Ấn Độ có số ca mắc/ngày thấp nhất trong 1 tháng qua, nhiều nước Đông Nam Á bùng phát ổ dịch mới

Quỳnh Chi, Theo VTV 09:11 24/05/2021

Đến sáng 24/5, thế giới có trên 167,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,47 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 33,8 triệu ca mắc và hơn 604.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 11.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Sau hơn một năm đóng cửa và sống chung với các biện pháp hạn chế, thủ đô Washington D.C. của Mỹ đã bắt đầu dỡ bỏ hầu hết các lệnh giãn cách để hướng tới mở cửa hoàn toàn. Đây là một dấu mốc quan trọng đưa người dân, doanh nghiệp tại thủ đô nước Mỹ dần trở lại cuộc sống bình thường như thời kỳ trước đại dịch. Các hàng quán tại khu vực này đều chật kín khách trong ngày đầu tiên chính quyền thủ đô Washington cho phép mở cửa hoàn toàn. Nhịp sống sôi động trở lại như thời trước đại dịch. Hơn một nửa dân số ở thủ đô nước Mỹ đã được tiêm đầy đủ vaccine COVID-19 .

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 23/5, nước này ghi nhận hơn 222.800 ca mắc mới COVID-19 và trên 4.400 trường hợp tử vong. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất mà nước này ghi nhận trong hơn 1 tháng qua. Đến nay, tổng cộng trên 26,7 triệu người đã mắc và hơn 303.700 trường hợp tử vong vì COVID-19 tại Ấn Độ.

Từ tuần tới, thủ đô New Delhi của Ấn Độ có thể bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa. Thông tin được Thủ hiến New Delhi đưa ra vào ngày 23/5 khi số ca nhiễm tại thành phố này có xu hướng giảm. Ngày 23/5, New Delhi ghi nhận 1.600 ca nhiễm COVID-19. Trong những tuần gần đây, tỷ lệ số ca dương tính sau xét nghiệm tại đây đã giảm xuống mức dưới 2,5%, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ 36% được ghi nhận vào tháng 4. Nếu số ca nhiễm tiếp tục giảm trong tuần này, từ ngày 31/5, New Delhi sẽ bắt đầu tiến trình dỡ bỏ phong tỏa.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 35.800 ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 449.000 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 16 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ấn Độ có số ca mắc/ngày thấp nhất trong 1 tháng qua, nhiều nước Đông Nam Á bùng phát ổ dịch mới - Ảnh 1.

Ngày 23/5, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất trong hơn 1 tháng qua (Ảnh: AP)

Ngày 22/5, Italy đã vượt qua mốc quan trọng trong chiến dịch tiêm chủng khi đã tiêm được 30 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Trong số này, gần 10 triệu người đã được tiêm phòng đầy đủ. Theo số liệu của Chính phủ Italy, 16,6% trong tổng dân số 60 triệu người đã được tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19. Tới nay, 2/3 số liều vaccine được phân phối tại Italy đã được tiêm cho những người trên 60 tuổi.

Bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 từ đầu năm 2020, Italy ghi nhận hơn 125.200 ca tử vong do COVID-19, cao thứ 2 tại châu Âu sau Anh, nước có gần 128.000 ca tử vong. Tuy nhiên dữ liệu mới nhất cho thấy nhiều dấu hiệu lạc quan. Italy thông báo chỉ ghi nhận 72 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua. Đến nay, hơn 4,1 triệu người ở Italy đã mắc COVID-19.

Tính đến nay, sau 4 tháng thực hiện chương trình tiêm chủng đại trà, tại Nga mới chỉ có hơn 10 triệu người đã được tiêm đầy đủ 2 mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 và 14 triệu người nếu tính theo một mũi tiêm. Đây là con số quá ít so với nhiều nước khác, trong khi Nga là quốc gia đầu tiên đăng ký vaccine ngừa COVID-19 và đã triển khai rất sớm chương trình tiêm chủng. Hiện tổng cộng trên 5 triệu người mắc COVID-19, hơn 118.400 trường hợp thiệt mạng ở quốc gia này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 1,53 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng người dân tại châu Phi mới chỉ nhận được khoảng 1% trong số đó. Thêm vào đó, chỉ có khoảng một nửa trong số 37 triệu liều vaccine phòng COVID-19 mà châu Phi được nhận là đã được tiêm cho người dân. Văn phòng khu vực châu Phi của WHO cảnh báo về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 mới tại châu lục này do sự chậm trễ trong việc tiêm chủng. Ngoài ra, hệ thống y tế tại khu vực này cũng thiếu trầm trọng các thiết bị y tế. Vì vậy, những bệnh nhân COVID-19 nặng tại châu Phi có khả năng tử vong cao hơn so với người dân ở những châu lục khác.

Thái Lan sẽ siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới. Nước này vừa phát hiện 3 trường hợp nhiễm biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Nam Phi từ người vượt biên trái phép. Theo đó, Thái Lan sẽ tăng cường lực lượng, các chốt kiểm tra và thiết bị theo dõi dọc những tuyến biên giới, đồng thời yêu cầu giới chức địa phương mạnh tay hơn trong việc kiểm soát các trường hợp di cư bất hợp pháp. Trong khi đó, chính quyền thủ đô Bangkok đã ra lệnh cấm đi lại với những người sống trong các khu nhà của công nhân xây dựng sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 tại các khu vực này. Tổng cộng hơn 129.500 người đã nhiễm bệnh, 776 trường hợp thiệt mạng do COVID-19 ở Thái Lan.

Indonesia ngày 23/5 đã phát hiện một cụm lây nhiễm mới là các nhân viên y tế đã điều trị cho 13 thủy thủ đoàn Philippines bị nhiễm COVID-19 trước đó. Cụ thể, có khoảng 140 nhân viên y tế đã tiếp xúc gần với số thủy thủ đoàn nhiễm COVID-19 của một tàu chở hàng mang cờ Panama khi tàu này cập cảng Trung Java vào ngày 25/4. Qua xét nghiệm ban đầu, có 42 nhân viên y tế đã được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2. Đáng lo ngại là sau khi phân tích trình tự gene, các ca này đều nhiễm biến thể B.1617.2 được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ với khả năng lây lan nhanh. Hiện lực lượng chức năng Indonesia đang tích cực truy vết số nhân viên y tế nêu trên. Với hơn 1,77 triệu ca mắc và trên 49.300 ca tử vong, Indonesia hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Đông Nam Á.

Ấn Độ có số ca mắc/ngày thấp nhất trong 1 tháng qua, nhiều nước Đông Nam Á bùng phát ổ dịch mới - Ảnh 2.

Ngày 23/5, Indonesia đã phát hiện một cụm lây nhiễm mới gồm các nhân viên y tế (Ảnh: AP)

Ngày 23/5, Bộ Y tế Philippines ghi nhận 3.083 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên hơn 1,1 triệu trường hợp. Số người tử vong do COVID-19 cũng tăng lên 19.951 người sau khi có thêm 38 bệnh nhân không qua khỏi cùng ngày. Philippines đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng với khoảng 70 triệu người được tiêm chủng. Tính tới ngày 22/5, ước tính đã có 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho hơn 3 triệu người Philippines.

Malaysia ngày 23/5 ghi nhận thêm hơn 6.900 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Trước đó, ngày 19/5, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận số ca mắc mới hàng ngày vượt mốc 6.000 ca. Bộ Y tế Malaysia cho biết, Selangor tiếp tục là bang đứng đầu về số ca mắc mới COVID-19 với 2.236 người. Số ca mắc mới ở thủ đô Kuala Lumpur ngày 23/5 là 447 người, giảm mạnh so với mức 654 trường hợp ghi nhận hôm trước. Tới nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng trên 512.000 ca mắc COVID-19.

Tại Campuchia, dịch đang dần được kiểm soát tại thủ đô Phnom Penh nhờ việc khoanh vùng thực hiện giãn cách xã hội, đẩy mạnh tiêm vaccine. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương khác, dịch đang bùng phát trở lại với số ca nhiễm mới tăng cao.

Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận 560 ca mắc mới, trong đó có 545 ca lây nhiễm cộng đồng. Các tỉnh có số ca mắc cao là Preah Sihanouk, Bantey Meanchey, Kampong Cham, Svay Rieng, Takeo… Đây là những địa phương có tình trạng lây lan dịch bệnh tại các nhà máy may mặc, khiến số ca nhiễm tăng cao, mỗi ngày ghi nhận từ 100 - 200 trường hợp mắc mới. Campuchia hiện ghi nhận tổng cộng hơn 25.200 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 176 bệnh nhân tử vong.

Bộ Y tế Lào cho biết, nước này ghi nhận 19 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó chỉ có 4 ca nhiễm cộng đồng, còn lại đều là các trường hợp nhập cảnh và được cách ly ngay. Mặc dù số ca nhiễm cộng đồng tiếp tục giảm nhưng số bản/phường bị đưa vào danh sách "vùng đỏ" tại thủ đô Vientiane tăng do phát hiện các ca nhiễm mới. Đến ngày 23/5, toàn thành phố Vientiane đã có 34 bản/phường thuộc 6 quận/huyện bị đưa vào danh sách "vùng đỏ", theo đó phong tỏa nghiêm ngặt và người dân không được ra khỏi nhà.

Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.801 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.074 người và chỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong.

Bangladesh thông báo gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 30/5, nhưng nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với hoạt động giao thông vận tải, cho phép nối lại các dịch vụ giao thông công cộng kể từ nửa đêm 23/5 với điều kiện tuân thủ các quy định y tế phòng dịch.

Để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Bangladesh đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong 8 ngày, có hiệu lực từ ngày 14/4 đến ngày 21/4, sau đó gia hạn theo từng giai đoạn đến ngày 23/5. Quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 có dấu hiệu giảm trong những ngày gần đây. Ngày 23/5, Bangladesh ghi nhận thêm hơn 1.300 ca mắc mới và 28 người tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt là trên 789.000 và hơn 12.300.