Ý tưởng thiết kế áo thực tế tăng cường (AR) đầu tiên tại Việt Nam, bán không cần lãi, chỉ hy vọng mở đầu xu hướng thời trang công nghệ

CN, Theo Trí Thức Trẻ 17:30 06/07/2020

Sở hữu những mẫu áo thực tế tăng cường (AR) độc đáo trên thị trường, Hustle Studio hóa ra còn nhiều câu chuyện thú vị ít ai biết.

Dưới sự phát triển như vũ bão của công nghệ, không khó để thấy những dấu vết thời đại 4.0 phảng phất trong mọi ngóc ngách nhỏ bé của cuộc sống. Một trong những khía cạnh rõ nét nhất ngày nay chính là lĩnh vực thời trang công nghệ, trải dài từ cả các mặt sản phẩm phần cứng cho tới ứng dụng phần mềm. Ở thời điểm hiện tại, hẳn nhiều người trong số chúng ta sẽ cảm thấy bất ngờ khi nghe về sức sáng tạo và đam mê khám phá, mở đường cho một dòng sản phẩm lạ lẫm kết hợp giữa trang phục và công nghệ thực tế tăng cường (AR) trong câu chuyện thú vị về Hustle Studio dưới đây.

Ý tưởng thiết kế áo thực tế tăng cường (AR) đầu tiên tại Việt Nam, bán không cần lãi, chỉ hy vọng mở đầu xu hướng thời trang công nghệ - Ảnh 1.

Giấc mơ về một "mạng lưới" thời trang công nghệ

Hustle Studio trực thuộc Hustle.CO - thương hiệu chuyên phát triển công nghệ, hiệu ứng phần mềm và đồ họa sáng tạo - được sáng lập bởi anh Minh Chiến, là một người có đam mê về cả công nghệ và nghệ thuật, từng tự học lập trình kiêm làm việc ở vị trí marketing. Từ đó Hustle Studio ra đời, tập trung nghiên cứu về công nghệ thực tế tăng cường (AR) để áp dụng vào các sản phẩm thời trang, nghệ thuật và truyền thông.  

Tiết lộ về tương lai của Hustle, anh Minh Chiến cho biết mình đang cố gắng mang tới một nền tảng hệ thống chung hỗ trợ hàng loạt thương hiệu để cùng lúc phát triển và mở rộng mạng lưới liên kết, đồng thời tạo nên một giá trị thời trang kiểu mới, xóa tan định kiến về thời trang nhanh hiện nay. 

"Hiện tại có rất nhiều group hình thành từ các bạn trẻ có chung sở thích và đam mê về thời trang, nhưng bọn anh muốn tạo ra một cộng đồng lớn hơn, mang tính bao hàm cả về thương hiệu lẫn người dùng. Mục tiêu khi đó sẽ chủ yếu hướng tới giá trị và tầm ảnh hưởng của thương hiệu, tạo ra thêm nhiều cơ hội kết nối cùng nhau. Từ đó, các sản phẩm sẽ được đặt trong một hệ sinh thái liên kết chặt chẽ hơn cả."

Được biết, ý tưởng về một "vũ trụ sản phẩm" này đã dần được thắp lửa từ cuối năm 2019. Khi đó, anh Minh Chiến cùng Huslte.Inc đã hợp tác cùng một số nhãn hiệu thời trang giới trẻ, triển khai một dự án mới. Sản phẩm của dự án sẽ không chỉ là một tấm áo quần mặc lên người cho đẹp, mà còn tích hợp thêm cả những nội dung như âm thanh, hình ảnh chuyển động gắn liền với công nghệ thực tế tăng cường (AR). Qua đó, anh muốn theo đuổi gửi gắm trải nghiệm độc đáo dành cho khách hàng, mang lại hơi thở mới cho xu hướng hiện tại - một sự kết hợp của thời trang và công nghệ.

Ứng dụng Hustle: Chìa khóa then chốt xuyên suốt ý tưởng

Để kích hoạt tính năng quét hình ảnh AR trên áo, mọi người sẽ cần tải về ứng dụng Hustle do chính team phát triển. Dự án "Loài Plastic" rầm rộ cách đây không lâu cũng là một chiến dịch lớn có công đóng góp của Huslte vào nền tảng AR đi kèm tại buổi triển lãm.  

