Bạn sẽ chẳng than vãn thi cử áp lực nữa nếu biết học sinh ở những quốc gia này còn phải trải qua kỳ thi khốc liệt hơn nhiều

Sam, Theo Helino 08:17 12/10/2018

Những quốc gia châu Á này có kỳ thi đại học rất khốc liệt, áp lực sống còn khiến học sinh nào cũng sợ hãi.

Với học sinh của những quốc gia này, thi cử là điều vô cùng đáng sợ. Không chỉ có sức ép từ chính bản thân mà gia đình, xã hội cũng đặt lên vai các em quá nhiều áp lực.

1. Nhật Bản

Kỳ thi tuyển sinh đại học ở Nhật Bản khá phức tạp với nhiều hình thức thi tuyển khác nhau. Để bước vào ngưỡng cửa đại học, trước hết học sinh phải tham dự một kì thi quốc gia gọi là “Senta Shiken” (kì thi trung tâm) được tổ chức vào giữa tháng 1 dành cho những sinh viên có nguyện vọng thi vào các trường đại học công lập. Số môn thi của kì thi chung này khác nhau tùy theo trường, theo khối thi.

Ở Nhật, nền tảng giáo dục là yếu tố tiên quyết khi muốn xin vào các công ty hàng đầu nên mức độ cạnh tranh giữa các thí sinh là vô cùng khốc liệt. Nhiều trường đại học còn tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng để chọn lọc được sinh viên với đầu vào chất lượng.

Bạn sẽ chẳng than vãn thi cử áp lực nữa nếu biết học sinh ở những quốc gia này còn phải trải qua kỳ thi khốc liệt hơn nhiều - Ảnh 1.

Nhiều học sinh ôn thi đến kiệt sức

Mỗi năm có đến khoảng 100.000 thí sinh lựa chọn thi lại để có thể cạnh tranh và bước vào ngôi trường yêu thích.

Mỗi mùa thi đến, tất cả học sinh cuối cấp tại đây đều rơi vào trạng thái vô cùng áp lực. Các gia đình liên tục đến các khu đền, chùa nổi tiếng để cầu may mắn. Cụm từ "trượt đại học" là nỗi ám ảnh đáng sợ với học sinh đất nước này, nhiều trường hợp không chịu được áp lực mà đã quyết định tự tử rất thương tâm.

2. Trung Quốc

Tại Trung Quốc, kỳ thi Đại học được gọi là Gaokao (Cao Khảo), thường diễn ra vào đầu tháng 6 hằng năm. Đây được xem như là kỳ thi lớn nhất của quốc gia này, mọi người gọi đây là cơ hội hoặc dấu chấm hết cho tương lai của một học sinh vì phần đông người Trung Quốc coi việc đậu đại học với điểm số cao quyết định cơ hội sống còn về việc làm của thế hệ trẻ. Khó có thể diễn tả được hết áp lực của học sinh cuối cấp tại đây.

Bạn sẽ chẳng than vãn thi cử áp lực nữa nếu biết học sinh ở những quốc gia này còn phải trải qua kỳ thi khốc liệt hơn nhiều - Ảnh 2.

Nhiều học sinh Trung Quốc xé sách vở trước ngày thi để giải tỏa căng thẳng

Học sinh tại Trung Quốc đã được giáo viên và bố mẹ nhắc đến Gaokao ngay từ khi còn là những cô cậu bé học sinh tiểu học. Chính điều này vô hình chung đã gây một áp lực lớn lên trẻ em và học sinh chẳng còn có thể làm gì ngoài việc cố gắng phấn đấu 12 năm cho 1 cuộc chiến.

Hình ảnh các bà, các mẹ hành hương để cầu cho con thi tốt đã không còn lạ trong mỗi mùa thi ở Trung Quốc, thậm chí nhiều người còn thiền và niệm Phật tại chùa trong suốt thời gian con mình làm bài thi.

Bạn sẽ chẳng than vãn thi cử áp lực nữa nếu biết học sinh ở những quốc gia này còn phải trải qua kỳ thi khốc liệt hơn nhiều - Ảnh 3.

