Yêu Man City thì làm sao phải học

Minh Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 19:19 29/11/2017

Cách Man City thống trị nước Anh khiến không ít người cảm thấy khó chịu và buông ra những lời mỉa mai. Tuy nhiên, tại sao chúng ta phải học khi mà yêu cái đẹp vốn là bản năng?

"Chúng ta phải học dần cách yêu Man City". Tựa đề bài viết trên tờ The Times sau khi Man xanh vùi dập Stoke tới 7-2 tạo ra nhiều tranh cãi. Đây là một lời khen hay mỉa mai? Có lẽ là mỉa mai khi tác giả viết rằng: "Một đội bóng được cấp 300 triệu bảng để mua những cầu thủ giỏi nhất và thuê HLV giỏi nhất cũng đáng yêu đó chứ".

Công bằng mà nói thì Man City xây ngai bằng tiền thật. Man xanh thậm chí còn được ví von như nhân vật Bat Man trong nhóm siêu anh hùng: Tài năng lớn nhất của tôi là… giàu.

Tuy nhiên, trong blog của mình, cây bút của tờ The Guardian, Barney Ronay vừa có bài viết như thể phản bác lại quan điểm của The Times trước đây, với nhan đề: "Tại sao chúng ta phải học cách yêu một vẻ đẹp". Ronay cho rằng, Chelsea và Man Utd cũng tiêu rất nhiều tiền, cũng không tiếc công thuê những HLV giỏi, nhưng Man City lại là đội bóng duy nhất mang được vẻ đẹp đích thực của bóng đá tới với người hâm mộ.

Yêu Man City thì làm sao phải học - Ảnh 1.

Trận đấu với Huddersfield mới đây chính là một ví dụ. Bất chấp vấp phải hàng thủ số đông của Huddersfield, Man City vẫn cố gắng tạo nên một trận cầu đẹp. Cựu danh thủ Jamie Redkanpp phân tích: "Trong giai đoạn Premier League đá với mật độ rất dày, mỗi khi các ông lớn gặp phải đối thủ khó đá dạng như Huddersfield, sẽ chọn lối chơi tiết kiệm sức nhất. Đó là bóng bổng".

"Tuy nhiên, Man City vẫn cố gắng thắng một cách có phong cách và tôi có thể khẳng định rằng cách đá của Man City tốn sức hơn rất nhiều. Vì các cầu thủ phải di chuyển đoạn ngắn nhiều, chuyển hướng liên tục, bứt tốc nhiều hơn so với lối đá bóng bổng đơn thuần. Tôi đánh giá cao tinh thần cống hiến của Man City".

Đó là điều biến Man City thành gã nhà giàu khác biệt so với những kẻ cũng đi vung tiền khác. Chelsea đã tiêu mất hơn 1 tỷ bảng của Roman Abramovich, nhưng sexy football mà Abra chờ đợi thì chưa đến. Nếu có cũng chỉ là 1 chút thoảng qua ở mùa giải 2009/10, mùa giải mà Chelsea giành ngôi vô địch một cách dứt khoát dưới bàn tay HLV Ancelotti với kỷ lục 103 bàn thắng sau 38 vòng.

Yêu Man City thì làm sao phải học - Ảnh 2.

Man Utd còn tệ hơn. Dù đã chi hàng trăm triệu bảng kể từ thời hậu Sir Alex để mua về rất nhiều ngôi sao có thể đá đẹp như Di Maria, Depay của quá khứ hay Paul Pogba, Martial của hiện tại, nhưng vẫn không tài nào xua tan đi cơn buồn ngủ của CĐV. Cả Chelsea và Man Utd đều bị áp lực thành tích khiến cho tinh thần cống hiến không có đất sinh sôi.

Trong khi đó, chúng ta cần nhớ lại rằng Pep Guardiola đã từng bị truyền thông Anh và chính người hâm mộ Man City chỉ trích dữ dội vì triết lý "đẹp nhưng không phù hợp". Pep đã cố gắng mặc cho Man xanh chiếc áo của Barcelona và bị gần như tất cả mọi người vào thời điểm đó chỉ trích.

Nhưng Pep kiên định và ông đã làm được. Cái giỏi của Pep Guardiola là ngoài mua những ngôi sao rất vừa vặn với triết lý của Man City, ông còn biến những cầu thủ trước đó từ trung bình thành siêu sao. Leryoy Sane và Raheem Sterling chính là những ví dụ điển hình. Sterling trước khi đến Man City chỉ là một cầu thủ dừng ở mức nhanh nhẹn, khéo léo. Nhưng Pep đã biến Sterling thành một ngôi sao lớn thật sự.

Yêu Man City thì làm sao phải học - Ảnh 3.

Trong bài viết của mình, Barney Ronay nhấn mạnh: Chiến thuật, kinh nghiệm của Pep Guardiola chỉ là thứ yếu. Quan trọng là tinh thần của ông. Pep đặt người hâm mộ làm đối tượng để phục vụ và tạo ra một sản phẩm hoàn hảo với tham vọng của fan: Một đội bóng vừa có thể tạo nên sự thích thú trong mỗi trận đấu và cũng là nhà vô địch của một giải đấu.

Nếu khi vòng 38 khép lại và thầy trò HLV Pep Guardiola đứng trên bục vinh quang, chúng ta hãy nhớ Man City của mùa bóng này. Không nhiều nhà vô địch có thể duy trì được cả tính thẩm mỹ lẫn hiệu quả trong suốt chặng đường dài như Man xanh đâu.

Vậy nên, trước một câu lạc bộ hoàn hảo như vậy thì cứ yêu thôi, làm sao mà phải học?