Army Games 2021: Những vũ khí độc đáo của đội tuyển "Bầu trời quang đãng" Việt Nam

ĐTN, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 00:57 22/08/2021

Cuộc thi "Bầu trời quang đãng" trong khuôn khổ Army Games 2021 diễn ra tại Trung Quốc, hãy cùng tìm hiểu loại vũ khí mà các chiến sĩ Phòng không Việt Nam sẽ sử dụng trong cuộc thi.

Vũ khí của chủ nhà Trung Quốc - Ngon, bền, rẻ

Tại trung tâm huấn luyện của Lục quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ở thành phố Korla, các đội tuyển đã hoàn thành công tác chuẩn bị và sẵn sàng tham gia Cuộc thi "Bầu trời quang đãng" trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế năm 2021.

Các loại vũ khí do phía chủ nhà Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc thi bao gồm súng tiểu liên Type-95-1, tổ hợp tên lửa phòng không QW-2 và tổ hợp súng máy phòng không 12,7mm trang bị trên xe bọc thép Type-92A.

Xe bọc thép chở quân 6x6 Type 92 (tên gọi của nhà máy là WZ 551A) lần đầu tiên được NORINCO tiết lộ dưới dạng nguyên mẫu vào năm 1986. Xe được đưa vào phục vụ Quân đội Trung Quốc năm 1997 và được sử dụng với số lượng lớn. Xe bọc thép chở quân này cũng đã được xuất khẩu sang Bosnia, Pakistan và Sri Lanka.

Army Games 2021: Những vũ khí độc đáo của đội tuyển Bầu trời quang đãng Việt Nam - Ảnh 1.

Xe bọc thép Type 92 của Trung Quốc

Thông số kỹ thuật cơ bản: Dài: 6.73m, rộng: 2.86m, cao: 2.01m, trọng lượng: 15 tấn, sử dụng động cơ diesel Deutz BF8L413FC công suất 320 mã lực, tốc độ tối đa đạt được là 90km/h, dự trữ hành trình 800km, có khả năng lội nước với tốc độ bơi là 11km/h. Trên xe được trang bị một khẩu súng máy 12,7mm W85 để tiêu diệt các mục tiêu trên không và trên bộ.

QW-2 Vanguard do Trung Quốc phát triển là loại tên lửa phòng không vác vai "Bắn và quên" (Fire and Forget) có đầu dẫn toàn phương (All-Aspect) thế hệ thứ 3 được phát triển bởi Nhà máy CASIC 119 có trụ sở tại Thẩm Dương (Shenyang Hangtian Xinle Ltd). QW-2 lần đầu tiên được tiết lộ trong Triển lãm Hàng không Farnborough năm 1998.

Army Games 2021: Những vũ khí độc đáo của đội tuyển Bầu trời quang đãng Việt Nam - Ảnh 2.

Tên lửa phòng không vác vai QW-2 của Trung Quốc

Dù mang tiếng tự phát triển nhưng có một thực tế rằng QW-2 có hình dáng trông giống hệt tổ hợp 9K310 Igla-1 mặc dù tính năng của QW-2 có phần nhỉnh hơn Igla-1. Tên lửa QW-2 có chiều dài 1.59m, khối lượng trước khi phóng là 18kg. Tầm bắn tối thiểu là 500m và tối đa là 6km, trần phóng tối thiểu là 10m và tối đa là 4km.

Khối lượng đầu nổ là 1,42kg. Tên lửa QW-2 sử dụng một đầu dò hồng ngoại thụ động băng tần kép mới được phát triển với khả năng chống lại các mồi bẫy nhiệt do mục tiêu phát ra và sức nóng mặt trời/ mặt đất, do đó cải thiện hiệu suất của tên lửa trong điều kiện ngày và đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.

Army Games 2021: Những vũ khí độc đáo của đội tuyển Bầu trời quang đãng Việt Nam - Ảnh 3.

Các chiến sĩ đội tuyển Hóa học Việt Nam sử dụng súng QBZ-95

Ngoài ra kíp chiến đấu còn được trang bị súng trường tấn công kiểu bullpup QBZ-95 cho mỗi cá nhân, đây là súng trường tấn công được sử dụng rộng rãi trong Quân đội Nhân dân Trung Hoa (PLA), QBZ-95 sử dụng cỡ đạn 5.8x42mm, sơ tốc đầu nòng khoảng 970m/s.

