Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe mạch máu. Bởi vì thực phẩm chúng ta tiêu thụ có thể tác động trực tiếp đến tình trạng của hệ tuần hoàn. Một chế độ ăn lành mạnh giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng cường chức năng của các tế bào nội mô và duy trì huyết áp ổn định. Ngược lại, ăn uống không lành mạnh có thể làm tăng cholesterol xấu, gây viêm và tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến các bệnh tim mạch nguy hiểm.
Vì vậy, muốn bảo vệ mạch máu và duy trì sức khỏe tổng thể, hãy kiểm soát lượng ăn 5 thực phẩm dưới đây:
Các loại thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, bánh quy, thực phẩm đông lạnh và đồ ăn nhanh chứa nhiều đường, muối và chất béo không lành mạnh. Những thực phẩm này không chỉ thiếu dinh dưỡng mà ăn nhiều còn gây tăng cân, béo phì, và tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh cao huyết áp, đột quỵ và bệnh tim mạch. Thậm chí, những món ăn nhanh này còn dễ gây nghiện vì hương vị hấp dẫn và sự tiện lợi, khiến nhiều người dù biết hại vẫn không thể từ bỏ.
Nước ngọt, nước có ga và các loại đồ uống chứa đường là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tăng đường huyết, kháng insulin và tổn thương các tế bào nội mô của mạch máu. Mặc dù chúng ta đều biết dùng nhiều đồ uống ngọt có hại nhưng thói quen dùng nó hàng ngày vẫn rất phổ biến. Đặc biệt là trong các bữa ăn hay khi giải khát. Việc tiêu thụ đồ uống có đường không chỉ làm hại mạch máu mà còn khiến nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường và béo phì tăng cao.
Những thực phẩm giàu chất béo, nhất là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa như thịt đỏ, bơ, kem, các món chiên rán… không tốt cho mạch máu cũng như sức khỏe tổng thể. Hấp thụ quá nhiều chất béo bão hòa có thể dễ dàng dẫn đến tăng cholesterol và tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Chất béo chuyển hóa sẽ tiếp tục kích thích phản ứng viêm và dẫn đến rối loạn chức năng nội mô. Những thực phẩm giàu chất béo này thường được sử dụng trong quá trình nấu nướng khiến con người tiêu thụ quá nhiều mà không biết.
Dù WHO đưa ra khuyến nghị 1 người trưởng thành không nên ăn quá 5g muối - tương đương khoảng 2g natri mỗi ngày nhưng thực tế lượng ăn của chúng ta luôn vượt quá. Muối này không chỉ đến từ muối ăn, nước mắm, các loại gia vị mà còn trong các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, món muối chua… Trong khi ăn thừa muối làm tăng huyết áp, gây áp lực lớn lên thành mạch máu, dẫn đến tổn thương nội mô. Theo thời gian, điều này thúc đẩy xơ cứng động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch.
Tiêu thụ quá nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp, gây tổn thương mạch máu và làm suy giảm chức năng của các tế bào nội mô. Rượu bia cũng có thể làm tăng nồng độ triglyceride trong máu, một yếu tố nguy cơ đối với các bệnh tim mạch. Mặc dù uống một lượng nhỏ rượu có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe, nhưng việc lạm dụng rượu bia lại là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề nghiêm trọng với mạch máu. Nhưng có một thực tế là chúng ta đều biết uống rượu bia có hại cho sức khỏe nhưng khó để từ bỏ nó hoàn toàn.
Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor