Toán học là môn tư duy logic, được mỗi người tiếp xúc ngay từ nhỏ khi bắt đầu biết nói bằng cách học đếm số. Lớn hơn một chút, ta lại được làm quen với các phép toán cộng, trừ, nhân, chia rồi phân số, lũy thừa,... còn cao siêu hơn sẽ là các bài toán yêu cầu diễn giải, phân tích, chứng minh,... Không như Văn học không giới hạn tính sáng tạo của học trò, Toán học sẽ có những quy tắc bất di bất dịch mà ai cũng cần phải nắm.
Một bài Toán lớp 1 sau khi được đăng tải trên mạng xã hội đã gây ra luồng tranh cãi từ phía các bậc phụ huynh. Dù đề bài rất dễ, chỉ yêu cầu học trò khoanh đúng vào đáp án có cách đọc số 74 nhưng có vẻ như khi đặt bút vào làm sẽ khiến nhiều người băn khoăn. Theo đó, học sinh này chọn đáp án "bảy mươi bốn" còn cô giáo thì cho rằng "bảy mươi tư" mới là chính xác.
Chính vì thế, dân mạng không ngừng đặt ra các câu hỏi, quy chuẩn để xét xem cách đọc nào đúng, cách đọc nào sai và sai ở đâu ra. Một vài ý kiến cho rằng, với học sinh lớp 1, trong các bài học về đọc số có hai chữ số, nếu hàng đơn vị là chữ số 4 thì các số hàng chục từ 2 trở lên sẽ đọc là tư, ví dụ hai mươi tư (24), ba mươi tư (34),... Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chưa có quy định cụ thể nào cho cách đọc trên.
Ở nhiều địa phương, người ta vẫn hay sử dụng cách đọc "bốn" cho số có 2 chữ số khi hàng chục từ 2 trở lên. Theo lẽ này, "bảy mươi bốn" hay "bảy mươi tư" đều nên được chấp nhận. Trong đề bài còn có 2 yếu tố gây nhiễu là cách đọc "bảy bốn" và "bảy tư", dân mạng cho rằng cũng không sai nếu học sinh chọn phương án trên.
Có ý kiến cho rằng, giáo viên ra đề cần xem xét lại và nên cho đề có tính chọn lọc, đỡ gây tranh cãi vì bản chất của trắc nghiệm chỉ có 1 đáp án đúng. Với học sinh đã hiểu giá trị của con số thì cách đọc nào cũng có thể chấp nhận.
Còn về cách đọc số, ngoài sự tranh cãi về cách đọc hàng đơn vị là "tư" hay "bốn" trong số có 2 chữ số thì tiếng Việt cũng quy định, với hàng đơn vị là 5, chúng ta đọc là "lăm" (hàng chục từ 1 trở lên) còn hàng đơn vị là 1 thì đọc là "mốt (hàng chục từ 2 trở lên).
Thế mới thấy tiếng Việt quả thực phong phú!