Ai trong chúng ta cũng từng được "theo đuổi" bởi những con người kiên trì nhất quả đất: Nhân viên tiếp thị bảo hiểm

Thục Hạnh - Minh Nhân, Theo Thời Đại 00:03 24/11/2017

Giọng nói ngọt ngào, gọi điện bất kể ngày đêm dù các khách hàng năm lần bảy lượt cúp máy... đó không ai khác chính là những con người kiên trì nhất quả đất: Nhân viên tiếp thị bảo hiểm.

2 năm block 20 số vẫn không chịu buông tha

Mua bảo hiểm chắc hẳn có nhiều lợi ích cho người sở hữu, điều này không phải bàn cãi. Nhưng phần đông những người tìm đến bảo hiểm đều trên tinh thần tự nguyện, tuy vậy những người đã mua, hoặc không có nhu cầu mua, lại là người phải chuyện trò với nhân viên bảo hiểm thường xuyên nhất.

"Đối tượng" mà những nhân viên bảo hiểm khoanh vùng "theo đuổi" thường có 1 số đặc điểm chung như: Đã đi làm, có thu nhập ổn định, đa số đã có gia đình, còn có nhu cầu mua bảo hiểm hay không thì... không cần biết.

Ai trong chúng ta cũng từng được theo đuổi bởi những con người kiên trì nhất quả đất: Nhân viên tiếp thị bảo hiểm - Ảnh 1.

Nhân viên bảo hiểm là những con người kiên trì "theo đuổi" khách hàng nhất quả đất - Ảnh minh họa.

Là nạn nhân của "khủng bố bảo hiểm", chị Quỳnh Thanh, 28 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP.HCM ngậm ngùi kể lại việc chị bị một nam nhân viên công ty bảo hiểm D. "tra tấn" suốt một tháng trời qua điện thoại.

Chị Thanh kể, lần đầu tiên nhận được cuộc gọi, chỉ vừa "Alo" là bạn nam với giọng nói "hack tốc độ" x2 speed một tràng giới thiệu về bảo hiểm D. và mời mọc chị tham gia buổi tư vấn sức khỏe.

"Tôi cáo bận không đi được thì bạn ấy tiếp tục nói rằng tuần nào, tháng nào cũng có, không đi được buổi này thì đi buổi khác, chỉ mất 2 tiếng thôi, đi không cần mua cũng được... Đến lúc không thể lịch sự được, tôi nói thẳng rằng tôi không mua và không đi, sau đó tôi bảo đang ngoài đường không tiện nói chuyện điện thoại tiếp và cúp máy. Nguyên ngày hôm sau tôi tiếp tục bị gọi điện "khủng bố" 6-7 cuộc, thậm chí bạn ấy còn lấy số khác gọi để tôi nghe máy".

Chị Thanh cho biết vì yêu cầu công việc nên chị luôn phải nghe điện thoại kể cả những số máy lạ, nên các nhân viên cứ thay nhau người này gọi không được thì để người khác gọi. Nhiều lần bực quá, chị phải nói thẳng rằng làm ơn xóa tên chị ra khỏi danh sách nhưng các nhân viên vẫn... kiên trì đeo bám.

"Đời này có lẽ người "chung tình" với tôi nhất là bạn nam bán bảo hiểm này. Có xua đuổi cỡ nào bạn vẫn chây lì nài nỉ. Những bạn như thế này khiến khách hàng chỉ có 2 lựa chọn: Hoặc là mua bảo hiểm, hoặc là bị làm phiền".

Chủ đề này vốn được bàn luận xôn xao từ nhiều năm nay nhưng dường như ai cũng chỉ dừng lại ở việc ca thán. Chị V.A.N viết: "Suốt 2 năm nay mình không tài nào yên được với hãng bảo hiểm này. Block gần 20 số rồi vẫn kiên trì gọi".

"Em thậm chí 1 ngày bị 4 bạn khác nhau cùng công ty D. gọi cơ, đáng sợ" - bạn T.N.L bình luận trên facebook.

"Anh không cho em tư vấn sao biết không có nhu cầu mua bảo hiểm?", "Ơ... ơ..."

Một nạn nhân khác, anh Linh Nguyễn - nhân viên maketing làm việc tại Hà Nội cũng đã chia sẻ câu chuyện bị nữ nhân viên bán bảo hiểm hỏi vặn vì dám bảo "không có nhu cầu mua bảo hiểm".

"Anh không cho em một phút sao anh biết là không cần ạ?" - nữ nhân viên hỏi ngược lại anh Linh. Quá mệt mỏi khi phải giải thích nhiều lần, anh Linh nhấn mạnh rằng mình không có nhu cầu mua bảo hiểm và cũng không có thời gian nghe tư vấn. Lúc này, nữ nhân viên đáp trả: "Vâng chính vì anh không có nhu cầu nên em mới gọi để tư vấn. Anh chưa nghe sao biết không cần?".

Đến đây, anh Linh không thể nói thêm được gì, đành bấm tắt máy với hy vọng mình sẽ được gạch tên ra khỏi danh sách khách hàng của công ty bảo hiểm kia.

