Xót xa cảnh phụ nữ Ấn Độ bị ép thực hiện những việc hết sức nguy hiểm nhằm loại bỏ kinh nguyệt để không phải nghỉ làm nữa

J.D, Theo Helino 19:50 11/07/2019

Vì miếng cơm manh áo, họ phải làm mọi cách để hạn chế kinh nguyệt, thậm chí là cắt bỏ tử cung của mình.

Thời gian gần đây, truyền thông thế giới xuất hiện 2 bản tin khiến nhiều người phải rùng mình xót xa về những người phụ nữ sống tại Ấn Độ. Câu chuyện liên quan đến sức khỏe sinh sản của họ, và về thực tế thiếu đi sự bảo vệ dành cho phụ nữ thuộc tầng lớp lao động tại quốc gia này.

Xót xa cảnh phụ nữ Ấn Độ bị ép thực hiện những việc hết sức nguy hiểm nhằm loại bỏ kinh nguyệt để không phải nghỉ làm nữa - Ảnh 1.

Bài viết đầu tiên được đăng tải trên BBC News, trong đó nêu ra thực tế rằng những người phụ nữ nghèo làm trong ngành sản xuất đường tại bang Maharashtra đang bị "khuyến khích" nên cắt tử cung để loại bỏ hoàn toàn kinh nguyệt, nhằm tránh trường hợp phải nghỉ làm trong những thời kỳ "nhạy cảm" của người phụ nữ.

Theo thống kê tại một quận của bang này, có khoảng 4605 ca phẫu thuật cắt bỏ tử cung được thực hiện, trong đó hầu hết dành cho phụ nữ dưới 40 tuổi. Thậm chí có trường hợp mới chỉ 20 xuân xanh.

Kinh nguyệt vốn là một hiện tượng hết sức bình thường của người phụ nữ, nên việc cắt bỏ tử cung là hoàn toàn không cần thiết, lại mang đến rất nhiều rủi ro. Nhiều trường hợp đã bị biến chứng sau phẫu thuật: đau khớp, đau cơ, tứ chi sưng phồng, chóng mặt thường xuyên...

Xót xa cảnh phụ nữ Ấn Độ bị ép thực hiện những việc hết sức nguy hiểm nhằm loại bỏ kinh nguyệt để không phải nghỉ làm nữa - Ảnh 2.

Bài viết thứ 2 được đăng tải trên Reuters, trong đó tiết lộ một thực tế kinh khủng hơn liên quan đến ngành công nghiệp dệt may trị giá hàng tỉ dollar tại Tamil Nadu - một vùng đất phía Nam Ấn Độ. Được biết, vùng Tamil Nadu có khoảng 300.000 công nhân nữ, thậm chí là cao hơn vì có vài ngàn người đang làm việc mà không có sự kiểm soát của chính phủ. Các cô gái trẻ làm việc ở đây để kiếm tiền hồi môn đủ để lấy chồng - một hành vi đã bị lên án kịch liệt tại Ấn Độ.

Công nhân nữ làm việc ở đây không hề được nghỉ ngơi mỗi lần cảm thấy đau đớn khi đến kỳ, mà chỉ được phát cho một viên thuốc. Không nhãn mác nên chẳng ai biết đó là thuốc gì. Chỉ biết rằng khi được đưa ra phân tích, các bác sĩ cho biết đó là loại thuốc có tác dụng làm giảm bớt cơn đau của kỳ kinh, nhưng để lại nhiều tác dụng phụ kinh khủng hơn nếu sử dụng thường xuyên.

Theo báo cáo của Quỹ Thompson Reuter, họ đã phỏng vấn hơn 100 người - hầu hết trong độ tuổi 15 - 25. Kết quả cho thấy loại thuốc này gây chóng mặt, buồn nôn, khiến kinh nguyệt trở nên thất thường, gây trầm cảm và làm khả năng thụ thai trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, họ vẫn buộc phải uống thuốc, bởi cuộc sống bị các ông chủ kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt. Thậm chí, có người đã mắc u xơ tử cung vì làm việc quá sức và uống loại thuốc này quá nhiều.

Xót xa cảnh phụ nữ Ấn Độ bị ép thực hiện những việc hết sức nguy hiểm nhằm loại bỏ kinh nguyệt để không phải nghỉ làm nữa - Ảnh 3.

Kinh nguyệt từ lâu đã là vấn đề cấm kỵ ở Ấn Độ

Được biết, kinh nguyệt từ lâu đã là một vấn đề bị xem là "cấm kỵ" ở Ấn Độ. Phụ nữ đang có kinh ngày xưa luôn bị xem là bẩn thỉu, ô uế, không được phép tham gia các sự kiện văn hóa và tôn giáo. Sau này dù đã có nhiều chiến dịch giúp phổ biến kiến thức về kinh nguyệt, nhưng định kiến về nó vẫn còn đó, và khiến cho nhiều phụ nữ xuất thân nghèo khó chẳng còn lựa chọn nào khác.

Vấn đề không chỉ giới hạn ở Ấn Độ

Định kiến về kinh nguyệt tưởng chừng chỉ xuất hiện ở những đất nước còn nghèo. Tuy nhiên ngay cả ở những quốc gia giàu có phương Tây, câu chuyện này cũng không khá khẩm gì hơn.

Xót xa cảnh phụ nữ Ấn Độ bị ép thực hiện những việc hết sức nguy hiểm nhằm loại bỏ kinh nguyệt để không phải nghỉ làm nữa - Ảnh 4.

Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí British Medical, được thực hiện trên 33.000 phụ nữ tại Hà Lan - quốc gia nằm trong top 5 nơi hạnh phúc nhất thế giới, thì phụ nữ ở đây trung bình mất khoảng 8,5 ngày làm việc mỗi năm vì các vấn đề liên quan đến kinh nguyệt. Tuy nhiên, chỉ 14% phụ nữ nghỉ làm, và ngay cả khi muốn nghỉ thì cũng chỉ 21% đề đạt lý do là "đến kỳ" lên cho các sếp thôi.

Tham khảo: IFl Science, BBC, Reuters...