5 bước sơ cấp cứu cơ bản mà ai cũng cần biết

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 31/08/2019

Hôn mê vì mất nhiều máu, bất tỉnh khi gặp tai nạn giao thông, gãy xương sau va chạm… là những rủi ro luôn rình rập cánh tài xế khi đi đường. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sơ cứu đúng cách và hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.

Ứng dụng gọi xe be tổ chức hội thảo Sơ cứu tai nạn giao thông, xử lí và phòng tránh các bệnh nghề nghiệp dành riêng cho các tài xế. Tại đây, gần 100 tài xế có cơ hội tìm hiểu về cách sơ cứu đúng cách và hạn chế những rủi ro về tính mạng khi gặp tai nạn giao thông. 

Tham gia chương trình có sự góp mặt của ông Tony Coffey, chuyên gia đào tạo chăm sóc khẩn cấp và cứu hộ thuộc Hiệp hội Cứu hộ Australia với hơn 20 năm kinh nghiệm. Theo ông, trường hợp dễ gây tử vong nhất khi gặp tai nạn giao thông chính là tắt đường thở. Do đó, nếu nạn nhân không được sơ cứu kịp thời, cơ hội sống sót gần như bằng không. 

5 bước sơ cấp cứu cơ bản mà ai cũng cần biết - Ảnh 1.

Ông Tony Coffey, chuyên gia đào tạo chăm sóc khẩn cấp và cứu hộ thuộc Hiệp hội Cứu hộ Australia chia sẻ quy trình sơ cấp cứu đúng cách cho các tài xế.

Theo chuyên gia, quá trình sơ cấp cứu đúng kĩ thuật trong trường hợp nạn nhân bất tỉnh, ngưng thở, ngưng tim… bao gồm 5 bước:

Đầu tiên, người cứu trợ cần kiểm tra các mối nguy hiểm xung quanh nạn nhân như: đường xá đông đúc, rò rỉ xăng dầu hay chập điện, hoặc các dị vật gây sát thương. Việc xem xét cẩn thận môi trường xung quanh không chỉ giúp người sơ cứu bảo vệ bản thân mà còn dễ dàng tìm cách đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm. 

Thứ hai, kiểm tra phản ứng là bước quan trọng giúp xác định tình trạng sức khoẻ của nạn nhân. Thông thường, nhiều người dùng tay để kiểm tra hơi thở nhưng do da tay quá dày nên không thể có kết quả chính xác. Thay vào đó, chuyên gia khuyến khích việc áp sát mang tai kết hợp với quan sát bằng mắt nhịp thở trên lồng ngực. Bên cạnh đó, người sơ cứu cũng có thể kích đau nạn nhân bằng cách bóp mạnh hoặc kêu gọi. 

Khi một người bất tỉnh sau tai nạn, lưỡi sẽ bị mềm nhũng và rũ xuống làm chắn đường thở. Do đó, mở đường thở cho nạn nhân là bước quan trọng tiên quyết trong quá trình sơ cấp cứu. Tuyệt đối không để nạn nhân nằm ngửa vì các chất nôn ói, dịch, máu khi cơ thể bị tổn thương có thể gây ứ đọng và làm ngạt đường thở. Cách sơ cứu thông dụng là để người bị nạn nằm nghiêng sang một hướng để các chất dịch tràn ra ngoài dễ dàng. Bên cạnh đó, trường hợp tổn thương phần mềm ở phần sườn, một trong hai phía hông thì đặt nạn nhân nghiêng người, để vết thương áp đất nhằm cầm máu.

5 bước sơ cấp cứu cơ bản mà ai cũng cần biết - Ảnh 2.

Sau khi gặp tai nạn, việc xê dịch nạn nhân khỏi hiện trường cũng cần đúng kĩ thuật để tránh gây tổn thương.

Trong trường hợp nhận thấy nạn nhân có dấu hiệu bất tỉnh hoặc nguy cấp, ép tim ngoài lồng ngực là cách sơ cứu kịp thời và được áp dụng cho hầu hết các tai nạn. Người cứu hộ có thể đặt tay vào giữa ngực người gặp nạn, liên tục ép tim theo nhịp 30 lần. Cách khoảng mỗi lần ép tim là 2 hơi Thổi ngạt, thổi oxy (hô hấp nhân tạo). Theo chuyên gia Tony Coffey, nếu nạn nhân không được sơ cứu trong 4 phút đầu sẽ dẫn đến tình trạng chết não. Nếu kéo dài đến 8 phút mà không ép tim, có thể dẫn đến tử vong. Sau các bước sơ cấp cứu trên, người cứu hộ cần liên hệ gấp với xe cứu thương và cố gắng rút ngắn thời gian nạn nhân nằm lại hiện trường. 

5 bước sơ cấp cứu cơ bản mà ai cũng cần biết - Ảnh 3.

Hô hấp nhân tạo kết hợp với ép tim ngoài lồng ngực là cách sơ cấp cứu quan trọng và được áp dụng trong nhiều trường hợp bị nạn.

Bên cạnh quá trình sơ cấp cứu đúng kĩ thuật, chuyên gia Tony Coffey cũng cho biết những người xung quanh đóng vai trò quyết định sự sống còn của nạn nhân. Theo đó, nhiều trường hợp sơ cấp cứu sai cách dẫn đến người bị nạn chết não, thậm chí là tử vong trước khi đưa đến bệnh viện. Vội vã dịch chuyển nạn nhân; xốc, vác người bị nạn và chở đi bằng xe máy; đặt nạn nhân nằm ngửa gây ứ máu, chất dịch khiến tắt đường thở… là những điều cấm kị mà nhiều người mắc phải.

Tham gia hội thảo, anh Nguyễn Trọng Phúc, tài xế beBike chia sẻ: "Sau hội thảo, tôi đã biết được sơ cấp cứu thế nào cho đúng. Mặc dù trước đây từng tham gia cứu nguời khá nhiều, nhưng bản thân tôi nhận ra mình còn khá nhiều thiếu sót. Hội thảo đã mang lại những kiến thức bổ ích không chỉ để giúp đỡ người mà tôi còn có thể giúp đỡ mình". Cùng tham dự buổi chia sẻ, anh Hoàng Công Linh, tài xế beBike cho biết: "Khi đi làm, tôi sợ nhất là vào đường tối cũng như gặp tai nạn ban đêm. Nhờ tham gia chương trình mà tôi biết cách sơ cấp cứu cho bản thân từ cách cầm máu, nẹp xương tạm thời…". 

5 bước sơ cấp cứu cơ bản mà ai cũng cần biết - Ảnh 4.

Các tài xế của be thực hành sơ cấp cứu tại hội thảo.

Ngoài bổ trợ kiến thức sơ cấp cứu trong tai nạn giao thông, chương trình còn cung cấp kĩ năng xử lí các bệnh nghề nghiệp của các tài xế, với sự dẫn dắt của Thạc sĩ Huỳnh Thị Phượng Hồng, Giảng viên Khoa điều dưỡng - Kỹ thuật trường Đại học Y dược TP.HCM. Với mong muốn tài xế công nghệ là một nghề được công nhận, be không ngừng nỗ lực cải tập huấn, nâng cao kiến thức cho tài xế.