Báo công nghệ uy tín của Mỹ đến thăm nhà máy BPhone

M.T, Theo Trí Thức Trẻ 00:04 01/08/2015

CNET đã có một bài viết công phu về BKAV, BPhone và những hoài bão của hãng công nghệ muốn trở thành "Apple tiếp theo" này.

Trang công nghệ danh tiếng Mỹ CNET mới đây đã có chuyến ghé thăm tới Việt Nam. Sau khi đăng tải bài viết liên quan đến nhà máy của Samsung và LG tại các khu công nghiệp, CNET tiếp tục bất ngờ cho đăng bài viết liên quan đến BPhone và BKAV. Chúng tôi xin lược dịch bài viết của CNET.

Thiết kế ở Việt Nam

bk1-6b4ae

Tọa lạc ở vị trí cách trụ sở chính của BKAV 10 phút lái xe là một tổ hợp công nghiệp. Nơi đây là một trong hai địa điểm BKAV sử dụng làm nơi lắp ráp, hoàn thiện BPhone. Khi tôi ghé thăm nhà máy lắp ráp điện thoại của BKAV, có khoảng ba chục công nhân trong đồng phục trắng - xanh tại đây. Điều này khiến tôi hình dung đến một sự giao thoa giữa hình ảnh một bác sỹ và một công nhân điện máy. Tất cả đều đeo găng tay trắng, băng khẩu và mũ màu xanh da trời với nịt vòng để ngăn tóc rơi xuống các linh kiện điện thoại.

bk6-6b4ae

Công nhân ngồi trên một chiếc ghế xoay kiểu văn phòng, trước một dây chuyền màu xanh như một chiếc bàn bóng bàn nhưng nhỏ và dài hơn. Mỗi công nhân nhận xử lý một bộ phận của máy, bao gồm việc làm sạch và gắn vào mặt lưng điện thoại. Thông thường sẽ có khoảng 100 nhân viên tại đây nhưng tôi đến đúng vào giờ ăn trưa của họ.

bk2-6b4ae


Ngoài ra, có 50 công nhân khác làm việc tại nhà máy cạnh đó của BKAV với nhiệm vụ tạo ra một số linh kiện trên BPhone như khung kim loại, khe SIM, hộp loa cùng các công việc quan trọng khác như dựng nguyên mẫu thiết kế và mẫu linh kiện trước khi thuê các đối tác sản xuất chúng. BKAV đang lên kế hoạch mở một nhà máy lớn hơn tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, cách nhà máy hiện tại 30 km, "khi chúng tôi nhận được những phản hồi tích cực từ thị trường", ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch, Giám đốc Mảng Phần cứng của BKAV nói.

bk3-6b4ae

BKAV đã đổ khoảng 20 triệu USD, 200 kỹ sư và bốn năm ròng vào việc phát triển chiếc điện thoại thông minh đầu tiên của mình. Hãng này thiết kế mọi thứ từ bo mạch chủ, chứa một dòng chip cao cấp nhưng đã cũ của Qualcomm, cho đến các yếu tố ngoại hình máy và những thay đổi trên hệ điều hành Android. BPhone Operation System (BOS) theo đó đi kèm nhiều ứng dụng được thiết kế bởi BKAV như trình duyệt Bchrome, ứng dụng gọi điện qua Internet Btalk và một tính năng then chốt: phần mềm chống virus.

bk4-6b4ae

Hiện nay, BKAV đang sử dụng yếu tố "sản xuất tại Việt Nam" làm điểm nhấn của sản phẩm BPhone. "Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng Việt Nam cũng có thể sản xuất những sản phẩm chất lượng cao như của Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc," ông Bạch Thành Lê, Phó Chủ tịch BKAV chia sẻ.

Dù vậy việc sử dụng các linh kiện từ công ty nước ngoài đang làm mọi người hoài nghi. Trước khi BPhone lên kệ, không ít người đã thắc mắc rằng không hiểu BPhone thực sự là một thiết bị được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam hay đó thực ra là một chiếc điện thoại Trung Quốc. Cũng có những tranh cãi xung quanh vấn đề một chiếc điện thoại có được gọi là "sản xuất tại Việt Nam" hay không nếu sử dụng linh kiện từ quốc gia khác.

bk5-6b4ae

"Tại sao một số người nghĩ rằng BPhone không phải một chiếc smartphone của Việt Nam? Bởi vì quá khó để tin rằng Việt Nam có thể thiết kế và sản xuất một thiết bị smartphone hàng đầu thế giới." Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO tập đoàn BKAV nói với CNET qua email.

"Quảng nổ"

bk7-e0075

Khiêm tốn chính xác không phải là điều bạn có thể dùng để mô tả về vị CEO 40 tuổi của BKAV. Ông phát triển phiên bản đầu tiên của phần mềm diệt virus BKAV khi còn là sinh viên năm thứ ba vào năm 1995 và 10 năm sau đó mới thành lập công ty để thương mại hóa phần mềm này. Đến nay, BKAV được xem là một trong những công ty phần mềm an ninh số lớn nhất tại Việt Nam với một chi nhánh đặt tại Mountain View, California.

Ngoài ra, ông Quảng cũng nổi tiếng là một người chăm chỉ và cũng được biết đến với biệt danh "Quảng nổ" và "Quảng quăng bom" do tính cách của ông. Khi lần đầu tiên giới thiệu BPhone vào tháng 1 năm nay tại sự kiện CES và cuối cùng trình làng vào tháng 5, ông Quảng đã liên tục gọi nó bằng những mỹ từ như "không thể tin được", "kiệt tác" đồng thời nhấn mạnh BPhone tốt nhất thế giới.

bk8-e0075

"Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng khi cầm nó trong tay bạn cũng sẽ cảm thấy giống tôi: một trong những chiếc điện thoại thông minh đẹp nhất thế giới," ông Quảng nói trong sự kiện ra mắt BPhone vào tháng 5 vừa qua. Về phần mình, ông Nguyễn Tử Quang bỏ qua những lời chỉ trích. Ông khẳng định việc nói tốt cho sản phẩm của công ty mình là một công việc của CEO, ngay cả khi điều này là không phổ biến tại Việt Nam.

bk9-e0075

Đối với một số người, "hào quang" của BPhone đã có những ảnh hưởng nhất định. Anh Nguyễn Việt Phú, một công dân Hà Nội 41 tuổi đang làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam, mua một chiếc BPhone phiên bản vàng champagne 64GB ngay sau khi máy được bán ra. Anh chia sẻ mình muốn xem điện thoại Việt Nam dùng ra sau sau khi mất chiếc iPhone 5S. Trả lời CNET qua email anh nói: "BPhone thực sự đẹp. Tôi hài lòng với thiết bị này." 

Cùng lúc với không ít người khác, cách giới thiệu BPhone của ông Quảng lại cho thấy một sự phản tác dụng. Thêm vào đó còn vô số người không hề biết đến sự tồn tại của BPhone. 

Cơn sốt Apple, Samsung

bk12-87f6e

Apple và Samsung là những thiết bị người mua quan tâm nhất. Gần như mọi cửa hàng ở Hà Nội đều sử dụng logo của Apple để thu hút sự chú ý. Trên những con phố như Đặng Dung, có hàng dài cửa hàng bán iPhone và iPad. Thậm chí logo Apple còn xuất hiện trên tất cả mọi thứ, từ mũ bảo hiểm cho đến những chiếc áo. Thực sự là một sự lan tỏa ngay cả khi Apple không có cửa hàng tại Việt Nam.

"Hiện giờ thì tôi chưa có tiền nhưng nếu có tiền, tôi muốn mua iPhone," Dao Dat, một thanh niên 20 tuổi đang làm việc bán thời gian trong khi học Tiếng Anh để trở thành trợ giảng chia sẻ. Anh cũng chia sẻ mình phải tiết kiệm trong một năm để có thể mua được iPhone 6.

bk13-3fec9


Nhiều không kém là các cửa hàng bán thiết bị của Samsung và các bảng hiệu của công ty này cũng xuất hiện dày đặc trên các dãy phố. Samsung đã đổ gần 9 tỷ USD trong 7 năm gần đây tại Việt Nam để xây dựng các nhà máy lắp ráp thiết bị. Theo thống kê của Strategy Analytics, hơn một nửa smartphone bán tại Việt Nam trong quý I năm nay đến từ Samsung hoặc Apple.

Thách thức đặt ra cho BPhone là thuyết phục người dùng từ bỏ thương hiệu điện thoại yêu thích để đến với sản phẩm "sản xuất tại Việt Nam". Trong khi BKAV nói rằng BPhone mang đến một chiếc điện thoại cao cấp ở tầm giá chỉ bằng một nửa những gì Galaxy S hay iPhone có. Nhưng tại sao nếu vẫn phải bỏ hàng trăm đô-la, người dùng lại không tìm đến những thương hiệu có tiếng hơn?

bk14-3fec9

"Giá quá cao," một người có tên Anh Tuan chia sẻ trên mạng. "Tôi yêu nước và sẵn sàng ủng hộ sản phẩm sản xuất tại Việt Nam miễn là giá trị mang lại xứng đáng với mức giá. Tôi không muốn tình yêu nước được đem ra làm một "chiêu bài" marketing."

Cách phân phối có giới hạn của BKAV với BPhone cũng có thể ảnh hưởng đến công ty này. Việt Nam là một quốc gia nơi người dùng chủ yếu đến cửa hàng để mua máy trong khi đó BKAV chỉ bán BPhone trực tuyến và bán theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên đã diễn ra vào ngày 2 tháng 6 trong khi đó lần bán tiếp theo được cho là sẽ rơi vào tháng 8 tới đây.

bk15-3fec9

Được biết, BKAV bán được 11.822 máy BPhone trong đợt mở bán đầu tiên. Dù vậy, những con số này là quá nhỏ bé so với 2,1 triệu máy Xiaomi bán được trong 12 giờ mở bán vào tháng 4 hay 10 triệu máy iPhone 6 / 6 Plus Apple bán được trong ba ngày cuối tuần mở bán đầu tiên. 

Tuy nhiên, BKAV nói doanh số cao không phải vấn đề tiên quyết. Họ cũng đề cao việc để lại những ấn tượng tốt. Nhưng doanh số cuối cùng cũng sẽ ảnh hưởng trong cuộc đua dài hạn.

"Thị trường toàn cầu là mục tiêu cuối cùng của chúng tôi, bạn thấy đấy, như những gì Apple hay Samsung đã làm. Nhưng nếu thị trường nội địa không khả quan, chúng tôi không có đủ những điều kiện cơ bản để đi tiếp. Do đó trong tương lai gần, chúng tôi phải thuyết phục người Việt tin sản phẩm của mình đã," ông Bạch Thành Lê khẳng định.

(Tham khảo: CNET)