Nvidia đang trở thành tập đoàn công nghệ thăng hoa nhất nhờ làn sóng AI, được mọi quốc gia trên thế giới săn đón. Nhưng ở một góc nào đó, một cái tên khác đang cảm nhận nỗi buồn lúc này.
Đối với Intel, việc bị Nvidia "hạ đo ván" từng là điều ít ai nghĩ đến chỉ ba năm trước.
Giá trị vốn hóa thị trường của Intel hiện là 104 tỷ USD, còn đối thủ Nvidia là 3,4 nghìn tỷ USD - thua kém đến 33 lần. Trong khi tập đoàn của tỷ phú Jensen Huang trở thành công ty có giá trị lớn thứ hai thế giới chỉ sau Apple, Intel giờ này ngụp lặn ở đâu đó không ai biết.
Sự đổi chiều này đến từ những lý do bao gồm cả chủ quan lẫn khách quan của Intel nhưng có thể tóm gọn lại rằng: Tập đoàn chip hàng đầu thế giới đã ngủ quên trên chiến thắng.
Khi cựu CEO huyền thoại của Intel, Andy Grove, viết cuốn sách bán chạy nhất "Only the Paranoid Survive" vào năm 1996, dự đoán về các biến động trong lĩnh vực công nghệ có thể làm suy yếu một doanh nghiệp, các quan niệm cho rằng việc tập đoàn vững mạnh như Intel gặp rủi ro như vậy chỉ có trên lý thuyết.
Vào thời điểm đó, Intel là nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới, với công nghệ được tích hợp bên trong hầu hết mọi máy tính cá nhân. Sứ mệnh của Grove là công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ không chỉ cung cấp linh kiện mà còn thúc đẩy tầm nhìn đầy tham vọng cho tương lai của ngành điện toán, trong đó máy tính cá nhân sẽ được sử dụng cho mọi thứ, từ xem phim, chơi trò chơi đến lưu trữ ảnh và giữ liên lạc với bạn bè. Intel sẽ cung cấp sức mạnh cho tất cả những thứ đó.
Intel có thể dự đoán được sự tiến hóa của PC, nhưng họ đã bỏ lỡ điện toán di động và sự bùng nổ của AI, hai làn sóng công nghệ lớn đã định hình 15 năm qua. Điều đó có nghĩa là gần hai thập kỷ sau khi Grove phác thảo tầm nhìn, Intel chỉ còn là cái vỏ của chính mình trước đây.
Cổ phiếu của Intel đạt mức cao nhất mọi thời đại cách đây hơn 24 năm: vào ngày 31/8/2000. Trong những năm gần đây, cổ phiếu đã lao dốc — hiện tại đã giảm tới 68% so với kỷ lục.
Vào tháng 8, công ty cho biết sẽ sa thải 15% nhân viên như một phần trong nỗ lực cắt giảm 10 tỷ đô la USD. Và tháng trước, Intel đã mất vị trí trong Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones vào tay Nvidia, đánh dấu sự kết thúc của chuỗi 25 năm khi công ty này là một trong hai công ty công nghệ đầu tiên được đưa vào chỉ số blue-chip.
Hồi đầu tuần, công ty đã thông báo về việc nghỉ hưu của CEO Pat Gelsinger, "chiến binh" kỳ cựu đã giúp cứu vãn phần nào đó đế chế Intel. Giới quan sát bắt đầu đặt câu hỏi liệu Intel có thể giành lại vị trí đầu ngành hay không?
"Khả năng họ quay trở lại thời kỳ hoàng kim vào thời điểm này có vẻ rất ảm đạm", Angelo Zino, nhà phân tích công nghệ tại CFRA Research, cho biết.
Sự rạn nứt trên ngai vàng của Intel xuất hiện vào khoảng năm 2010.
Chiếc iPhone đầu tiên của Apple ra mắt ba năm trước đó và công ty đã chọn ARM, một công ty thiết kế chip ít tên tuổi của Anh, để thiết kế bộ xử lý cho mình.
