Một bà mẹ mới đây kể một câu chuyện về con gái "hư" gây chú ý: Một buổi tối, khi đang làm bài tập, chỉ vì mẹ nói "chữ viết xấu quá", cô bé liền đáp lại: "Mẹ người ta không bao giờ nói con mình viết xấu, sao mẹ nói nhiều vậy? Nếu mẹ thấy con viết xấu, con thấy chữ mẹ còn không bằng con viết. Bố còn bảo chữ mẹ viết như... mèo cào nữa cơ!".
Vài câu khiến người mẹ á khẩu, không nói được gì thêm. Chị than: "Trẻ con bây giờ nhiều thói hư tật xấu quá, dạy dỗ thật sự quá khó".
Thực tế, không ít cha mẹ luôn chăm chăm sửa lỗi con, nghĩ rằng con mình đầy "thói xấu" như: Hay cãi lời. Bướng bỉnh. Ham chơi. Không nghe lời...
Nhưng sự thật là mỗi kiểu tính cách của trẻ đều ẩn chứa một "tình tiết cuộc đời" riêng.
Ảnh minh hoạ
Đặc biệt là 5 kiểu trẻ sau đây, cha mẹ tuyệt đối đừng ghét bỏ, vì có thể chúng sẽ rất thành công trong tương lai.
Một khảo sát từng hỏi: "Bạn ghét nhất hành vi nào ở con mình?". Hơn 70% phụ huynh trả lời: "Hay cãi lại". Trong mắt cha mẹ, cãi lại đồng nghĩa với bất kính, ngang ngạnh, không vâng lời.
Ví dụ: Nói con đừng xem tivi nhiều, con đáp: "Ba mẹ còn ôm điện thoại cả ngày kìa!". Bảo làm bài xong mới được chơi, con lập tức "trình bày quan điểm", nói trúng đến mức cha mẹ không cãi lại được... Cha mẹ thường dùng biện pháp cứng rắn để ngăn trẻ cãi lời, nhưng thực tế, đó là cách trẻ biểu đạt cái tôi của mình.
Theo tâm lý học phát triển, trẻ trải qua 3 giai đoạn phản kháng tự nhiên:
2-5 tuổi: Bắt đầu hình thành cái tôi, miệng lúc nào cũng "không không không", nghĩa là "con muốn tự quyết".
7-9 tuổi: Ý thức độc lập mạnh hơn, thường xuyên tranh cãi với cha mẹ là biểu hiện của sự "muốn lý lẽ".
12-15 tuổi: Ở tuổi dậy thì, trẻ dễ phản kháng vì lòng tự trọng cao, không muốn bị mất mặt, muốn được tự ra quyết định.
Trẻ hay cãi thường có ý thức rõ ràng về bản thân và khả năng bảo vệ chính kiến.
Một nghiên cứu theo dõi trẻ 2-5 tuổi trong nhiều năm: Nhóm hay cãi: 84% có chính kiến rõ ràng, khả năng tư duy độc lập, phán đoán tốt.
Nhóm ngoan ngoãn: Tư duy kém hơn rõ rệt.
Cha mẹ nên: Cho phép con nói ra suy nghĩ, học cách lắng nghe. Phân tích và dẫn dắt khi con cãi, chứ không chụp mũ là "hỗn". Đưa ra lựa chọn có giới hạn, tạo cảm giác được làm chủ.
Trẻ có quyền cãi, cha mẹ có trách nhiệm hướng dẫn lý trí thay vì đàn áp cảm xúc.
Nhiều cha mẹ nghĩ "chơi" là vô bổ. Nhưng với trẻ, đó là nguồn dinh dưỡng cho trí não.
Trung tâm Thần kinh học NYU phát hiện: Hồi hải mã (hippocampus) - trung tâm trí nhớ & học tập, phát triển tốt nhất khi trẻ được chơi tự do mỗi ngày.
"Chơi" là kỹ năng quan trọng thứ hai sau học tập, giúp trẻ: Tăng kỹ năng xã hội. Giải tỏa áp lực. Rèn luyện tinh thần
Ví dụ: Đạp xe → học kiên trì. Tháo đồ chơi → hiểu nguyên lý kỹ thuật... Đừng ngăn cản con chơi, hãy hướng dẫn con chơi có mục tiêu.
Một số trẻ vừa bị mắng, vài phút sau lại ca hát nhảy nhót như không có chuyện gì. Hoặc mới cãi nhau với bạn, hôm sau đã làm hòa như chưa từng xảy ra gì. Cha mẹ thường nói: "Thằng này mặt dày thật, chẳng biết xấu hổ".
Nhưng "mặt dày" chính là năng lực tinh thần mềm dẻo, cực kỳ quý giá: Có khả năng tự chữa lành sau khi bị trách phạt, không để tâm quá lâu. Biết chịu đựng áp lực, dẻo dai, không dễ gục ngã.
Trẻ "mặt dày" thường ít tổn thương tâm lý, dám làm, dám sai, dám thử, rất dễ thành công.
Nhiều cha mẹ than: "Nó nói cả ngày, nghe mệt quá".
Nhưng nghiên cứu ở Mỹ cho thấy: Trẻ có vốn từ phong phú, nói nhiều, thường có: Kết quả học tập tốt hơn; Tư duy linh hoạt hơn; Khả năng diễn đạt cao hơn. Ngoài ra, trẻ "lắm mồm" còn có 2 lợi thế:
Tâm lý khỏe mạnh - Trẻ vui vẻ mới thích nói, ít nói là biểu hiện của cô đơn, áp lực.
Kỹ năng xã hội mạnh mẽ - Không sợ giao tiếp, dễ kết bạn, được yêu thích.
Đừng bắt con "im lặng" - Hãy cùng trò chuyện, con càng nói càng thông minh.
Nhà tâm lý học từng khảo sát 137 người, chia làm nhóm "hay khóc" và "ít khóc": Nhóm hay khóc có tâm lý khỏe mạnh hơn, biết trút bỏ áp lực. Nhóm ít khóc dễ mắc lo âu, trầm cảm, tinh thần tiêu cực
Khi trẻ khóc, đừng bịt miệng, mà hãy lắng nghe và giúp con giải tỏa.
Tâm lý học có hiệu ứng "quả cấm": Cái gì càng cấm càng hấp dẫn.
Trẻ cãi lời → hãy cho phép phát biểu → xây nền tảng tư duy phản biện
Trẻ ham chơi → hãy cho phép xả áp lực → kích thích sáng tạo
Trẻ "mặt dày" → hãy tôn trọng sự gan lì → vững vàng khi đối mặt khó khăn
Trẻ nói nhiều → hãy lắng nghe nhiều hơn → mở rộng tư duy
Trẻ hay khóc → hãy tiếp nhận cảm xúc → tâm lý lành mạnh
Trao cho con "tự do và quyền được là chính mình", để con tìm thấy ý nghĩa cuộc sống và biết yêu quý thế giới này.