3 hãng xe lớn chiếm gần 55% doanh số toàn thị trường ô tô Việt Nam

Đức Nam, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 17:00 21/10/2022

Toyota, Hyundai, Kia đang có một năm kinh doanh thành công tại thị trường Việt Nam với doanh số bán hàng vượt trội so với các đối thủ.

Tính đến hết tháng 9/2022, doanh số của các hãng xe thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) là 296.403 xe, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng giai đoạn, Hyundai Thành Công cho biết đã bàn giao đến tay khách hàng 56.320 xe còn VinFast bán ra 18.052 xe (doanh số của VinFast chỉ tính đến tháng 8 do tháng 9 hãng không công bố số liệu bán hàng).

Không tính thêm đến một số thương hiệu xe sang, Volkswagen hay Nissan không công bố doanh số, thị trường ô tô Việt Nam đã tiêu thụ hơn 352.700 xe trong 9 tháng qua. Với đà doanh số này, thị trường có tiềm năng để cán mốc doanh số 500.000 xe như một số dự báo hồi đầu năm - là năm có doanh số cao nhất từ trước đến nay.

3 hãng xe chiếm 54% thị phần

Trong số các hãng xe đang kinh doanh tại Việt Nam, Toyota và Hyundai luôn được xem là 2 ông lớn dẫn đầu thị trường, thường tạo ra cuộc đua song mã về doanh số. Tuy nhiên trong năm 2022, Kia vươn lên trong vai trò của một "kẻ thách thức" về doanh số với một dải sản phẩm ấn tượng, hợp gu người tiêu dùng Việt cùng với doanh số cực kỳ ấn tượng.

3 hãng xe lớn chiếm gần 55% doanh số toàn thị trường ô tô Việt Nam - Ảnh 1.

Doanh số của các hãng xe lớn kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Số liệu: VAMA, TC Motor, VinFast.

3 hãng xe lớn chiếm gần 55% doanh số toàn thị trường ô tô Việt Nam - Ảnh 2.

Thị phần của các hãng xe.

Cụ thể sau 9 tháng đầu năm, Toyota đã bán 64.130 xe, Hyundai là 56.320 xe còn Kia cũng kịp đạt doanh số 47.792 xe, đạt mức thị phần lần lượt 20,48%, 17,98% và 15,26%. Tổng cộng, 3 thương hiệu này chiếm đến 53,72% tổng thị phần ô tô tại thị trường trong nước, đồng nghĩa cứ 2 ô tô bán ra thì có 1 chiếc mang logo Toyota, Hyundai hoặc Kia.

Với Toyota, 2022 là năm hãng khẳng định vị thế thống trị thị trường của mình khi 2 mẫu xe chủ lực là Vios và Corolla Cross đang nằm trong top 3 xe bán chạy nhất. Bên cạnh đó, hãng cũng kịp bổ sung mẫu MPV Veloz Cross ngay khi Innova có dấu hiệu xuống sức trong cuộc cạnh tranh với Mitsubishi Xpander. Ở phân khúc sedan hạng D, Toyota Camry cũng là lựa chọn top đầu thị trường.

Trong dải sản phẩm của hãng này, chỉ có Corolla Altis phần nào chưa đáp ứng được kỳ vọng. Bên cạnh đó ở phân khúc bán tải, Hilux cũng đã rời cuộc chơi và chưa hẹn ngày trở lại.

Trong khi đó, Hyundai cũng thể hiện thế mạnh gần như tuyệt đối ở phân khúc crossover hạng D với Santa Fe. Chiếc Tucson cũng có doanh số cực tốt ở phân khúc crossover hạng C, dù gặp phải tình trạng thiếu linh kiện kéo dài. Model chủ lực Accent cũng cạnh tranh mạnh mẽ ở phân khúc sedan hạng B cùng Toyota Vios trong khi Creta đang vươn lên mạnh mẽ ở phân khúc SUV đô thị.

