2017 là một năm quái chiêu ở nhiều phương diện, và màn ảnh thì càng không phải là ngoại lệ. Nếu bạn là những kẻ "ăn mặn" chuyên đi tìm các phim dị để xem, thì 2017 quả là một năm may mắn. Từ những phim lắm tiền nhiều của cho tới các dự án độc lập kinh phí thấp, dưới đây là danh sách những phim dị hợm mà hay ho nhất trong năm nay.
1. Colossal
Anne Hathaway từng nói cô chọn ký vào hợp đồng đóng phim Colossal vì sự hâm mộ đối với Being John Malkovich năm 1999. Nữ diễn viên đánh giá cao sự sáng tạo và tự do của một phim "quái vật" độc lập, hơn là lối mòn của một studio lớn.
Từ đạo diễn Nacho Vigalondo, Colossal là câu chuyện về một cô nàng tên Gloria (Hathaway) người có mối liên hệ trực tiếp với một con quái vật Kaiju phá hoại Hàn Quốc cách Gloria tới nửa vòng trái đất. Chắc chắn bạn sẽ không thể tìm thấy một Gloria thứ hai trên màn ảnh với một cốt truyện như thế.
Trailer của "Colossal" (Nguồn: YouTube)
2. Valerian and the City of a Thousand Planets
Valerian and the City of a Thousand Planets là tên của bộ phim khoa học viễn tưởng đến từ cặp vợ chồng đạo diễn Luc Besson và Virginie Besson-Silla. Nó có một cái vinh dự là phim độc lập phi Mẽo quốc đắt đỏ nhất, tuy nhiên ngoài ra thì đọng lại trong khán giả là một cảm giác khó tả hơn là ấn tượng. Tuy nhiên nếu bạn muốn thử trải nghiệm "lên nóc nhà" mà không cần dùng thuốc kích thích, có lẽ đây là một liều thuốc lành mạnh đáng để thử.
Traile của "Valerian và Thành phố Ngàn Hành Tinh" (Nguồn: YouTube)
3. A Ghost Story
Tác phẩm của đạo diễn/ biên kịch David Lowery với diễn xuất ám ảnh của Casey Affleck và Rooney Mara ít thoại đến gần như câm lặng là "câu chuyện của một con ma" gắn chặt với những kỷ niệm với người ở lại và sự tàn phai của thời gian. Nếu như Casey Affleck trong cái ga trải giường khoét mắt còn chưa đủ kì quặc với bạn, thì A Ghost Story còn có cảnh Rooney Mara buồn khổ ăn bánh táo tới gần 10 phút.
Trailer của "A Ghost Story" (Nguồn: YouTube)
4. Endless Poetry
Nếu như cái tên Alejandro Jodorowsky không gợi nhắc cho bạn điều gì, thì có lẽ bạn chưa từng nghe nói tới phim tài liệu Jodorowsky's Dune về hậu trường làm phim và giấc mơ chưa bao giờ thành hiện thực của Jodorowsky đem sách của Frank Herbert lên màn ảnh.
Quay trở lại với Endless Poetry, đây là tác phẩm mới nhất của Jodorowsky với cùng một phong cách làm phim không lẫn vào đâu được khi sử dụng hiệu ứng thị giác mạnh mẽ đánh vào ấn tượng của khán giả bằng những khung hình đậm chất nghệ thuật. Khoảnh khắc nhân vật chính Alejandro (do con trai của chính đạo diễn vào vai) thông báo anh ta sẽ rời bỏ Chile, tới Paris để "cứu lấy chủ nghĩa hiện thực", bằng cách nào đó đã gói gọn sự ngây thơ và "phẩm chất" ích kỷ của giới nghệ sĩ trẻ. Dù là một phim tự truyện, nhưng Endless Poetry vẫn chứa đựng những trải nghiệm chung mà mọi con đường sáng tạo đều va vấp.
Trailer của 'Endless Poetry" (Nguồn: YouTube)
5. Mother!
Có lẽ lý do mà bộ phim này gây chia rẽ trong giới phê bình đến thế là tầng ý nghĩa và tần suất dày đặc những ẩn dụ của nó. Đạo diễn Darren Aronofsky đã chứng tỏ mình là người nên được tìm đến khi nhắc tới một thứ ngôn ngữ điện ảnh kì quặc và cao ngạo. Phim kể về một cặp (vợ chồng) do Jennifer Lawrence và Javier Bardem thủ vai, sống trong một căn nhà với một trái tim phập phồng (có lẽ vậy), loay hoay cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nếu chừng đó chưa đủ, thì phim còn có một cảnh tế lễ với thịt người.
6. The Shape of Water
Danh sách này còn có nghĩa gì nếu như để Guillermo del Toro ra ngoài rìa? Ứng cử viên Oscar năm nay là câu chuyện lãng mạn về tình yêu giữa cô gái câm và một người cá trong bối cảnh chiến tranh lạnh đang diễn ra. Đây không chỉ là câu chuyện cổ tích đơn thuần, với phong cách tăm tối đặc trưng, del Toro còn nêu lên các vấn đề xã hội như "phân biệt giới tính, gia trưởng độc đoán, sự thống trị, quyền lạm dụng quyền lực và phân chia sắc tộc" trong The Shape of Water.
Trailer của "The Shape of Water" (Nguồn: YouTube)
7. Bitch
Khi một bà mẹ nội trợ phát hiện ra mình bị cắm sừng, sức chịu đựng của cô đã vượt quá giới hạn. Dị hợm ở chỗ cô này… biến thành một con chó giữ nhà, còn anh chồng thì phải tay năm tay mười chăm con và chăm cho cả vợ - giờ chỉ biết bò bằng bốn chân, trần như nhộng và sủa nhặng lên khắp nhà.
Trailer của "Bitch" (Nguồn: YouTube)
8. The Bad Batch
Trong The Bad Batch, một nữ tù nhân sau khi được thả đã bị bắt vào lãnh thổ của bọn ăn thịt người nhưng sau đó được Keanu Reeves cứu sống. Theo đạo diễn Ana Lily Amirpour, The Bad Batch phác họa "hệ thống Mỹ" và thực tế xã hội, tuy nhiên chúc may mắn với những ai cố gắng định nghĩa chúng qua một mớ bạo lực, đấu súng và giết người.
Trailer của "The Bad Batch" (Nguồn: YouTube)
9. The Killing of a Sacred Deer
Sau thành công của bộ phim tình yêu quái chiêu The Lobster năm 2015, Colin Farrell tái ngộ với đạo diễn Yorgos Lanthimos trong The Killing of a Sacred Deer. Farrell vào vai Steven Murphy - một bác sĩ phẫu thuật người làm bạn với một cậu bé vừa mất cha. Vợ của Murphy (đóng bởi Nicole Kidman) thì cảm thấy bất an nhưng chồng cô bỏ ngoài tai. Nói chung sau một chuỗi các sự kiện khủng khiếp sau đó thì lời khuyên được rút ra là hãy tin vào trực giác của vợ bạn.
Trailer của "The Killing of a Sacred Deer" (Nguồn: YouTube)
10. Kuso
Đây là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Steve Ellison – người được biết tới trước đó trên sân khấu nhạc EDM và hip – hop bằng nghệ danh Flying Lotus hay Captain Murphy. Lần lấn sân sang điện ảnh này của Ellison, anh chàng đã thử sức với một phim kinh dị kỳ quặc về một nhóm người sống sót sau động đất mà có nhiều cảnh khiến người xem mắc ói và muốn bĩnh ra quần.
Trailer của "Kuso" (Nguồn: YouTube)