Xin đừng nhìn Hội An qua khung cửa: Liệu chúng ta có đang bất công với vùng đất dễ thương này?

Nhật Chung, Theo Helino 22:45 14/03/2019

Hội An với người Việt mình là để ngắm rồi yêu, chứ chưa phải để trải nghiệm mà vương vấn rồi say mê.

Chẳng hiểu từ khi nào mà Hội An đã trở thành điểm đến quen thuộc của giới trẻ Việt nói riêng lẫn hàng triệu khách du lịch nói chung. Vui đi Hội An, buồn đi Hội An. Bận thì 1 năm đi 1 lần, còn không thì năm nào cũng ghé qua 2, 3 lần như đi thăm một người bạn cũ. 

Xin đừng nhìn Hội An qua khung cửa: Liệu chúng ta có đang bất công với vùng đất dễ thương này? - Ảnh 1.

(Ảnh: Huỳnh Tấn Hậu/ Unsplash)

Nhưng bên cạnh những người say đắm cái vẻ đẹp bình dị, dịu dàng của Hội An thì cũng không ít người cho rằng vùng đất này đang ngày càng du lịch hoá, thương mại hoá và dần mất đi những giá trị cốt lõi từ ngày đầu được biết đến. Anh chàng Nguyễn Đặng Hoàng Trung (nickname là Tô) - một người có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong lĩnh vực du lịch & dịch vụ cư trú mới đây đã có một bài viết mang tên "Xin đừng nhìn Hội An qua khung cửa" để nói về chủ đề này. 

Xin đừng nhìn Hội An qua khung cửa: Liệu chúng ta có đang bất công với vùng đất dễ thương này? - Ảnh 2.

Hoàng Trung - chủ nhân bài viết "Xin đừng nhìn Hội An qua khung cửa".

Bằng góc nhìn và cảm nhận của một người yêu Hội An, Tô đã có những chia sẻ gần gũi, hợp tình hợp lý, đồng thời cho thấy được hình ảnh hoàn toàn khác của vùng đất tưởng chừng đã quá thân quen này. Cùng đọc để hiểu, để yêu và để tìm thấy cho mình những khía cạnh mới lạ về Hội An nhé! 


Xin đừng nhìn Hội An qua khung cửa.

"Anh Tô, em ghét Hội An kinh khủng khiếp. Bán hàng thì đắt, chảnh chẹ, đuổi khách. Khách chụp hình trước tiệm thì không cho. Em vừa vào quán, đồ ăn vừa ra, bà chủ giục ăn xong chưa để người khác vào ăn, bọn em tính tiền đi về luôn". 

Xin đừng nhìn Hội An qua khung cửa: Liệu chúng ta có đang bất công với vùng đất dễ thương này? - Ảnh 4.

(Ảnh: Huỳnh Tấn Hậu)

Mình không phải lần này là lần đầu đến Hội An. Mình đến đây cũng trên dưới 5 lần nhưng đến bây giờ, ở lại nơi đây hơn một tuần, chu du khắp nơi tại nơi này, mình nhận ra là 5 lần trước chỉ là ngắm nhìn Hội An qua khung cửa sổ mà thôi. Dù bàn chân của mình có đặt trên Phố Hội, tay có chạm vào những vết chạm khắc, mũi có ngửi thấy hương trầm, tai có nghe tiếng leng keng xe đạp,...

Nhìn lại một "công thức chung" của chúng ta đến Hội An: tầm 4h chiều công ty du lịch hay ta tự đi xe máy từ Đà Nẵng về Hội An, ngay phố đi bộ, gửi xe và thả bộ dọc các con đường Nguyễn Huệ, Trần Phú, Lê Lợi,... rồi ngắm nhìn lồng đèn, đói bụng thì gặp quán nào tấp vào ăn quán đó, khát thì ăn chè, vui hơn là ra đường Bạch Đằng ngắm thả đèn Hoa Đăng. 8h tối ta lại lũ lượt kéo về Đà Nẵng để "cho kịp" nghỉ ngơi.

Hội An với người Việt mình là ngắm rồi yêu, chứ chưa phải để trải nghiệm mà vương vấn rồi say mê.

Xin đừng nhìn Hội An qua khung cửa: Liệu chúng ta có đang bất công với vùng đất dễ thương này? - Ảnh 5.
Xin đừng nhìn Hội An qua khung cửa: Liệu chúng ta có đang bất công với vùng đất dễ thương này? - Ảnh 6.