Ai trong chúng ta cũng từng được theo đuổi bởi những con người kiên trì nhất quả đất: Nhân viên tiếp thị bảo hiểm - Ảnh 2.

Nhiều người phải chịu cảnh bị "theo đuổi" nhiều lần trong ngày, thậm chí trong nhiều năm - Ảnh minh họa.

Chưa hết, kể cả những người đã mua bảo hiểm của 1 công ty nhưng cũng lại bị nhân viên của chính công ty đó gọi điện dai dẳng "theo đuổi" để tư vấn mua thêm gói bảo hiểm khác với những giá trị và lợi ích "trên trời".

Bác Văn Dương (55 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, sau khi được nhân viên của công ty bảo hiểm P. gọi điện tư vấn, bác đã mua 1 gói bảo hiểm nhân thọ của công ty này với số tiền phải đóng là 25 triệu/năm.

Tuy nhiên bác cũng cho biết thêm, kể từ khi sở hữu gói bảo hiểm, vợ chồng bác được "chăm sóc" rất tận tình với rất nhiều lời mời tham gia buổi hội thảo, tư vấn sức khỏe... với tuần suất hàng tháng, thậm chí hàng tuần.

"Các cô ấy bảo đến nghe tư vấn sức khỏe nhưng lúc nào cũng kết luận là phải mua bảo hiểm. Ở đấy, cùng 1 lúc có mấy cô nhân viên nói chuyện với tôi, bảo hãy mua thêm gói bảo hiểm khác. Tôi nói đã mua rồi, giờ không còn tiền để mua thêm nữa thì họ cứ đi theo ra đến tận cửa. Thấy phiền quá tôi bước thật nhanh thì về đến nhà các cô ấy lại gọi điện" - bác Dương nói.

Nỗi ám ảnh mỗi khi điện thoại đổ chuông với số máy lạ hoắc

Bị "tấn công" quá dồn dập và dai dẳng, nhiều người còn giật mình mỗi khi thấy nghe thấy điện thoại đổ chuông, đặc biệt là những cuộc gọi tới từ số lạ.

Đó là trường hợp của chị Ngọc Hoa, một y tá tại Bệnh viện GTVT, Hà Nội. Chị Hoa cho biết, cách đây nửa năm, chị liên tiếp phải nhận cuộc gọi từ nhân viên công ty bảo hiểm B. Thậm chí, do bị làm phiền nhiều lần quá, chị Hoa dần bị ám ảnh và giật mình mỗi khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại.

Ai trong chúng ta cũng từng được theo đuổi bởi những con người kiên trì nhất quả đất: Nhân viên tiếp thị bảo hiểm - Ảnh 3.

Nhiều khách hàng trở nên ám ảnh, mệt mỏi với quá nhiều cuộc gọi từ nhân viên bảo hiểm - Ảnh minh họa.

"Các bạn ấy gọi điện rất nhiều, lúc thì gọi vào sáng sớm, lúc giờ làm việc, cả lúc đang đi đường tôi cũng phải tạt xe vào sát mép đường để nghe điện thoại. Tôi không biết được khi nào thì các bạn ấy gọi, thấy số lạ mà không nghe nhỡ là người nhà, bạn bè thì sao?

Nhiều lần như thế nên có 1 thời gian cứ nghe thấy tiếng điện thoại kêu là tôi giật mình, cảm giác tim bắn ra ngoài vậy. Gần đây thì tôi không bị làm phiền nữa, vì là có bầu nên chồng tôi đã đăng kí cho tôi số điện thoại khác để tránh bị gọi nhiều, đỡ phiền phức" - chị Hoa tâm sự.

Rất nhiều người rơi vào trạng thái tâm lý như chị Hoa, để rồi mỗi khi thấy số máy lạ gọi đến, họ phải vừa bấm nút nghe vừa cầu nguyện: "Xin đừng là nhân viên tiếp thị bảo hiểm, tôi xinnnn đấy!"

Nhân viên bán bảo hiểm trải lòng khi chọn "nghề bị xua đuổi"

Trong khi nhiều người phản ánh về phương pháp dịch vụ dai dẳng, bất chấp của những nhân viên bảo hiểm thì những kẻ "theo đuổi" kiên trì này cũng cho rằng, công việc của họ cũng có khó khăn riêng, nhiều bạn thường gặp phải những vị khách hàng "không phải dạng vừa đâu".

Bạn L.H - nhân viên telesale (chuyên viên tư vấn qua điện thoại) của công ty bảo hiểm M. tại Hà Nội cho biết, bạn đã làm việc với vị trí này được 1 năm, mỗi ngày bạn phải gọi điện cho từ 140 đến 150 khách hàng trên cả nước.

Nói về việc liên tục gọi điện cho 1 khách hàng dù người này đã từ chối sử dụng dịch vụ trước đó, bạn H. cho biết, danh sách khách hàng mà bạn gọi tư vấn được bộ phận kinh doanh của công ty chuyển xuống. Danh sách này được kiểm soát nghiêm ngặt, những số điện thoại từ chối cũng được sàng lọc, tuy nhiên trong quá trình hoạt động không tránh khỏi sai sót, đã làm ảnh hưởng và gây phiền cho khách hàng.