Tại sao những tính năng công nghệ mới mẻ này không được đầu tư giới thiệu thẳng tới công chúng, mà phải dần dần thông qua những dự án và phiên bản ra mắt áo nhỏ lẻ? Thực chất, đây là cách anh Minh Chiến tận dụng để làm cầu nối hướng sự chú ý vào tiềm năng của Hustle Studio một cách chậm mà chắc, xóa tan sự bỡ ngỡ của thị trường đối với những ứng dụng và công nghệ chủ chốt của Hustle. 

Ý tưởng thiết kế áo thực tế tăng cường (AR) đầu tiên tại Việt Nam, bán không cần lãi, chỉ hy vọng mở đầu xu hướng thời trang công nghệ - Ảnh 3.

Còn gì quen thuộc hơn một chiếc áo được mặc đi làm, đi chơi hàng ngày giúp khách hàng hiểu rõ sự thú vị khi AR hiện hữu trong cuộc sống, thay vì bắt họ phải xem những giải thích bóng bẩy và cao siêu trên Internet? Dù đã được khá nhiều thương hiệu khác liên hệ và học tập, anh vẫn thừa nhận còn cả một chặng đường cam go phía trước để những sản phẩm áo AR có thể phủ sóng mạnh mẽ và trở thành một trào lưu bùng nổ.

"Hustle không đánh mạnh và phát triển một thương hiệu con một cách riêng rẽ về thời trang, bởi sẽ rất dễ bị cuốn vào guồng quay lợi nhuận và rơi vào con đường mòn mang tên 'fast fashion'." - chia sẻ về định hướng đằng sau các mẫu áo AR của Hustle Studio. "Anh muốn đem những nội dung và câu chuyện sâu sắc thổi hồn vào sản phẩm, kết hợp cùng chất xám từ các mảng khác trong hệ sinh thái của Hustle. Tới một lúc nào đó sức ảnh hưởng và quan tâm từ dư luận đủ nhiều, đó sẽ là thời điểm chín muồi để bước tiếp những giai đoạn nghiêm túc hơn."

Về ứng dụng Hustle, đây được coi là chìa khóa mở ra trải nghiệm độc đáo dành cho khách hàng mua sản phẩm thời trang của Hustle Studio, với tính năng nhận diện hình ảnh trên áo, trình chiếu hiệu ứng AR tương ứng, biến hóa sống động và bất ngờ trước mắt người mặc. Dù chưa sở hữu nhiều định dạng tương tác nhưng Hustle Studio đã thu hút được sự chú ý khá đông đảo thông qua các lần hợp tác với ca sỹ Kim Chi Sun (chế tạo thiệp postcard tương tác AR) và tài trợ công nghệ cho dự án Loài Plastic.

Tương tác AR trong triển lãm Loài Plastic

Postcard do Hustle Studio thực hiện cho event Kim Chi Sun

Tiềm năng của những sản phẩm AR đủ để khiến anh và cộng sự cảm thấy tự tin. Các số liệu khảo sát thị trường để lộ nhiều dấu hiệu khả quan ngay cả khi đó chưa phải phiên bản hoàn thiện cuối cùng. Từ đó, dự án xây dựng một local brand dựa trên công nghệ đặc biệt là AR được coi như một mũi tên mở đầu xu hướng, mỗi khách hàng dù ít hay nhiều cũng đều được Hustle trân trọng như một đại sứ thương hiệu thu nhỏ.

Nhiều người nghĩ rằng AR chỉ mới xuất hiện và được nhắc đến nhiều tại Việt Nam trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, nhưng thực chất nó đã gây được dấu ấn từ những năm 2010. Dù vậy, thời điểm ấy chịu nhiều sức ép và hạn chế về trình độ thiết bị cũng như định hướng phát triển; tới tận bây giờ mới có những dòng smartphone vừa nhỏ gọn, vừa mạnh mẽ đủ để phổ biến AR ngay trong tầm tay của bất kỳ một người dùng phổ thông nào.

"Kỹ thuật thường không dễ dàng đi liền với nghệ thuật ngay lập tức, có lẽ đó là điều gần như hiển nhiên và dễ thấy trong cuộc sống." Lý do này cũng thúc ép anh thành lập một đội ngũ đa dạng nhiều sở trường, tránh việc làm ra sản phẩm mang nặng tính máy móc mà thiếu sự tương hợp về văn hóa đại chúng. Bật mí thêm chút, anh Chiến còn hé lộ về một kế hoạch "mạng xã hội" cho cộng đồng sáng tạo, tạp chí online tích hợp công nghệ tương tác trực quan và làm game AR/VR trong tương lai.

Trang phục AR: Quá trình chế tác và tính năng nhận diện thông minh

Một thương hiệu thời trang may mặc phổ biến hiện nay chỉ cần quan tâm tới thiết kế, dáng áo, hình ảnh in áo rồi ra lò. Nhưng Hustle Studio thì khác, sẽ mất nhiều giai đoạn hơn để hoàn thành như lên concept ảnh, concept đồ họa AR tương thích (hiệu ứng, dựng kỹ xảo 2D/3D, thậm chí cả dựng phim rồi lập trình), nặng nề và áp lực hơn gấp 3 lần.

Vậy làm thế nào để ứng dụng hoạt động cùng camera có thể nhận biết được hình ảnh tĩnh in trên áo trước mặt, sau đó truyền tải ra hiệu ứng 3D chuyển động trên màn hình? Cụ thể, mọi thứ hoạt động dựa theo 2 nguyên tắc chính: (1) Computer Vision hoặc (2) AI - trí tuệ nhân tạoTrải nghiệm AR hoạt động dựa trên nhận diện hình ảnh (computer vision) giúp cho camera có thể nhận ra đánh dấu và hiên thị thông tin. Đặc biệt với sự phát triển của công nghệ AI – deep learing, công nghệ AR có thể phát triển mạnh hơn tăng cường nhận biết hình ảnh và xử lý dữ liệu tạo ra những Trải nghiệm AR đặc biệt có độ chân thực cao.

Hiệu ứng AR khi quét lên áo Hustle Studio

Facebook và Instagram cũng được biết đến với tính năng quét hiệu ứng AR trên camera ứng dụng. Dù vậy, chúng bắt buộc phải có một mã vạch "QR code" làm nền bên cạnh để phân biệt; trong khi đó, camera trong app Hustle có thể nhận biết trực tiếp qua hình ảnh in trên áo mà không cần qua một mã QR nào.

Bán áo gần như không lợi nhuận, chăm sóc khách hàng là trên hết

Ngay từ khi bắt đầu ra mắt những sản phẩm đầu tiên, Hustle đã nhận đc sự quan tâm của khách hàng đến từ quốc tế như Mỹ, Singapore, Đức và Nhật BảnMột ví dụ trực quan là việc Vetements - một tên tuổi thời trang nổi bật tại Pháp - cũng đã áp dụng AR vào các mẫu áp hoodie của mình, thu hút sự chú ý của các tín đồ hypebeast vào giữa năm 2018.

Tuy nhiên, mức giá của một sản phẩm phông thông thường tại một thương hiệu quốc tế như Vetements rơi vào mức 250 USD, nếu tích hợp thiết kế tương thích AR có thể lên tới 480 USD. Điều này vô tình biến thành lợi thế lớn dành cho Hustle bởi giá thành niêm yết cực kỳ cạnh tranh, một sản phẩm làm ra chỉ có giá 20-30 USD, vẫn được đầu tư kỹ càng về hiệu ứng công nghệ, chất lượng. "Số tiền trên có thể vẫn chưa thực sự rẻ trong suy nghĩ của nhiều người Việt, nhưng giá trị cốt lõi mà sản phẩm đem lại cho người mặc thực sự xứng đáng hơn con số lý thuyết này nhiều," trích lời anh. 

Ý tưởng thiết kế áo thực tế tăng cường (AR) đầu tiên tại Việt Nam, bán không cần lãi, chỉ hy vọng mở đầu xu hướng thời trang công nghệ - Ảnh 7.

Mẫu áo AR của Vetements được giới thiệu vào năm 2018.

Một số mẫu áo AR của Hustle Studio.

Ngoài Hustle.Inc, không ít đội ngũ tổ chức xây dựng và phát triển công nghệ AR, nhưng riêng Hustle, việc phát triển công nghệ sẽ đi đôi với xây dựng nội dung chất lượng và hướng tới cộng đồng là ưu tiên trên hết"Mình tin rằng Công nghệ cần đi kèm với những giá trị thực tiễn để đóng góp giá trị trước, lợi nhuận mà Hustle hướng tới chính là thành quả từ những đóng góp ban đầu trở về."

Nhìn chung, các rủi ro trên cũng đã được anh Chiến dự trù trước để sắp xếp công việc và kế hoạch đón đầu. Điều đặc biệt nằm ở chỗ Hustle Studio không hề đầu tư mạnh về quảng cáo sản phẩm, mà cho rằng kênh truyền thông tốt nhất nằm ở sự công nhận chất lượng từ khách hàng, hoặc sẵn sàng tham gia tài trợ công nghệ cho những dự án cộng đồng về AR.