Trong không gian tĩnh lặng của biển đêm, các ngôi nhà của khu resort tưởng như đang say ngủ thì đột ngột có tiếng la hét, giằng co xé toạc bầu không khí. “Tõm”. Hóa ra một người nữa bị ném xuống bể bơi. Đó là “truyền thống” của các nhà làm phim trẻ tham gia Gặp gỡ Mùa thu hàng năm.

Ở thành phố biển Đà Nẵng đáng sống nhất Việt Nam và phố cổ Hội An mỗi mùa thu, không khí và cảnh sắc luôn khiến người ta phải xao xuyến. Khí hậu trở nên dễ chịu hơn, khách du lịch vãn hơn. Khung cảnh mùa thu tại đây khiến ai ghé chân tới cũng chỉ muốn dừng lại, ngồi uống một tách cà phê và ngắm mọi thứ chầm chậm trôi qua trước mắt. Thế nhưng với đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và các tình nguyện viên Đà Nẵng thì cứ đến mùa thu là hối hả, căng thẳng để chuẩn bị cho Autumn Meeting.

Gặp gỡ mùa thu

Autumn Meeting là gì?

Là sự kiện điện ảnh diễn ra thường niên vào mỗi mùa thu tại Đà Nẵng – Hội An, bắt đầu từ năm 2013. Cộng đồng các nhà làm phim độc lập của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung sẽ tới đây, tham gia một workshop kéo dài hơn một tuần trong các lớp học như Đạo diễn, Thiết kế mỹ thuật, Diễn xuất, Sản xuất phim, Làm phim kinh phí thấp… với các giảng viên là những tên tuổi như vợ chồng đạo diễn Trần Anh Hùng – Trần Nữ Yên Khê, nữ diễn viên Hàn Quốc – Lydia Park, NSND Lê Khanh, đạo diễn Leon Quang Lê.

Sau khóa học là những buổi hội thảo trong cộng đồng làm phim để chỉ ra những vấn đề cũng như hướng giải quyết cho các nhà làm phim trẻ. Những người có dự án mới cũng đem tới Autumn Meeting để tìm kiếm sự hỗ trợ. Những người đã có phim hoàn chỉnh thì tới đây gặp gỡ các giám tuyển của Cannes, Venice, Rotterdam, Berlin… với mộng ước đưa được tác phẩm của mình đi liên hoan phim quốc tế, đưa tiếng nói Việt Nam đến với cộng đồng phim trên toàn thế giới. Một đêm Gala tổng kết cuối cùng của sự kiện là cuộc gặp gỡ đông đảo nhất giữa giới làm phim tại Việt Nam, cả thương mại lẫn nghệ thuật. Và ngay tại đó, những mỗi quan hệ mới, những dự án phim mới, đã nảy nở và thành hình.


Autumn Meeting - Điện ảnh & cuộc gặp gỡ của những kẻ mộng mơ - Ảnh 2.

Bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ…

Năm 2007, khi cộng đồng làm phim độc lập ở Việt Nam còn gần như chưa có, đạo diễn Phan Đăng Di đã có một cuộc gặp gỡ với nhiều nhóm làm phim trên khắp thế giới tụ hội ở LHP Busan (Hàn Quốc). Lúc đó, đạo diễn Phan Đăng Di còn chưa thực hiện phim điện ảnh đầu tay là “Bi, đừng sợ” mà mới chỉ đưa dự án đi quốc tế để xin tiền. Trong cuộc gặp gỡ ấy, anh nhận thấy cộng đồng phim độc lập ở các nước khác rất thân thiết với nhau. Họ hỗ trợ nhau trong một mạng lưới để cùng phát triển cho điện ảnh. Trong khi đó ở Việt Nam khi ấy, hoàn toàn chưa có một cộng đồng nào giữa những người làm điện ảnh hỗ trợ cho nhau, việc đào tạo điện ảnh cũng gặp nhiều vấn đề.