Bạn H. cũng chia sẻ thêm, đa số các khách hàng mà bạn gọi đến đều trả lời bạn nhẹ nhàng dù có nhu cầu nghe tư vấn hay không, tuy nhiên cũng có nhiều khách hàng lại có thái độ không tốt, liên tục gắt gỏng, chửi mắng với từ ngữ tục tĩu khiến bạn "muốn làm nổ tung cả chiếc điện thoại".

"Những trường hợp thái độ khó chịu thường rơi vào buổi sáng, khi khách hàng có nhiều công việc phải giải quyết. Vì hiểu lý do đó nên khi khách không hài lòng thì mình cũng chỉ cảm ơn rồi tắt máy thôi. Nhưng có vài trường hợp khách không những chửi mắng mà còn nói bậy rất tục tĩu, quả thật lúc đó mình rất tức giận" - bạn H. cho biết.

Ai trong chúng ta cũng từng được theo đuổi bởi những con người kiên trì nhất quả đất: Nhân viên tiếp thị bảo hiểm - Ảnh 4.

Nhiều nhân viên telesale phải đối mặt với những khách hàng "không phải dạng vừa đâu" - Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, bạn L.T.H, một nhân viên telesale với kinh nghiệm trên 2 năm của công ty bảo hiểm D. tại TP.HCM cũng tâm sự, có nhiều trường hợp bạn gọi điện cho khách hàng, dù mới chỉ giới thiệu tên và công ty thì đã bị khách xối xả mắng chửi, nhiều người còn xúc phạm nghề nghiệp của bạn.

"Thậm chí, có những người còn bày trò để trêu chọc mình với những trò lừa rất ác ý. Có vài lần mình đã bị khách hàng nói là đồng ý mua gói bảo hiểm của bên mình, tuy nhiên khi làm hồ sơ với những thông tin người này cung cấp thì mới biết là giả, do họ lừa mình vậy thôi" - bạn L.T.H kể.

Khách hàng làm thế nào để kết thúc chuỗi ngày bị "tra tấn"?

Chị B.H.N, một nhân viên văn phòng ở TP.HCM là 1 trong số không nhiều các trường hợp đã "cắt đuôi" thành công những cuộc gọi từ nhân viên bảo hiểm nhờ việc gửi email phản ánh lên cấp cao hơn của Công ty.

Theo đó, chị N. cho biết, chị liên tục phải nhận những cuộc gọi từ nhân viên công ty bảo hiểm D. với nội dung trăm lần như một đó là tư vấn mua bảo hiểm.

Do không có nhu cầu sử dụng, chị N. đã nhiều lần từ chối và đề nghị hãy bỏ số điện thoại của mình ra khỏi danh sách "khách hàng tiềm năng" của công ty, tuy nhiên chị vẫn bị làm phiền rất nhiều lần, trong nhiều năm.

Cuối cùng, chị N. đã phải gửi mail trực tiếp đến bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty D, yêu cầu được giải quyết dứt điểm, nếu không được xem xét nhanh nhất chị sẽ phản ánh sự việc lên Tổng công ty ở nước ngoài. Sau động thái này, chị N. mới nhận được phản hồi tích cực từ phía công ty bảo hiểm D., tình trạng bị "theo đuổi" cũng không còn nữa.

Biện pháp "cắt đuôi" của chị N. là 1 cách làm hay, tuy nhiên chúng ta cũng có nhiều cách làm khác để chấm dứt tình trạng bị "theo đuổi".

Ai trong chúng ta cũng từng được theo đuổi bởi những con người kiên trì nhất quả đất: Nhân viên tiếp thị bảo hiểm - Ảnh 5.

Chặn số điện thoại là cách làm đơn giản nhất để tránh bị làm phiền bởi những cuộc gọi tư vấn - Ảnh minh họa.

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng định nghĩa, việc các đơn vị, cá nhân thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng là có hành vi quấy rối người tiêu dùng.

Do đó, người tiêu dùng có thể tố cáo vi phạm tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu xử phạt người vi phạm theo quy định, đồng thời còn có quyền khởi kiện tổ chức, cá nhân có hành vi quấy rối mình ra tòa để buộc các đối tượng này chấm dứt vi phạm, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng bị làm phiền từ cuộc gọi không mong muốn, người dùng có thể cài ứng dụng xác minh hoặc chặn số điện thoại.

Qua nhiều năm, cách thức telesale với dịch vụ bán bảo hiểm này luôn khiến người ta phải ác cảm vì cách thức tiếp cận theo quan niệm "mưa dầm thấm lâu" mà không hề để tâm đến cảm xúc của khách. Bị làm phiền, tra tấn, dần dà nhiều người có định kiến với hai chữ "bảo hiểm", cứ vừa nghe giới thiệu được vài câu "Em là nhân viên bảo hiểm ở..." thì khách hàng đã muốn tắt máy luôn. Nên chăng có một cách tiếp thị bán hàng tinh tế hơn thay vì cứ mãi dai dẳng với trò "tra tấn" tâm lý người khác vô tội vạ này?