A Silent Voice: Ngỡ là hường phấn, lại đau nhói trước vấn nạn bạo lực học đường

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 17:10 16/05/2017

Mang dáng dấp một câu chuyện lãng mạn về tình yêu và tình bạn, thế nhưng "A Silent Voice" lại vẽ ra chuỗi bi kịch trượt dài nơi trường học.

Những ngày tháng trên ghế nhà trường luôn là quãng đời đặc biệt nhất, trong trẻo nhất mà mỗi người chúng ta được trải qua, là giai đoạn thử nghiệm trước khi ta bước vào cuộc đời đầy sóng gió và cạm bẫy. Ở đó có những cảm xúc nguyên sơ và những lần va chạm đầu đời, để ta tập sống như một thực thể phức tạp trong xã hội những ngày ta lớn. Nhưng có lớn đến đâu, thì những gì mà một đứa trẻ chạm vào thời đi học sẽ trở thành một kỉ niệm in hằn, có khi đẹp, cũng có lúc rất xấu xa mà ta phải trốn chạy hết cuộc đời sau đó.

A Silent Voice: Ngỡ là hường phấn, lại đau nhói trước vấn nạn bạo lực học đường - Ảnh 1.

A Silent Voice: Ngỡ là hường phấn, lại đau nhói trước vấn nạn bạo lực học đường - Ảnh 2.

Chính là Ishida Shoya, cậu bé hiếu động đã trở thành nạn nhân của những trò bắt nạt sau khi ăn hiếp một cô bạn khiếm thính. Những chuyện mà Ishida đã làm thực ra chỉ là bản năng tò mò của một đứa nhỏ, nhưng cậu chẳng thể ngờ hậu quả của nó lại trở nên vụn vỡ trong những ngày sau đó, khi mình đã trưởng thành. Giây phút Ishida giựt phăng máy trợ thính của Nishimiya rồi hét vào tai cô bé đến nỗi chảy máu, chắc chắn cậu cũng sợ điếng người. Trẻ con mà, càng bị chống đối thì chúng càng thể hiện, đơn giản vậy đó vì chúng nào có lường được hậu quả sẽ ra sao.

Ishida càng không ngờ sau khi Nishimiya phải chuyển trường, cậu lại trở thành nạn nhân tiếp theo. Trong sự ngỡ ngàng và bất lực, Ishida mới nhận ra sự bắt nạt thật khủng khiếp. Cậu bịt chặt đôi tai, lảng tránh ánh mắt của tất cả mọi người, tập quên luôn những khuôn mặt mình đã từng nhìn rõ, để chôn vùi bản thân trong cái thế giới lặng thinh buồn chán của sự xa lánh, thế giới mà Nishimiya đã từng tồn tại.

A Silent Voice: Ngỡ là hường phấn, lại đau nhói trước vấn nạn bạo lực học đường - Ảnh 3.

Chính là Nishimiya Shoko, cô bé khiếm thính lúc nào cũng mang trên môi nụ cười cùng quyển sổ trò chuyện. Thế giới của mọi người thật xa lạ và khác biệt với cái không gian không có âm thanh của cô bé, cứ như thể phải cố bước đi trên cây cầu cheo leo bắc ngang giữa hai bờ. 

Nishimiya trưng ra nụ cười để đáp lại tất cả những biến cố lẫn khổ đau mà cô nhận lấy, dùng quyển sổ để làm sợi dây kết nối, mà chẳng hề biết rằng chính những điều đó đã vô tình tước đi những tín hiệu ngôn ngữ khác đang tiến đến gần. Để rồi bản thân lại tiếp tục chìm sâu vào thinh lặng, và khủng hoảng.

A Silent Voice: Ngỡ là hường phấn, lại đau nhói trước vấn nạn bạo lực học đường - Ảnh 4.

Những sự chia rẽ, sự bênh vực là thứ luôn xảy ra ở môi trường học đường. Đặc biệt là khi có một nhân vật nhạy cảm nào đó xuất hiện. Những đứa trẻ còn bỡ ngỡ với cảm xúc đầu đời giống như gặp phải những thử thách tâm lý mà chính chúng cũng chỉ mơ hồ thế nào là đúng, sai. Sự bắt nạt nhiều khi chỉ hình thành từ sự ngạc nhiên, những lúc bối rối, thậm chí là một vài khoảnh khắc tim đập nhanh mà thôi. 

Ishida cũng đâu thể ngờ mình lại cầm nắm cát dưới đất rồi quăng vào mặt Nishimiya khi cô bé tiến lại gần, chỉ bởi vì đó là một con bé bị điếc. Nishimiya cũng đâu tưởng tượng được mình lại bị bạn giật mất 7 chiếc máy trợ thính đắt tiền đến nỗi phải chuyển trường, tạo thêm gánh nặng cho mẹ. Cả hai đứa trẻ ngây thơ đều là nạn nhân của sự kì thị và tự ti, rồi bắt nạt chính bản thân mình.

A Silent Voice: Ngỡ là hường phấn, lại đau nhói trước vấn nạn bạo lực học đường - Ảnh 5.

Đến nỗi khi lớn lên Ishida trở thành một người khác hẳn. Cậu trai trẻ đếm từng ngày để được chết, để trả lại món nợ mình đã vay của mẹ từ ngày bé. Cậu đi tìm Nishimiya, để mong được bù đắp, để được nhẹ lòng. Nhưng chẳng dễ dàng như thế, dư âm của sự cô lập rất khủng khiếp.

Nó khiến không chỉ Nishimiya hay Ishida rơi vào bóng tối của bản thân mà cả những người xung quanh cũng chao đảo trong vòng xoay của sự bắt nạt. Nếu như Nishimiya vẫn luôn trốn chạy, luôn tự đổi lỗi cho bản thân mình khi trở thành gánh nặng, thành sự khác biệt, thành cái gai trong mắt người khác thì đứa em gái nhỏ của cô bé, Yuzuru cũng vì trách nhiệm bảo vệ cho người chị khuyết tật mà phải trở thành đàn ông. Từ bỏ hết nỗi vui của tuổi thơ để ở bên chị, dần dà chẳng muốn đến trường, vì thứ trách nhiệm kia dần trở thành phản xạ.

A Silent Voice: Ngỡ là hường phấn, lại đau nhói trước vấn nạn bạo lực học đường - Ảnh 6.

Hay như Ueno Naoka, cô bé xinh đẹp cá tính vì lỡ bắt nạt cô bạn cùng lớp năm xưa mà mãi về sau vẫn phải mang mặt nạ một kẻ điêu ngoa. Tâm lý đôi khi phức tạp nhưng cũng đơn giản như thế, ta muốn an nhiên nhưng vì đã từng là sóng gió nên phải dữ dội đến tận cùng. 

Còn Sahara Miyoko lại là một trường hợp khác, cũng là một quân cờ domino bị ngã trong tệ nạn bắt nạt xấu xí. Cô bé từng muốn ở bên Nishimiya, từng muốn đứng ra bảo vệ cô bạn nhút nhát nhưng vì sợ mọi người ghét... lây, sợ mình không thể làm được gì, sợ phải chứng kiến viễn cảnh đáng ghét nên phải chạy trốn. Cô bé chuyển trường đi nơi khác, xem như tuyệt giao với mớ bòng bong đang diễn ra trong lớp. Cứ trốn đi, rồi sẽ yên ổn. Nhưng vết thương quá khứ sẽ không thể nào liền sẹo nếu ta nhất định không bôi thuốc, mà liều thuốc hữu hiệu duy nhất chính là đối mặt, xin lỗi và thứ tha. Chừng nào Sahara còn xem mình là người ngoài cuộc, cô bé sẽ còn phải chạy trốn chính bóng tối của mình.

A Silent Voice: Ngỡ là hường phấn, lại đau nhói trước vấn nạn bạo lực học đường - Ảnh 7.

Cũng không thể không nhắc đến Kawai Miki, một mắt xích trong vụ việc bắt nạt ngày đó. Cô bé hiền lành luôn chan hoà với mọi người chẳng thể có đủ dũng khí để thừa nhận mình cũng đã từng là người nói xấu Nishimiya. Tự xem mình là kẻ chứng kiến, là nhân tố nằm ngoài tâm bão, đánh lừa bản thân bằng việc chỉ danh định tội những người có liên quan, cốt là để mình không phải hối hận. Nhưng Kawai sẽ rất mệt mỏi nếu phải sống như vậy cả đời, trong chính sự dung hoà giả tạo mà cô bé tạo ra.

Cứ như thế, mắt xích này nối mắt xích kia, xô nhau như những đợt sóng cứ cuộn trào trong lòng ngực khi có ai đó vô tình nhắc lại những ngày tháng ồn ào cùng những gương mặt tưởng đã lãng quên. Tất cả đều trốn chạy khỏi lỗi lầm ngày đó mà không hề biết bản thân mỗi người đều vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm trong những vết thương chồng chéo. Bản thân Nishimiya, Ishida, Ueno, Kawai hay Sahara sẽ chẳng thể nhận ra mình đã sai ở đâu nếu họ không đối mặt với tất cả.

A Silent Voice: Ngỡ là hường phấn, lại đau nhói trước vấn nạn bạo lực học đường - Ảnh 8.

A Silent Voice: Ngỡ là hường phấn, lại đau nhói trước vấn nạn bạo lực học đường - Ảnh 9.

Thật may mắn khi sự việc bắt nạt Nishimiya năm nào đã không dẫn đến một kết cục đau buồn nào. Một hành trình dằn vặt, đau đớn với lương tâm và sự tha thứ, đôi lúc là tha thứ cho chính mình, để chạm đến một mùa xuân lộng gió chính là những dáng hình thanh âm trong thế giới lặng im của mỗi người. Có những lúc ta phải nhắm mắt lại, thả mình vào chính cái thế giới hỗn tạp những âm thanh ồn ào thì mới nghe được điều mình muốn nghe.

Vấn nạn học đường trong phim có dư âm thật dai dẳng nhưng đồng thời những hương vị ngọt ngào của mùa, của tiếng lòng gọi nhau đã bật nút "phát lại" cho quãng đời bên nhau từng không trọn vẹn được trở nên xanh ngắt như gió mùa xuân thổi. 

Dáng Hình Thanh Âm (A Silent Voice) hiện đang công chiếu tại hệ thống rạp Việt Nam.