Hãng cũng vừa cho ra mắt Hyundai Elantra với giá khởi điểm rẻ nhất phân khúc, đồng thời sắp đưa về mẫu MPV Stargazer trong vài ngày tới. Dù khó cạnh tranh với Toyota ở vị trí số một thị trường, Hyundai có vẻ đang xây chắc vị trí thứ 2 của mình.

3 hãng xe lớn chiếm gần 55% doanh số toàn thị trường ô tô Việt Nam - Ảnh 3.

Kia Sportage - mẫu xe mới tham gia phân khúc crossover hạng C tại Việt Nam.

Với Kia, thương hiệu do THACO lắp ráp và phân phối sản phẩm có một khởi đầu rất tốt trong nửa đầu 2022 nhưng có dấu hiệu chững lại một vài tháng gần đây, một phần do tình trạng thiếu linh kiện.

Kia không có các sản phẩm top đầu doanh số như Toyota hay Hyundai nhưng được đánh giá sở hữu một danh mục sản phẩm rất mạnh với Kia K3 đứng đầu phân khúc sedan hạng C, Seltos và Sonet cạnh tranh mạnh mẽ ở phân khúc SUV đô thị. Cùng với đó, các model như Carnival, Sportage, Morning, K5 đều có những đóng góp nhất định vào bức tranh doanh số chung của hãng.

Nhóm bám đuổi

Nhóm này gồm 3 thương hiệu Nhật Bản là Mitsubishi, Mazda và Honda với thị phần lần lượt 9,67%, 8,48% và 8,03%.

Với Mitsubishi, việc đang đứng ở vị trí thứ 4 thị trường với doanh số hơn 30.000 xe có thể xem là thành công khi hãng sở hữu một dải sản phẩm không lớn. Trong số hơn 30.000 xe bán ra trong 9 tháng qua, mẫu MPV Xpander chiếm hơn 1 nửa với hơn 16.000 xe, mẫu sedan hạng B Attrage hơn 5.600 xe còn Outlander được hơn 3.600 xe.

3 hãng xe lớn chiếm gần 55% doanh số toàn thị trường ô tô Việt Nam - Ảnh 4.

Mitsubishi Xpander 2022.

Mazda, trong khi đó, không gây ấn tượng quá mạnh trong giai đoạn này. Hãng không có được các sản phẩm đua top doanh số nhưng vẫn rất mạnh ở phân khúc sedan hạng C với Mazda3 và crossover hạng C với CX-5.

Riêng Honda hiện gần như trông chờ vào doanh số từ CR-V và City, trong khi 2 model mới ra mắt trong năm nay là Civic và HR-V có doanh số không ấn tượng.

VinFast và nhóm còn lại

Việc công bố dừng bán các dòng xe xăng từ tháng 7 phần nào ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của VinFast. Bằng chứng là việc hãng đã dừng công bố kết quả kinh doanh trong tháng 9 và trong thời gian tới đây, có thể báo cáo này sẽ chỉ gồm các mẫu ô tô điện như VF e34 và VF8.

3 hãng xe lớn chiếm gần 55% doanh số toàn thị trường ô tô Việt Nam - Ảnh 5.

VinFast VF8.

Trong 8 tháng vừa qua, hãng xe Việt cũng đã bán ra hơn 18.000 xe, chiếm khoảng 5,76% thị phần. Trong giai đoạn chuyển giao sắp tới, có thể thị phần của VinFast sẽ tiếp tục bị thu hẹp đi cho đến khi dải sản phẩm của hãng được mở rộng hơn, đồng thời tình trạng khan hiếm linh kiện được giải quyết.

Xếp sau VinFast là Ford với 15.518 xe bán ra, chiếm khoảng 4,95% thị phần, Suzuki với hơn 12.000 xe (3,87% thị phần), Peugeot với hơn 8.800 xe (2,82% thị phần) và Isuzu với hơn 8.400 xe (2,69% thị phần).