Áo phao trên thuyền: Không phải lúc nào mặc cũng là an toàn, một khu vực được khuyên "chỉ cầm trên tay"

Thu Phương, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 13:51 20/07/2025
Chia sẻ

Mặc áo phao đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ mất an toàn với chính các du khách trên thuyền du lịch.

Trong các hành trình du lịch bằng đường thủy như đi tàu, phà, ca nô, đò... áo phao luôn được đánh là giá vật dụng bắt buộc của mỗi hành khách. Thông thường, ngay khi bắt đầu hành trình, hành khách sẽ được phát và yêu cầu mặc áo phao ngay để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên trên thực tế, việc mặc áo phao còn có những lưu ý quan trọng, về thời điểm và không gian sử dụng. Ví dụ như trong các không gian kín trên thuyền, mặc áo phao không đúng lúc có thể trở thành yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong trong tình huống tàu bị lật hoặc chìm đột ngột.

Áo phao trên thuyền: Không phải lúc nào mặc cũng là an toàn, một khu vực được khuyên "chỉ cầm trên tay"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Vì sao nên cân nhắc khi mặc áo phao trong cabin, thuyền kín?

Một số người cho rằng mặc áo phao mọi lúc, kể cả khi ngồi trong cabin, sẽ giúp an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng thực tế và hướng dẫn quốc tế, thực tế không hẳn là như vậy.

Theo Chi nhánh điều tra tai nạn hàng hải Vương quốc Anh (MAIB) thuộc Bộ Giao thông Vận tải Vương quốc Anh, trong vụ lật tàu "Cheeki Rafiki" (2014), thuyền viên mặc áo phao đã bị mắc kẹt bên trong khoang kín khi tàu bị lật ngửa và ngập nước. Tương tự, tài liệu an toàn của Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Lao động Hoa Kỳ (OSHA) cũng nhấn mạnh: Không nên mặc áo phao cứu sinh trong các khoang kín vì chúng có thể cản trở việc thoát hiểm nhanh chóng trong trường hợp bị ngập nước hoặc lật úp. Thay vào đó, hãy để áo phao cứu sinh trong tầm tay.

Áo phao trên thuyền: Không phải lúc nào mặc cũng là an toàn, một khu vực được khuyên "chỉ cầm trên tay"- Ảnh 2.

Bên trong những khoang kín hoặc cabin kín trên tàu, hành khách không cần mặc xuyên suốt áo phao mà hãy cầm trên tay (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân nằm ở đặc điểm của áo phao: Với lực nổi lớn, áo có thể đẩy người mặc ngược lên trần cabin khi không gian bị lật hoặc ngập nước, khiến họ bị mắc kẹt, hoảng loạn hoặc không thể chui qua các cửa thoát hiểm hẹp. Trong những tình huống như vậy, áo phao – thay vì cứu – lại trở thành rào cản sống sót.

Nếu ở không gian thuyền mở - Hãy mặc áo phao xuyên suốt

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an Việt Nam), hành khách trên phương tiện thủy nội địa, đặc biệt là thuyền hở như đò ngang, ca nô, tàu nhỏ… bắt buộc phải mặc áo phao suốt hành trình khi di chuyển ở khu vực không có cabin hoặc boong kín. Đây là quy định đã được thể hiện rõ trong các văn bản như Thông tư 15/2014/TT-BGTVT và Thông tư 04/2015/TT-BGTVT về tiêu chuẩn an toàn thiết bị cứu sinh.

Lý do là bởi khu vực không gian mở – tức các vị trí không được bảo vệ bởi cabin, vách ngăn hay boong kiên cố – luôn tiềm ẩn rủi ro ngã xuống nước bất ngờ do sóng lớn, va chạm hoặc trượt chân. Trong các tình huống khẩn cấp như vậy, hành khách thường không có thời gian để tìm và mặc áo phao kịp thời.

Áo phao trên thuyền: Không phải lúc nào mặc cũng là an toàn, một khu vực được khuyên "chỉ cầm trên tay"- Ảnh 3.

Áo phao trên thuyền: Không phải lúc nào mặc cũng là an toàn, một khu vực được khuyên "chỉ cầm trên tay"- Ảnh 4.

Ở không gian tàu, thuyền mở, cần mặc áo phao xuyên suốt để đảm bảo an toàn (Ảnh minh họa)

Tổ chức an toàn đường thủy của Hoa Kỳ (U.S. Coast Guard) cũng đưa ra cảnh báo tương tự: “Tai nạn xảy ra quá nhanh, không kịp mặc áo phao. Một chiếc áo phao mặc được có thể cứu sống bạn, nhưng chỉ khi bạn mặc nó”. Tại nhiều bang của Mỹ như Pennsylvania, North Carolina, luật quy định trẻ em dưới 13 tuổi phải mặc áo phao bất kỳ khi nào ở trên boong hoặc khu vực mở của thuyền – trừ khi đang ở trong cabin kín.

Nhiều tai nạn đường thủy nghiêm trọng đã chỉ ra hệ quả thảm khốc khi hành khách không đeo phao ở khu vực boong mở, hoặc mặc phao sai cách, sai thời điểm. Một trong những nguyên nhân phổ biến gây tử vong trong tai nạn tàu chìm là không kịp thoát thân hoặc bị kẹt trong cabin do mặc phao khi tàu đã lật.

Tại Việt Nam, theo hướng dẫn tại các bến đò, bến tàu, hành khách được yêu cầu mặc áo phao trước khi lên thuyền và giữ nguyên suốt hành trình nếu ở khu vực không có cabin. Với tàu lớn có cabin, áo phao được bố trí sẵn ở dưới ghế hoặc gần cửa ra vào cabin, để khi có tín hiệu khẩn cấp, hành khách có thể nhanh chóng lấy và mặc trong thời gian ngắn.

Áo phao trên thuyền: Không phải lúc nào mặc cũng là an toàn, một khu vực được khuyên "chỉ cầm trên tay"- Ảnh 5.

Ảnh minh họa

Tóm lại, việc hiểu rõ thời điểm và vị trí phù hợp để mặc áo phao là yếu tố then chốt trong đảm bảo an toàn. Phao chỉ phát huy tác dụng khi được sử dụng đúng cách, đúng lúc – không chỉ là bắt buộc pháp lý, mà còn là lựa chọn sinh tồn.

Hành khách cần nắm rõ các nguyên tắc an toàn, luôn tuân thủ hướng dẫn của thủy thủ đoàn, và nhận thức rõ vai trò của áo phao trong từng bối cảnh cụ thể. Khi ở không gian mở, hãy luôn mặc áo phao. Khi ở không gian kín, hãy giữ phao trong tầm tay. Đó chính là quy tắc vàng để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày