Ăn như người Nhật, không kiêng bất kì thứ gì mà vẫn giữ dáng một cách lành mạnh

Euphoria97, Theo Helino 14:05 29/01/2019

Nhiều người cho rằng đa phần người Nhật thon thả do chế độ ăn uống rất thanh đạm, nhưng thực tế cho thấy không phải như vậy.

Người Nhật nổi tiếng với lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh, điều này không cần phải bàn cãi. Theo thống kê thì người Nhật chỉ có 3% dân số bị béo phì. Thế nên mới có vô số lần chúng ta được khuyên là nên học theo cách ăn uống và sinh hoạt của người Nhật để cải thiện nhiều phương diện như sức khoẻ, vóc dáng, da và tóc và cả tăng tuổi thọ. 

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng một số chế độ dinh dưỡng cùng nguyên tắc sống của người Nhật thực sự có ích cho chúng ta. Ví dụ như cách ăn "mùa nào thức nấy" sẽ cung cấp các món phù hợp theo thời tiết và hoàn toàn tự nhiên, hoặc thói quen uống trà giúp chống oxi hoá và đẩy lùi quá trình lão hoá... Tuy nhiên, nếu bạn có ấn tượng rằng chế độ ăn uống Nhật Bản hoàn toàn thanh đạm thì điều này cần phải xem lại.

Ăn như người Nhật, không kiêng bất kì thứ gì mà vẫn giữ dáng một cách lành mạnh - Ảnh 1.

Khi nhắc đến chế độ ăn của người Nhật, hầu hết sẽ nghĩ đến hai chữ "thanh đạm".

Trong suy nghĩ của chúng ta, "thanh đạm" gợi đến những món ăn nhạt, ít gia vị, phần lớn là rau, củ quả, với cách chế biến như hấp, nướng, luộc... Song, trong thực tế, nếu ai đã ăn thử một tô mì ramen gốc Nhật sẽ phải thừa nhận là nước dùng của món này rất mặn. Thậm chí, đồ chiên ngập dầu xuất hiện ở mọi nơi trên đất Nhật và McDonalds thì là một thương hiệu vô cùng được ưa chuộng nơi đây. 

Ăn như người Nhật, không kiêng bất kì thứ gì mà vẫn giữ dáng một cách lành mạnh - Ảnh 2.

Mọi nhà ga ở Nhật đều có ít nhất một cửa hàng McDonald.

Người Nhật có thể ăn đồ chiên trong mọi món ăn, và chỉ riêng đồ chiên thôi đã có biết bao nhiêu loại khác nhau như kaarage (thịt tẩm bột ngô chiên), korokke (thịt bằm tẩm bột chiên giòn), tempura (một loại đồ chiên tẩm bột khác)... Những món đồ chiên ngập dầu này có thể được ăn cùng với cơm, mì udon, mì ramen và vô số các loại khác.

Chưa kể đến phương diện bánh ngọt Nhật Bản với hằng hà sa số những món mà khiến người kiêng tinh bột phải e dè khi đến đất nước này. Tất cả cho thấy một sự thật là chế độ ăn uống của người Nhật không thực sự thanh đạm đến thế, họ không kiêng bất kì thứ gì từ cơm, mì cho đến bánh ngọt... 

Tuy vậy thì chế độ ăn uống "không kiêng dè" này của người Nhật vẫn có những điểm đáng học hỏi, là bí kíp quý báu cho chị em nào thích ăn cả thế giới nhưng vẫn muốn thon thả?

Ăn nhiều nhưng chú ý đến chất lượng bữa ăn

Cần chú ý, ăn thật nhiều ở đây không chỉ "lượng", mà là "chất". Trong thực tế, người Nhật cho rằng bạn nên ăn ít nhất 30 loại thức ăn một ngày. Đa phần chúng ta chỉ ăn từ 2-3 loại thực phẩm trong một bữa ăn, ví dụ như bánh mì kẹp thịt, kẹp mứt, kẹp trứng. Trong khi đó người Nhật ăn đậu tương, cơm, trứng, đậu phụ, súp miso, rong biển, cá nướng... chỉ trong một bữa sáng. Sự đa dạng trong thức ăn này giúp làm tăng giảm hợp lí giá trị dinh dưỡng giữa các chất khác nhau. Ví dụ như cơm trắng khi ăn cùng với thịt, súp và rau củ sẽ ít béo hơn cơm trắng khi ăn với chỉ 1 trong 3 loại trên.

Không nên "kiêng"

Ăn như người Nhật, không kiêng bất kì thứ gì mà vẫn giữ dáng một cách lành mạnh - Ảnh 5.

Phải nói là người Nhật thực ra khá mâu thuẫn. Một mặt, họ là tác giả cũng như nguồn cảm hứng của không biết bao nhiêu chế độ ăn kiêng. Mặt khác, bạn cũng không bao giờ thấy họ thực sự "kiêng" cái gì. Họ có thể ăn ít món này một chút, ít món kia một chút, song không bao giờ thực sự bỏ hoàn toàn thứ mình thích ăn. Trong thực tế, dân số với chỉ số béo phì chỉ vỏn vẹn 3% tiêu thụ rất nhiều cơm trắng, mì, bánh mì hay các món ăn giàu tinh bột. 

Người Nhật hầu như không bao giờ bỏ cơm trắng ra khỏi thực đơn của mình, cũng như các món mà họ thực sự yêu thích. Người Nhật tin vào sự điều độ và thoả mãn tinh thần. Lấy một ví dụ đơn giản, việc uống trà sữa một lần một tuần sẽ giúp bạn bớt thèm hơn là nhịn khoảng một tháng, để rồi uống liên tục ba ly trong cùng một ngày. Việc ăn hay uống một món với tần suất và số lượng lớn trong thời gian ngắn có hại hơn là tiêu thụ một cách có chừng mực. Khi thèm món gì, bạn nên thoả mãn một chút vị giác, và nếu vẫn còn thòm thèm thì hãy tự hứa với mình sẽ ăn thêm vào ngày mốt hoặc kia, như thế sẽ kiềm chế được cảm giác thèm ăn.

Ăn để sống, hay sống để ăn?

Ăn như người Nhật, không kiêng bất kì thứ gì mà vẫn giữ dáng một cách lành mạnh - Ảnh 6.

Đối với người Nhật thì cả hai vế đều đúng, song vế sau được thể hiện rất rõ. Cách họ ăn uống chiếm một phần lớn trong việc "giữ phom". Hầu hết người Nhật khi ăn đều tỏ một thái độ gần như thành kính. Họ ăn chậm, cẩn thận cảm nhận xem mình đang ăn gì. Ngoài ra, người Nhật thường rủ rê bạn bè đi ăn chung hơn là ăn một mình, như vậy thì sẽ dẫn tới những khoảng "nghỉ" để trò chuyện với người xung quanh, khiến thời gian ăn kéo dài nhiều hơn.

Mặt khác, người Nhật không có thói quen ngồi lại quán sau khi ăn xong, đây được xem như một hành vi không được lịch sự vì bạn đang chiếm chỗ của người khác. Vì vậy, với nhu cầu ngồi lâu thì người Nhật cũng ăn thật chậm. Bởi vì khoảnh khắc đĩa thức ăn được dọn đi thì hầu hết nhân viên đều mong rằng bạn sẽ đứng dậy rời đi.

Tạm kết:

Người Nhật có nhiều điều đáng học hỏi, tuy nhiên trái với nhiều nguồn tin thì họ không ăn uống thanh đạm đến mức chỉ có đậu phụ, rau củ, súp rong biển và cá nướng... đâu. Trong thực tế, với sự phát triển của các món lẩu, chiên ngập dầu, bánh ngọt... thì có thể thấy niềm yêu thích của người dân xứ Phù Tang với các món ăn này. Song, sự thật thì họ vẫn là một trong số những dân tộc có chỉ số béo phì thấp nhất thế giới, và đó là nhờ vào bí quyết ăn uống điều độ dù chẳng kiêng khem.

Ngày nay, chúng ta tin rằng rất nhiều loại thức ăn sẽ không tốt cho cơ thể và thường mệt mỏi chạy theo các cách ăn kiêng do thấy nhiều người làm thế. Tuy nhiên, có một sự thật là cơ thể con người khác nhau, người khác hưởng lợi ích từ chế độ ăn kiêng nọ thì chưa chắc bạn cũng như thế. Việc kiêng khem một cách thái quá có thể ảnh hưởng đến tinh thần và sức khoẻ của bạn trong thời gian dài. Vì vậy, nếu vẫn chưa tìm được chế độ ăn kiêng nào phù hợp cho mình thì tại sao lại không học hỏi lối sống điều độ này của người Nhật?