Khi trở về, đạo diễn Phan Đăng Di và hai người bạn thân thiết là nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, đạo diễn Mỹ Dung đã cùng xây dựng một chương trình kết nối các nhà làm phim trẻ, với lớp học đầu tiên do đạo diễn Trần Anh Hùng đảm nhận. Đến mùa thu năm 2013, Autumn Meeting ra đời. Tên gọi của chương trình xuất hiện rất tình cờ với lý do đơn giản. Khi quá cần một cái tên và không nghĩ ra nổi tên gì thì mục đích của sự kiện + yếu tố thời tiết = tên gọi. Năm đầu tiên, đạo diễn Trần Anh Hùng đã từ Pháp trở về và “gặp gỡ mùa thu” những học trò đầu tiên của mình trong một ngôi nhà cổ ở Hội An.

Autumn Meeting - Điện ảnh & cuộc gặp gỡ của những kẻ mộng mơ - Ảnh 3.

Lớp học khi ấy chỉ khoảng hơn 10 người. Tất cả cùng sinh hoạt trong ngôi nhà cổ có hồ bơi suốt hơn một tuần. Sáng sáng lên lớp học, đến tối thì xem phim bên hồ bơi và đến đêm thì ném nhau xuống hồ bơi.

Lớp học khi ấy chỉ khoảng hơn 10 người. Tất cả cùng sinh hoạt trong ngôi nhà cổ có hồ bơi suốt hơn một tuần. Sáng sáng lên lớp học, đến tối thì xem phim bên hồ bơi và đến đêm thì ném nhau xuống hồ bơi.

Đêm Gala đầu tiên năm 2013 được tổ chức trong khuôn viên khá nhỏ nhưng ấm cúng của một khách sạn ở Đà Nẵng. Buổi tiệc có vài khách mời trong giới điện ảnh, tất cả còn thậm chí không kịp thay đồ lồng lộn để đi tiệc mà mặc nguyên đồ sân bay để ngồi nghe 6 đạo diễn trẻ thuyết trình về ý tưởng làm phim ngắn, về những gì các em được học với thầy Trần Anh Hùng trong những ngày trước. Buổi Pitching có tính chất gần gũi, theo kiểu “nghe ý tưởng xong, ai giúp được gì thì giúp”.

Backdrop đơn sơ, chưa có nhiều nhà tài trợ. Nghệ sĩ thì chụp theo kiểu chắc ảnh để lưu niệm thôi vì có thay đồ gì đâu, ai ngờ hôm sau lên báo hết. Buổi gặp gỡ mùa thu đầu tiên đã diễn ra như vậy, trong cái không khí rất ấm cúng, nhiều tiếng cười và tràn đầy hy vọng của ba người đứng đầu sự kiện này – đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và nhà làm phim Đà Nẵng – Nguyễn Thị Mỹ Dung. Cả ba đều kỳ vọng biến nó trở thành Liên hoan phim Quốc tế Đà Nẵng, thành một sự kiện thường niên cho cộng đồng làm phim tại Việt Nam và trong khu vực.


Những kẻ mộng mơ

“Đã làm phim thì không chỉ cần một chút mơ mộng, mà là cần rất nhiều mộng mơ”.

Nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc từng nói: “Đã làm phim thì không chỉ cần một chút mơ mộng, mà là cần rất nhiều mộng mơ”. Sau năm đầu tiên, Autumn Meeting phát triển rất nhanh, càng lúc càng phình to hơn. Nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến khi chuẩn bị là những người đứng đầu lại đi “gõ cửa” các nhà đầu tư. Vì là một chương trình phi lợi nhuận, phi thương mại nên Autumn Meeting rất khó xin được tiền. Đạo diễn Phan Đăng Di và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho biết những nhà đầu tư đến với Autumn Meeting đều là theo kiểu trợ giúp tình bạn cá nhân, ủng hộ chương trình và các nhà làm phim trẻ một cách vô điều kiện.

Autumn Meeting - Điện ảnh & cuộc gặp gỡ của những kẻ mộng mơ - Ảnh 6.

Các tình nguyện viên đến với chương trình cũng đều là làm không công. Đôi lúc, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc đã ví Autumn Meeting như một “gánh riêng xong” của những kẻ mộng mơ: Ai cho gì thì nhận nấy và có bao nhiêu là đưa các nhà làm phim trẻ đi “xõa” hết theo từng năm, hỗ trợ cho các dự án phim của các đạo diễn trẻ.

Đến năm 2016, trong lần thứ tư tổ chức, Autumn Meeting đã mở thêm lớp Diễn xuất với giảng viên là nữ diễn viên Hàn Quốc – Lydia Park. Ban đầu, nhiều học viên khá hoài nghi về cô giáo vì Lydia Park là một diễn viên nhưng không tham gia nhiều phim mà hướng tới giáo dục, huấn luyện cho lớp diễn viên trẻ nhiều hơn. Tuy nhiên, những bài giảng về cảm xúc của cô Lydia Park đã hoàn toàn thuyết phục bất cứ ai từng theo học lớp diễn xuất. Học viên của lớp Diễn xuất Autumn Meeting chỉ sau ba năm đã có những người đạt được thành công, trở thành những diễn viên gây chú ý như Thanh Tú, Thùy Anh. Năm nay, anh em hoàng tử xiếc Quốc Cơ – Quốc Nghiệp cũng theo học lớp Diễn xuất cơ bản của cô giáo Lydia Park.

Đạo diễn Phan Đăng Di cho biết rất nhiều lần anh từng muốn dừng Autumn Meeting vì quá nhiều khó khăn về mặt chi phí, tổ chức, nhân sự nhưng thứ truyền cảm hứng cho anh chính là tinh thần của các nhà làm phim trẻ. “Đó là một tinh thần, một trách nhiệm của những người trẻ trong việc tạo ra được một cộng đồng hoạt động nghệ thuật văn minh, có tiếng nói, cùng nhau xây dựng những dự án phát triển cho nền điện ảnh Việt Nam một cách thực tâm, không hời hợt và đôi khi sẽ có cả sự hy sinh”.

Autumn Meeting - Điện ảnh & cuộc gặp gỡ của những kẻ mộng mơ - Ảnh 7.
Autumn Meeting - Điện ảnh & cuộc gặp gỡ của những kẻ mộng mơ - Ảnh 8.

“Đó là một tinh thần, một trách nhiệm của những người trẻ trong việc tạo ra được một cộng đồng hoạt động nghệ thuật văn minh, có tiếng nói, cùng nhau xây dựng những dự án phát triển cho nền điện ảnh Việt Nam một cách thực tâm, không hời hợt và đôi khi sẽ có cả sự hy sinh”.

Sau 6 năm tổ chức, số lượng học viên của Autumn Meeting 2018 đã lên tới 107, trong đó có cả những nhân vật đặc biệt như đạo diễn Charlie Nguyễn, vốn đã là một đạo diễn tên tuổi của điện ảnh Việt Nam hiện đại, vẫn theo học lớp của đạo diễn Trần Anh Hùng. Ngày trước, đạo diễn Phan Đăng Di và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc mỗi lần đi các liên hoan phim quốc tế thì đều phải chủ động gặp gỡ các cộng đồng làm phim nước khác và giới thiệu về Autumn Meeting. Nhưng nay, nhiều nhà làm phim đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Campuchia, Philippines, Đài Loan, Hong Kong hay thậm chí cả Đan Mạch, Brazil… đã tìm tới họ và bày tỏ nguyện vọng được tham gia Autumn Meeting.

“Những kẻ mộng mơ” rồi có ngày cũng sẽ thu được “quả ngọt”.

Autumn Meeting - Điện ảnh & cuộc gặp gỡ của những kẻ mộng mơ - Ảnh 10.

Năm 2016, Autumn Meeting là nơi đầu tiên hỗ trợ với số tiền 5.000 USD cho dự án phim “A Land Imagined” của nhà làm phim người Singapore – Chris Yeo. Năm 2018, A Land Imagined giành giải cao nhất tại LHP quốc tế Locarno (Thụy Sĩ) – một trong những liên hoan phim uy tín nhất ở châu Âu.

Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair) – nữ đạo diễn của bộ phim “Người vợ ba” – cũng từng tham gia Autumn Meeting vào năm 2015. “Người vợ ba” đang là bộ phim Việt Nam gây chú ý tại các liên hoan phim quốc tế trong năm nay khi “đánh đâu thắng đó”. Nhiều nhà làm phim Việt cũng đã bắt đầu có tiếng nói ở quốc tế.

Mỗi năm chỉ cần một cuộc gặp gỡ

Theo đạo diễn Phan Đăng Di và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, tiêu chí để đến Gặp gỡ Mùa thu là phải có tinh thần tích cực, vui vẻ. “Ban tổ chức có quyền mặt mày ủ rũ vì phải lo bao nhiêu việc nhưng học viên thì không được phép, họ phải luôn là một mặt trời rực lửa truyền đến nguồn năng lượng tích cực”.  

Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa thu hàng năm, cộng đồng làm phim lại tụ hội về Đà Nẵng – Hội An để học, để gặp gỡ và để… ném nhau xuống hồ bơi. Biểu tượng của Autumn Meeting là con cá chuồn và từ năm đầu, việc bị ném xuống hồ bơi và ướt nhẹp lúc nửa đêm đã thành “truyền thống” của các nhà làm phim trẻ. Lớp học, chỗ ở của Autumn Meeting dù có khó khăn, chật chội đến mấy thì nhất định vẫn phải có hồ bơi. Mỗi đêm sẽ có một “nạn nhân” trở thành tiêu điểm bị tất cả những người còn lại “khiêng” ra hồ bơi và ném xuống, trở thành con cá chuồn lúc nửa đêm.

Năm thứ năm của Autumn Meeting vào 2017, hai chủ tịch của sự kiện này là đạo diễn Phan Đăng Di và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cũng đã bị ném xuống hồ bơi ngay trong đêm Gala tổng kết, khi đang mặc đồ dạ hội.

Đạo diễn Phan Đăng Di quyết định chọn biểu tượng cá chuồn cho Autumn Meeting và ví loài cá này cũng giống như các nhà làm phim độc lập – vừa có thể lặn, vừa bơi, vừa bay được. Hình ảnh những con cá chuồn nhảy lên khỏi mặt nước vào những đêm trăng sáng là một hình ảnh tuyệt đẹp, giống như các nhà làm phim trẻ của Việt Nam đang vươn mình ra khỏi vùng trũng để khẳng định bản thân.

img
img
img

Mỗi năm cứ đến mùa thu, Autumn Meeting lại chào đón hơn 100 học viên cùng gần 100 khách mời đến từ khắp nơi trên thế giới. Những giám tuyển của các liên hoan phim quốc tế uy tín nhất thế giới như Cannes, Venice, Rotterdam, Berlin… hàng năm vẫn đến đây để trò chuyện với các nhà làm phim trẻ, xem tác phẩm của họ và trải nghiệm một tinh thần tràn đầy năng lượng tích cực của Việt Nam. Các học viên, dù là người vô danh hay những người đã có tên tuổi, một khi đi học thì được đối xử như nhau. Họ vẫn phải lội suối đi học, vẫn phải tự giặt đồ của mình, vẫn phải đạp xe di chuyển hàng ngày.

Sau hơn một tuần, tất cả cũng sẽ rời ngôi nhà chung, trở lại với thường ngày. Người thì vò đầu bứt tai với kịch bản, người đi tìm các cơ hội mới, người kiếm vô số tiền khi hoạt động ở một lĩnh vực khác, người thì vẫn dậm chân tại chỗ chờ đợi những cuộc gặp gỡ mới. Tuy nhiên, Điện ảnh từ xa xưa cũng bắt đầu từ những cuộc gặp gỡ và Đà Nẵng, mỗi năm chỉ cần một cuộc gặp gỡ như Autumn Meeting.