Các bậc phụ huynh đang làm lễ cầu kết quả tốt cho con

3. Hàn Quốc

Từ lâu, kỳ thi Đại học ở Hàn Quốc đã được biết đến là một trong những kỳ thi áp lực nhất thế giới. Đây là cuộc thi gần như quan trọng nhất trong cuộc đời theo quan niệm của người Hàn Quốc vì nó sẽ mở ra tương lai xán lạn cho một người. Vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, phụ huynh đã đặt nặng áp lực và trách nhiệm đỗ đại học lên con cái nên học sinh Hàn Quốc luôn luôn trong tâm thế lo lắng cho đến khi hoàn thành kỳ thi này với một kết quả tốt đẹp.

Bạn sẽ chẳng than vãn thi cử áp lực nữa nếu biết học sinh ở những quốc gia này còn phải trải qua kỳ thi khốc liệt hơn nhiều - Ảnh 4.

Thi Đại học ở Hàn Quốc được coi là con đường duy nhất để thành công

Một chuyện đáng buồn là mỗi năm Hàn Quốc lại ghi nhận khá nhiều trường hợp tự tử vì không thể chống đỡ được với áp lực học hành quá nặng nề từ gia đình và xã hội. 3 năm gần đây, có đến gần 1000 học sinh tự tử và không ít học sinh bị những vấn đề tâm lý nghiêm trọng trong quá trình ôn thi.

Bạn sẽ chẳng than vãn thi cử áp lực nữa nếu biết học sinh ở những quốc gia này còn phải trải qua kỳ thi khốc liệt hơn nhiều - Ảnh 5.

Thi đại học ở Hàn Quốc vô cùng áp lực

Giống như Trung Quốc và Nhật Bản, các gia đình Hàn Quốc đều rất kỳ vọng vào kết quả thi nên các ngôi đền, chùa, di tích lịch sử liên quan đến giáo dục luôn chật kín người vào những tháng cuối của đợt ôn thi và khi kỳ thi diễn ra.

4. Singapore

Tại Singapore, áp lực còn đến với học sinh từ sớm hơn nữa khi kết thúc 6 năm tiểu học, các em phải tham gia một kỳ thi tốt nghiệp tiểu học là PSLE (Primary School Leaving Examination). Kết quả kỳ thi sẽ phân loại và định hướng học sinh. Những ai thuộc top đầu sẽ tham gia thi đại học sau khi tốt nghiệp trung học, trong khi những học sinh ở top dưới thường đi học nghề.

Bạn sẽ chẳng than vãn thi cử áp lực nữa nếu biết học sinh ở những quốc gia này còn phải trải qua kỳ thi khốc liệt hơn nhiều - Ảnh 6.

Học sinh Singapore còn phải chịu áp lực thi cử từ rất sớm

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mỗi tuần 1 học sinh Singapore 15 tuổi dành khoảng 9 tiếng cho bài tập về nhà. Lượng bài tập này đến từ rất nhiều thầy cô trên lớp và cả gia sư riêng của mỗi học sinh.

Singapore là một trong những quốc gia sở hữu tỷ lệ cạnh tranh vào Đại học lớn nhất thế giới. Năm nay, Trường ĐH Quốc gia Singapore nhận được khoảng 28 nghìn hồ sơ dự thi và chỉ tuyển 7 nghìn sinh viên.

5. Ấn Độ

Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ chọi còn cao hơn nhiều trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới.

Hàng năm, có hoảng 20 triệu học sinh bước vào năm cuối trung học tại Ấn Độ. Tất cả đều hi vọng đủ điểm trong kỳ thi tốt nghiệp để có được một suất tại 1 trong hơn 600 trường đại học của nước này.

Bạn sẽ chẳng than vãn thi cử áp lực nữa nếu biết học sinh ở những quốc gia này còn phải trải qua kỳ thi khốc liệt hơn nhiều - Ảnh 7.

Tỷ lệ chọi vào đại học ở Ấn Độ rất cao

Đặc biệt, mỗi năm có khoảng 1,3 triệu học sinh đăng ký thi vào 23 Viện công nghệ của Ấn Độ nhưng các trường này chỉ chọn lấy 10.700 người, đồng nghĩa tỷ lệ chọi sẽ là 1/121, cao hơn rất nhiều so với cả những trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới như Oxford và Cambridge (Anh). Sự cạnh tranh gắt gao đặt áp lực cực lớn lên tất cả học sinh cuối cấp ở đây.