Thời điểm ấy, ARM là công ty chuyên thiết kế công nghệ cho thị trường ngách, biên lợi nhuận thấp. Nhưng đột nhiên, các thiết bị di động trở thành "the next big thing", cung cấp cho người dùng khả năng của một chiếc PC ngay trong túi. Và vì đã sẵn sàng với công nghệ này, ARM nhanh chóng vượt qua Intel để trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip di động.
Sự thay đổi đó đã báo hiệu nhiều thứ. Vài năm sau, Apple và các nhà sản xuất thiết bị khác giáng một đòn nữa vào Intel bằng cách thay thế bộ xử lý của hãng trong một số máy tính cá nhân bằng chip ARM hiệu quả hơn.
Các đối thủ khác, như AMD, cũng đánh cắp thị phần trong lĩnh vực kinh doanh PC khi dự đoán sự trỗi dậy của điện toán đám mây và khi Intel phải vật lộn để theo kịp mốc thời gian đổi mới mạnh mẽ được gọi là "Định luật Moore", được đặt theo tên của nhà đồng sáng lập Intel Gordon Moore, người ước tính rằng chip có thể được sản xuất với số lượng bóng bán dẫn gấp đôi, tăng công suất và tốc độ sau mỗi hai năm.
Vào năm 2019, Intel buộc phải đưa ra lời xin lỗi công khai hiếm hoi sau khi nỗ lực ngừng sản xuất chip tiên tiến của hãng đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt và chậm trễ các sản phẩm hiện có.
Ngay cả hiện tại, Intel "đang tiếp tục nhường thị phần PC/máy chủ cho AMD và ARM", nhà phân tích Vivek Arya của Bank of America Securities cho biết. "Trong khi triển vọng nhu cầu PC vẫn ảm đạm".
Khi Gelsinger tiếp quản vào năm 2021, ông được giao nhiệm vụ khôi phục năng lực sản xuất tiên tiến của Intel và đưa công ty trở lại nhịp độ đổi mới.
Và trong suốt nhiệm kỳ của mình, Gelsinger đã làm rất tốt trên mặt trận đó. Nhưng một sự thay đổi công nghệ cơ bản khác đang diễn ra, tương tự với cú ngoặt về thiết bị di động khiến Intel bối rối một thập kỷ trước.
Nvidia — trước đây là đối thủ nhỏ bé của Intel chuyên sản xuất bộ xử lý đồ họa (GPU) cho các ứng dụng chơi game — đã vươn lên dẫn đầu nhờ những con chip phù hợp cho nhu cầu xử lý dữ liệu khổng lồ của trí tuệ nhân tạo.
Intel, một lần nữa, không có sản phẩm để cạnh tranh với các đối thủ như Nvidia và AMD trong lĩnh vực AI, những sáng kiến đang thúc đẩy làn sóng công nghệ lớn tiếp theo. Một con chip tăng tốc AI có tên Gaudi mà Intel phát hành trong năm nay trong nỗ lực giành lấy một số thị phần đã không đạt được lực kéo mà công ty hy vọng.
Trong một cuộc phỏng vấn tại sự kiện Wired gần đây, CEO của Nvidia, Jensen Huang cho biết "có lẽ không có gì bất ngờ và thậm chí có thể hiểu được" khi Intel quá tập trung vào chip xử lý trung tâm (CPU) cốt lõi mà không dự đoán được sự bùng nổ của AI sẽ đòi hỏi phải chuyển sang GPU.
"Vấn đề không phải là đến lúc này mới cạnh tranh mà mọi thứ đã khởi động từ 10 năm trước. Vì vậy, bạn phải chuẩn bị cho xu hướng 10 năm đó hoặc bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp", ông nói.
Hiện tại, công ty đang tập trung vào "nỗ lực tạo ra một Intel tinh gọn hơn, đơn giản hơn và nhanh nhẹn hơn", Frank Yeary, chủ tịch hội đồng quản trị độc lập của Intel, người được bổ nhiệm làm chủ tịch điều hành tạm thời sau khi Gelsinger rời đi, cho biết trong tuyên bố mới.
Sau nhiều lần đi sau, tất cả đều đang chờ đợi Intel sẽ bắt kịp được điều gì đó.