Dự kiến, các vũ khí trên sẽ được các chiến sĩ của đội tuyển "Bầu trời quang đãng" Việt Nam sử dụng khi thi đấu tại Trung Quốc.

"Khách mời" Nga với những vũ khí hiện đại nhất

Riêng đội tuyển Nga sử dụng mẫu xe bọc thép Typhoon-PVO với tổ hợp tên lửa Igla-S, súng máy phòng không 12,7mm Kord và súng tiểu liên AK-12 do Nga sản xuất

Xe bọc thép 4x4 Typhoon-PVO mang tính chuyên dụng cao, được thiết kế để vận chuyển các xạ thủ cùng với hệ thống tên lửa phòng không di động (MANPADS), cung cấp cho họ sự che chắn bảo vệ tại vị trí nhận chỉ thị mục tiêu và khai hỏa.

Xe được thiết kế theo sơ đồ "xe bọc thép chở quân", trọng lượng nhẹ, đồng thời duy trì tính chất tự bảo vệ nhờ sử dụng vỏ giáp loại 5 (bảo vệ chống đạn thông thường 7,62 mm lõi thép xuyên giáp và đạn cháy từ súng bắn tỉa SVD và súng tự động AKM, hoặc mảnh đạn bom pháo).

Army Games 2021: Những vũ khí độc đáo của đội tuyển Bầu trời quang đãng Việt Nam - Ảnh 4.

Xe bọc thép Typhoon-PVO của đội tuyển Nga

Typhoon-PVO cũng có thể vượt qua vụ nổ mìn hoặc đạn pháo mạnh 4-6kg TNT. Typhoon PVO có chiều dài 6m, chiều rộng 2,5m, trọng lượng 13,5 tấn, động cơ diesel KamAZ-610.10.350 công suất 350 mã lực, có khả năng chạy trên đường cao tốc lên đến 130 km/h, dự trữ hành trình lên đến 1.200km.

Theo tài liệu của công ty Remdizel, xe bọc thép có khả năng cơ động cao, chạy trên mọi địa hình, kể cả đồi núi, có thể vượt qua hố sâu 1,75m, tường cao 0,6m hay rãnh rộng 0,6m. Trên xe được trang bị một khẩu súng máy 12,7mm Kord để tiêu diệt các mục tiêu trên không và trên bộ.

Army Games 2021: Những vũ khí độc đáo của đội tuyển Bầu trời quang đãng Việt Nam - Ảnh 5.

Thành viên đội tuyển Nga đang tập luyện với tên lửa Igla-S

Tổ hợp tên lửa phòng không vác vai 9K338 Igla-S là sản phẩm thiết kế của Nhà máy Degtyarev, 9K338 Igla-S được mang tên định danh NATO là SA-24 Grinch.

9K338 có thể "Bắn và quên" và có đầu dẫn toàn phương bằng hồng ngoại thụ động băng tần kép với khả năng chống lại các mồi bẫy nhiệt do mục tiêu phát ra và sức nóng mặt trời/ mặt đất, do đó cải thiện hiệu suất của tên lửa trong điều kiện ngày và đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.

9K338 Igla-S có chiều dài 1.57m, đường kính 72mm, khối lượng trước khi phóng là 18kg. Tầm bắn tối thiểu là 500m và tối đa là 6km, trần phóng tối thiểu là 10m và tối đa là 3.5km. Khối lượng đầu nổ là 1,17kg.

Army Games 2021: Những vũ khí độc đáo của đội tuyển Bầu trời quang đãng Việt Nam - Ảnh 6.

Súng trường tấn công AK-12

Vũ khí bộ binh của đội tuyển Nga cũng là loại vũ khí mới nhất có trong trang bị của quân đội nước này, đó là súng AK-12. Súng AK-12 được thành viên các đội thi đấu của Nga sử dụng ở tất cả các môn, nhờ độ chính xác cao, súng sẽ đem lại lợi thế rất lớn cho các tuyển thủ này.

Trong cuộc thi, các thành viên đội thi sẽ phải mang bệ phóng phòng không, các loại súng chiến đấu và thực hành bắn đạn thật.