Chú Cừ - người nắm giữ nhiều quyển sách cổ thuộc nhiều thứ tiếng khác nhau. Đồng thời là chủ của hiệu sách cổ nhất Hội An.

Ít ai ở lại, chờ đến khi phố cổ tối đèn để có thể nghe ngóng sự tĩnh mịch nơi đây. Ít ai ngủ lại để sáng hôm sau bình yên đạp xe dọc đường Nguyễn Du, Phan Bội Châu và tận hưởng sự mát mẻ dễ chịu trong lành của sông Thu Bồn. Ít ai chịu lấy chiếc xe máy chạy xa hơn khu đi bộ để ăn món Cao Lầu, ăn món thịt nướng ngon hơn, uống một chai bia lạnh hơn mà còn ngắm nhìn cả Hội An từ trên cao.

Xin đừng nhìn Hội An qua khung cửa: Liệu chúng ta có đang bất công với vùng đất dễ thương này? - Ảnh 7.

(Ảnh: Rafael Fabricio)

Đứa em mới quen hỏi mình "từ Sài Gòn ra đây lập nghiệp hỉ?". Mình ừa. Em bảo ngộ hỉ, dân Hội An thì đi đâu hết để người miền khác về đây lập nghiệp, ngay cả trên phố đi bộ, những căn nhà đấy toàn cho thuê lại, vài căn thì còn có chủ ở. Vậy ra, những người ta tiếp xúc trên phố chưa chắc là người Hội An nhỉ? 

Xin đừng nhìn Hội An qua khung cửa: Liệu chúng ta có đang bất công với vùng đất dễ thương này? - Ảnh 8.

(Ảnh: Vy Trần)

Người Hội An mình gặp, hỏi một điều người ta chỉ mười điều. Hỏi chỗ này ở đâu người ta dắt chiếc Honda dẫn mình đi. Người Hội An mình gặp, cho mình 4 quả trứng vịt lộn cuối cùng trong rổ để dọn hàng cho sớm. Người Hội An mình gặp là cô chủ nhà cho thuê: khi nào mấy đứa vào kinh doanh cô mới bắt đầu tính tiền, còn không thì cô chưa tính tiền, bây giờ đã qua tháng thứ tư. Người Hội An mình gặp là ông Cừ cho sách, đàm đạo về sách; là ông hàng xóm tốt bụng hay qua trông nhà dùm, là bà bán cà phê ghi sổ mốt tính, là anh cho thuê xe trả lại tiền vá lốp xe mà cười hì hì: anh xui nhưng để em trả phí choa.

Ai muốn tận hưởng nếp sống chậm, chân thật thì hãy về Hội An. 11h nghỉ trưa (đồng loạt), 2h bắt đầu làm, 4h rưỡi nghỉ.

Từ thợ thầy nhà mình, tới ông bán cây, tới người vẽ quảng cáo, tới ông thợ cắt tóc. Nghỉ hỉ, mai quai lợi hỉ. Rồi 5h thì thấy mấy ông bô bà mẹ ẵm con qua nhà hàng xóm khoe con, đút nó ăn cơm, rồi bàn chuyện dạy con. Ông sửa xe, bà tạp hoá bỏ quán trổng không đi mua đồ là chuyện bình thường. Chả thèm nghĩ có trộm cắp, khách có chờ đợi hay không. 9h thì xuống đèn mà đi ngủ.

Xin đừng nhìn Hội An qua khung cửa: Liệu chúng ta có đang bất công với vùng đất dễ thương này? - Ảnh 9.

Bộ sưu tập đồng hồ cổ và cũ trong một ngôi nhà cổ ở ngoại ô Hội An mà mình "săn lùng" được. (Ảnh: Hoàng Trung)

Một tuần sống nơi đây nên chưa dám nói trước điều gì. Chỉ thấy là hơi uổng phí những lần trước kia mình đã ko bỏ thời gian nhiều hơn tại nơi đây để cảm nhận sớm hơn. Đã yêu sẽ say đắm hơn. Giống như ai đến Sài Gòn loay hoay ở khu chợ Bến Thành, phố đi bộ rồi đánh giá Sài Gòn chặt chém, không hiếu khách, xa hoa chả có gì ngoài trà sữa, thì mình cũng buồn chứ bộ, đúng không?