"Choáng" với đề thi Ngữ văn lớp 6 học sinh giỏi huyện

Báo Công An Nghệ An, Theo 11:27 22/04/2014

Vừa cầm đề trên tay, cô P. đã choáng váng và “sốc” trước một đề thi dành cho một đứa trẻ. Bởi với đề thi này thì cô cũng “bó tay” chứ một đứa bé 12 tuổi sao làm được.

Ngày 16/4/2014, học sinh cấp THCS huyện Yên Thành, Nghệ An kết thúc kì thi học sinh giỏi cấp huyện khối 6, 7, 8 nhưng âm vang của nó, sự trăn trở của giáo viên và cả sự thất vọng của học sinh vẫn còn vang mãi. Bởi đề thi quá khó, quá sức và nặng về lí luận, đặc biệt là đề thi môn Ngữ văn 6 và 7.

Có thể nói, đề thi môn Ngữ văn 6 khiến nhiều giáo viên ôn thi khá bất ngờ. Cụ thể, đề có hai câu. Câu 1 (8/20 điểm): Trình bày cảm nhận của em về đoạn văn sau: "Ngày thứ năm trên đảo Cô Tô là một ngày trong trẻo, sáng sủa. Từ khi có vịnh Bắc bộ và từ khi quần đảo Cô Tô mang lấy dấu hiệu của sự sống con người thì, sau mỗi lần dông bão, bao giờ bầu trời Cô Tô cũng trong sáng như vậy. Cây trên núi đảo lại thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc đặm đà hơn hết cả mọi khi, và cát lại vàng giòn hơn nữa. Và nếu cá có vắng tăm biệt tích trong ngày động bão, thì nay lưới càng thêm nặng mẻ cá giã đôi".

Đây là một dạng đề nghị luận văn học nhưng đến lớp 9 các em mới bước đầu tìm hiểu dạng đề này, trong khi đó, một em học sinh lớp 6 non tơ, hồn nhiên mà yêu cầu cao thế này là vượt quá sức của các em. Ngay cả một học sinh lớp 9 với học lực khá cũng khó mà làm được - một thầy giáo cho biết. Đề thi lớp 6 đã khó, đề thi dành cho học sinh lớp 7 càng khó hơn khiến không ít học sinh hoang mang.

Sau khi kết thúc buổi thi, cô giáo Nguyễn Thị P. được học sinh trao cho đề thi. Vừa cầm đề trên tay, cô P. đã choáng váng và “sốc” trước một đề thi dành cho một đứa trẻ. “Choáng” bởi cô không thể tin đây là một đề thi cấp huyện. Bởi với đề thi này thì cô cũng “bó tay” chứ một đứa bé 12 tuổi sao làm được.

Cụ thể, câu thứ 2 (6/10 điểm) của đề thi môn Ngữ văn lớp 7 yêu cầu: Khi bàn về nhiệm vụ văn chương, Hoài Thanh đã viết: “Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương còn sáng tạo ra sự sống”. Bằng những hiểu biết của mình về tác phẩm văn học, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. Đây là một câu hỏi yêu cầu học sinh phải có lí luận văn học, có kiến thức toàn diện vừa rộng vừa sâu, trong khi đó trong văn bản không hề có bất cứ một dẫn chứng nào minh họa.

Với một tâm hồn non nớt, hồn nhiên, học sinh lớp 6 sẽ “cảm nhận” thế nào với đề thi này?

Là câu văn khó nhất trong văn bản khó nhất của chương trình THCS. Nhận xét về đề thi này, một thầy giáo lão làng cho biết thêm: Khó, khô khan, sặc màu lí luận, ngay cả tôi cũng khó mà làm được như đáp án.

Còn thầy Trần Văn D. thì bức xúc cho rằng: “Chúng ta đang đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục mà ra đề thi như thế này thì chỉ làm cho tâm hồn của những đứa trẻ trở nên khô khan, già nua và giết chết tình yêu văn chương. Nhiều năm tôi được phân công ra đề và kiểm duyệt đề thi học sinh giỏi, nhưng chưa năm nào gặp một đề khó như thế. Việc ra một đề thi không hề đơn giản, vì nó không chỉ đánh giá năng lực học sinh mà còn đánh giá năng lực, trình độ của người ra đề”.

Trao đổi với chúng tôi, một cô giáo đang bồi dưỡng môn Ngữ văn 7 tâm sự trong nỗi thất vọng nặng nề: Khi bồi dưỡng, em chú trọng đến kiến thức cơ bản, toàn diện và những kĩ năng cần thiết và sau đó em dạy nâng cao hơn một chút. Nhưng gặp đề thế này thì có lẽ học sinh em trật hết và các em chẳng đủ tự tin để học Văn, thi Văn nữa đâu anh ạ.

Còn em Trần Đức T. - học sinh lớp 7, Trường THCS V.T. buồn rầu nói: “Em không làm được câu số 2 vì không đủ kiến thức để trình bày. Em cũng không hiểu “Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương còn sáng tạo ra sự sống là gì cả”. Nếu tham khảo đề thi học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn 9 của Nghệ An năm 2014, đề thi học sinh giỏi thành phố Vinh và các huyện khác, chúng ta thấy đề thi học sinh giỏi huyện Yên Thành đã “vượt lên một tầm cao mới”.

Một nguyên tắc quan trọng hàng đầu của bất cứ một đề thi nào là phải đảm bảo tính vừa sức, tính trọng tâm. Nếu không có được hai yêu cầu này xem như đề thi đó hỏng. Thế nhưng, nhiều giáo viên khi được phân công ra đề lại cố gắng làm sao cho khó, cố gắng đánh đố học sinh như để minh chứng cho cái sự “tài giỏi” của mình? Đó là nguyên nhân khiến nhiều học sinh chán học, mất tự tin, còn giáo viên sẽ dạy những vấn đề “trên mây”, nhất là môn Ngữ văn.

Đúng là “Trải qua một cuộc đề thi - Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Hy vọng rằng, Phòng Giáo dục huyện Yên Thành cần rút kinh nghiệm cho những năm sau, để thông qua đề thi vừa đánh giá được giáo viên, vừa đánh giá được năng lực thực sự của học sinh, đồng thời khuyến khích các em có hứng thú, tự tin học tập.