"Yêu Miêu Truyện": Khi tình sử Đại Đường dưới lăng kính Trần Khải Ca gây tranh cãi lớn

Nguyên Khánh, Theo Trí Thức Trẻ 09:00 09/01/2018

Phim điện ảnh "Yêu Miêu Truyện" của đạo diễn Trần Khải Ca đã tạo nên vô số tranh cãi xoay quanh nội dung tác phẩm. Người thì khen ngợi không tiếc lời, người lại chê trách chẳng nương tay.

Vua Hán ước mơ người quốc sắc,

Bao năm tìm kiếm luống công toi.

Họ Dương có gái hoa đương nở,

Khoá kín buồng xuân, hận lẻ loi.

(Trích danh tác Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị, bản dịch Yã Hạc và Trịnh Nguyên)

Câu chuyện về nàng Dương Ngọc Hoàn, sủng phi của vua Đường Huyền Tông Lý Long Cơ từng khiến cho biết bao thi nhân, nhà văn phải tốn hao giấy bút. Cuốn tiểu thuyết Sa Môn Không Hải: Đại Đường Quỷ Yến do Yumemakura Baku chắp bút cũng lấy cảm hứng từ phận đời hồng nhan của một trong tứ đại mỹ nhân lịch sử Trung Hoa này. Đầu năm nay, đạo diễn gạo cội Trần Khải Ca lại tiếp tục chuyển thể tác phẩm ấn tượng trên lên màn ảnh rộng bằng ngôn ngữ điện ảnh với cái tên Yêu Miêu Truyện.

Yêu Miêu Truyện: Khi tình sử Đại Đường dưới lăng kính Trần Khải Ca gây tranh cãi lớn - Ảnh 1.

Phim nhanh chóng vấp phải nhiều ý kiến vô cùng trái ngược nhau giữa những nhóm đối tượng khán giả. Bài viết sẽ phân tích Yêu Miêu Truyện dưới góc độ đánh giá và cảm nhận qua ba khía cạnh: nội dung, hình ảnh, diễn xuất.

Ngày dạo sen vàng bay tóc mượt,

Đêm xuân trướng ấm ủ hoa đào.

Mặt trời lên vội, đêm xuân ngắn,

Từ đấy nhà vua nhãng thị trào.

Mùa hè năm 762, vua Lý Long Cơ bỗng dưng mắc căn bệnh lạ. Nhà sư Không Hải (Sometani Shota) được mời từ nước Oa sang cứu chữa cho ngài. Thế nhưng, khi vừa đến nơi thì nhà vua đột nhiên phát bệnh nặng rồi băng hà. Phát hiện yêu khí hiện diện nơi hoàng cung, Không Hải cùng quan thái sử Bạch Lạc Thiên (Hoàng Hiên) quyết định điều tra con yêu miêu đang gây xôn xao khắp thành Trường An mấy ngày gần đây. Lần theo dấu vết yêu miêu để lại, cả hai dần khám phá ra tấn bi kịch đau thương ẩn sau lớp vỏ hào nhoáng của một triều đại phồn thịnh.

Yêu Miêu Truyện: Khi tình sử Đại Đường dưới lăng kính Trần Khải Ca gây tranh cãi lớn - Ảnh 2.

Giới phê bình nhận định, kịch bản của Yêu Miêu Truyện gặp vấn đề rất lớn. Quá nhiều tình tiết phụ (story B) thừa thãi, hoàn toàn có thể loại bỏ khỏi phim mà không làm ảnh hưởng tới đường dây chính. Cách dẫn dắt lòng vòng, đầy ngẫu hứng nhưng thiếu sự tiết chế khiến khán giả cảm thấy rối rắm khi theo dõi. Yếu tố trinh thám, phiêu lưu hết sức mờ nhạt, chỉ được giải quyết qua loa bằng vài ba đoạn hội thoại lẫn hồi ức. Trong khi đó, số lượng nhân vật lại đông đảo hơn mức cần thiết, cặp nam chính càng về cuối càng bị lép vế thấy rõ.

Tuy nhiên, cũng xuất hiện luồng quan điểm phản biện rằng, Yêu Miêu Truyện đã chuyển thể khá thành công phần nội dung phức tạp từ nguyên tác tiểu thuyết. Những ai yêu thích lịch sử thời Đại Đường sẽ phải hét lên sung sướng bởi việc lồng ghép tinh tế hàng loạt sự kiện, nhân vật lịch sử có thật của tổ biên kịch vào nội dung của Yêu Miêu Truyện. Đơn cử như chuyến hành trình vượt biển sang Trung Quốc thỉnh giáo Mật Tông của Hoằng Pháp Đại Sư Không Hải, thiên tình sử giữa Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi, điển tích thi tiên Lý Bạch xuất thần phóng bút bộ ba Thanh Bình Điệu, quá trình Bạch Cư Dị sáng tạo nên kiệt tác Trường Hận Ca,... cùng rất nhiều chi tiết thú vị khác.

Yêu Miêu Truyện: Khi tình sử Đại Đường dưới lăng kính Trần Khải Ca gây tranh cãi lớn - Ảnh 3.

Ngoài ra, tổng thể Yêu Miêu Truyện không hề gắng sức giải quyết một vụ kỳ án đông tây kim cổ hay câu chuyện trừ yêu diệt ma đậm nét liêu trai. Kết hợp nhuần nhuyễn chính sử cùng dã sử bên cạnh màu sắc huyễn hoặc, bộ phim chỉ đơn thuần phơi bày lại dòng lịch sử với một góc nhìn khác, để người xem cảm thông cho phận đời nữ nhi hồng nhan đa truân, con cờ trong tay bậc đế vương thời kỳ phong kiến. Sau khi xem xong tác phẩm này, chắc hẳn mỗi cá nhân sẽ có cho mình những giá trị sâu lắng.

