cha mẹ, qua đó cha mẹ có thể nhận ra những vấn đề trong chính bản thân mình. Trên thực tế, cha mẹ được coi là tấm gương phản chiếu của con trẻ. Vì vậy, nếu muốn con học được điều hay, cha mẹ nên làm gương cho con.

Bé trai 8 tuổi chóng mặt và qua đời chỉ vì sai lầm của cha mẹ khi dạy con - Ảnh 2.

Đa số phụ huynh hay phàn nàn rằng trẻ nhỏ khó dạy bảo nhưng rồi lại mải mê với công việc mà quên đi việc tìm hiểu nguyên do là gì. Cuộc sống hiện đại khiến người lớn tiếp xúc với điện thoại nhiều hơn, vì công việc hay cũng có thể để giải trí.

Khi một đứa trẻ muốn nói chuyện với bạn, muốn bạn chơi trò chơi cùng, hay chỉ đơn giản là chia sẻ về điều gì đó thú vị, thì bạn lại đang cặm cụi vào chiếc điện thoại trên tay và đáp lại một cách lơ đãng. Nếu điều đó xảy ra thường xuyên, một cách vô hình, trẻ có thể học theo và nghĩ đó là hành vi phù hợp. Khi nghiện điện thoại, trẻ sẽ không còn hứng thú giao tiếp với cha mẹ, và việc bạn muốn con nghe lời sẽ trở nên khó khăn hơn.

Hầu hết chúng ta sẽ muốn con mình ngoan ngoãn, tử tế. Nhưng đôi khi, chỉ nói con nghe về những giá trị và trách nhiệm thôi là chưa đủ. Chúng ta phải cho con thấy được hành động. Bản thân nên là tấm gương sáng để con cái noi theo. Thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con là cách tốt nhất để giáo dục con cái. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian ở bên các con, đồng thời hãy để con dần dần khôn lớn thay vì ép lớn nhanh.

Dù trong lúc dạy con, bạn tức giận thế nào cũng không nên sử dụng bạo lực như một cách để dạy trẻ. Bởi trong trường hợp nào, đòn roi chưa bao giờ là một phương thức thể hiện tình yêu con. Những trận đánh không chỉ gây ra nỗi đau về thể xác mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng đến tinh thần của trẻ về sau.

Nguồn: (Theo Aboluowang)