Ly Cung cao tít lồng mây biếc,

Tiên nhạc mê hồn vẳng bốn phương.

Sớm tối ca êm hoà múa dịu

Não nùng tơ trúc đắm quân vương.

Phải công tâm thừa nhận mức độ tâm huyết, kỳ công mà Trần Khải Ca chăm chút cho đứa con tinh thần ấp ủ suốt 6 năm trời. Một Đại Đường phồn thịnh, xa hoa bậc nhất được tái hiện rực rỡ hơn bao giờ hết. Khâu phục trang cùng phong tục tập quán, lề lối ứng xử của các nhân vật cũng đều mang đậm dấu ấn triều đại này. Những phân cảnh hoành tráng sử dụng góc quay toàn, rộng với hàng ngàn diễn viên quần chúng tham gia đủ sức làm đông đảo khán giả trầm trồ ngưỡng mộ.

Đáng tiếc, Trần Khải Ca vẫn chưa thể phục hồi phong độ đỉnh cao từng thấy ở Bá Vương Biệt Cơ, Vô Cực. Xét theo lăng kính chuyên môn, mảng hình ảnh, bối cảnh Yêu Miêu Truyện dẫu thoạt nhìn khá bắt mắt nhưng thực sự chẳng khác gì màn phô trương tốn kém, ngập ngụa màu sắc. Cụ thể, trường đoạn đại tiệc Cực Lạc Yến do Đường Huyền Tông dành tặng Dương Ngọc Hoàn, vốn được xem như cảnh đỉnh cao của tác phẩm, tuy cực kì ấn tượng về từng tiểu tiết nhỏ nhặt nhưng bất ổn, kém hài hòa về tổng thể.

Hơn nữa, yếu tố kì ảo bị lạm dụng quá đà khiến Cực Lạc Yến mất đi tính chân thực cần có, dù phim đã phần nào giải thích yếu tố tạo nên sự "không thật" ấy. Chưa hết, khung cảnh đại tiệc trên còn lặp đi lặp lại tới hai lần xuyên suốt 120 phút thời lượng tác phẩm. Vì vậy, chúng còn kém xa các thước phim, khung hình tuyệt đẹp được phối màu tinh tế, mang nặng dụng tính nghệ thuật và tác động mạnh tới thị giác như Trần Khải Ca từng làm trong Vô Cực.

Yêu Miêu Truyện: Khi tình sử Đại Đường dưới lăng kính Trần Khải Ca gây tranh cãi lớn - Ảnh 5.

Hoa tai bỏ đất, không người nhặt,

Trăm ngọc thoa vàng lả tả rơi.

Đứt ruột quân vương đành giấu mặt.

Ngoảnh nhìn máu chảy lệ ràn trôi.

Sau khi Yêu Miêu Truyện chính thức ra mắt, một số phản hồi tiêu cực nhắm vào năng lực diễn xuất của hai diễn viên: Sometani Shota với vai nhà sư Không Hải và mỹ nhân Trương Dung Dung - người đảm nhận ai Dương Quý Phi. Nếu Shota bị cho là cười bất chấp, cười vạn nẻo đường, trái ngược hẳn thần thái điềm nhiên, ung dung tại một người có căn tu hành, đón nhận tri thức đến ngưỡng giác ngộ cái không; thì Trương Dung Dung lại bị nhận xét là mặt đơ hệt tượng sáp. Bên cạnh đó, khán giả cũng cho rằng, vẻ đẹp lai tây của nữ diễn viên sinh năm 1987 không phù hợp với nhan sắc "tu hoa" (hoa chẳng dám nở vì thẹn) thuần nét Á Đông.

Phe đối lập thì phản đối rằng, nụ cười kì lạ của Hoằng Pháp Đại Sư Không Hải không hề đơn giản như mọi người nghĩ. Nó gọi là "tựa tiếu phi tiếu" (tưởng cười nhưng chẳng phải cười), vốn hàm chứa ý nghĩa thâm sâu. Còn màn lột xác về hình tượng tuyệt thế giai nhân Dương Quý Phi đã thổi làn gió mới mẻ, hiện đại vào những quy chuẩn cứng nhắc của dòng phim cổ trang. Trương Dung Dung thể hiện khá tốt vẻ kiêu sa, đài các lẫn khí chất bậc quý phi cùng nỗi niềm u uất, chất chứa nội tâm trước đại nạn binh biến tàn khốc.

Yêu Miêu Truyện: Khi tình sử Đại Đường dưới lăng kính Trần Khải Ca gây tranh cãi lớn - Ảnh 6.

Trên trời nguyện hoá chim liền cánh,

Dưới đất làm cây nhánh dính liền.

Trời đất lâu bền rồi sẽ tận,

Hận này muôn thuở vẫn miên miên.

Nhìn chung, đây chưa phải là một tác phẩm điện ảnh xứng tầm đẳng cấp như kỳ vọng. Sự tham lam, ôm đồm hàng đống tình tiết thừa thãi, chỉ chú trọng xây dựng đại cảnh mãn nhãn đã khiến Yêu Miêu Truyện phải trả giá đắt. May mắn thay, do sở hữu nội dung cuốn hút và đầy bất ngờ từ tiểu thuyết, Yêu Miêu Truyện vẫn xứng đáng để bạn thưởng thức qua một lần.