Xin chào! Tôi là rươi đây nhưng ngoài những lúc trên bàn nhậu, các ông đã biết gì về tôi chưa?

Oct, Theo Helino 23:01 08/11/2018

Rươi tôi, dù lòng đau như cắt, vẫn phải công nhận rằng mình là một món ăn cực ngon.

Xin chào! Tôi chính là rươi đây!

Hỏi một tí này: Mấy ông đã ăn chả rươi bao giờ chưa? Nếu chưa, các ông quả là đã bỏ phí một món đặc sản trên cõi đời này rồi. Vì dù cái món ấy được làm từ từng khúc thịt của mình, thì tôi cũng vẫn phải công nhận rằng nó ngon đến tuyệt hảo. Bùi bùi, béo béo, lại còn giàu dưỡng chất nữa chứ.

Chỉ là ngoài những lúc thưởng thức cái xác rươi này bên bàn nhậu, mấy ông có biết gì về tôi không? Không biết cũng chẳng sao, vì hôm nay tôi sẽ lên sóng để phổ cập kiến thức cho mấy ông đây.

1. Nhìn thấy mặt thật của tôi, nhiều ông cũng chẳng dám ăn

Nhìn trên đĩa thì ngon lành bổ béo lắm, nhưng cũng nhiều người không biết món chả rươi ấy thực chất là gì, hay rươi tôi trông hình hài như thế nào.

Xin chào! Tôi là rươi đây nhưng ngoài những lúc trên bàn nhậu, các ông đã biết gì về tôi chưa? - Ảnh 1.

Thực chất thì cái rươi của tôi được dùng chung cho một nhóm giun biển nhiều chân và lắm lông, gồm hơn 500 loài lận cơ. Ở Việt Nam, tên đầy đủ của tôi là "rươi biển", nhưng người ta gọi tắt là rươi thôi.

2. Gọi là giun nhưng không giống giun, chúng tôi dựng vợ gả chồng hẳn hoi

Rươi tôi chỉ giống lũ giun khác ở vẻ ngoài. Còn bên trong, chúng tôi có nhiều điểm khác nhau. Trong đó khác biệt lớn nhất là câu chuyện lứa đôi.

Xin chào! Tôi là rươi đây nhưng ngoài những lúc trên bàn nhậu, các ông đã biết gì về tôi chưa? - Ảnh 2.

Với giun thường, chúng có thể nhân giống bằng cách phân thân - hay các ông còn gọi là sinh sản vô tính đó. Còn nhà rươi, chúng tôi phải có rươi đực và rươi cái thì mới ra được thế hệ sau. Chi tiết về quá trình này, tôi sẽ chia sẻ thêm ở phần tiếp theo.

3. Các ông không thực sự ăn được tôi đâu

Nói chính xác hơn về cách nhà rươi chúng tôi sinh sản, thì đó là sự kết hợp giữa vô tính và hữu tính. Đến mùa sinh nở, mẹ chúng tôi - một bà rươi cái vĩ đại sẽ tự cắt cơ thể, "phân thân" thành nhiều con rươi khác nhau. Những cá thể này sẽ tự tái sinh đầu, đuôi và chân, nhưng thứ chúng chứa bên thì khác. Con thì chứa tinh trùng, con thì chứa trứng, và tính đực cái cũng theo đó mà phân ra.

Xin chào! Tôi là rươi đây nhưng ngoài những lúc trên bàn nhậu, các ông đã biết gì về tôi chưa? - Ảnh 3.

Nhà rươi cũng không có đời sống vợ chồng thực sự. Những phân thân của mẹ sẽ giải phóng trứng và tinh trùng vào nước, kết hợp với nhau để sinh ra thế hệ tiếp theo - chính là tôi và các 500 anh em rươi khác. Ấu trùng phát triển sẽ có cơ thể giống mẹ, chìm dần xuống và định cư luôn ở đáy, đợi mùa sau để nổi lên và lại "phân thân" giống mẹ.

Câu chuyện ở đây là lũ rươi loài người các ông vớt được không phải là rươi hoàn chỉnh, mà chỉ là hệ sinh sản của mẹ thôi. Dù chúng hoàn toàn giống mẹ - có cả chân và não - nhưng sẽ nhanh chóng chết đi sau khi giải phóng trứng và tinh trùng.

4. Ăn tôi ngon đấy, nhưng phải cẩn thận xem mình có hợp không 

Phải công nhận rằng thịt tôi rất ngon lại bổ dưỡng. Nhưng vì là một con rươi thông thái nên tôi cũng tiết lộ cho các ông điều này: sự bổ dưỡng này không phải ai cũng hấp thụ được.

Xin chào! Tôi là rươi đây nhưng ngoài những lúc trên bàn nhậu, các ông đã biết gì về tôi chưa? - Ảnh 4.

Lượng đạm trong thịt của nhà rươi tôi rất cao, nhưng khác với thịt trâu bò lợn gà trên bờ, nó rất dễ gây dị ứng. Nếu không ăn hợp, các ông có thể mang họa vào người đấy. Nhẹ thì nổi mẩn, khó tiêu, nặng thì dị ứng khó thở.

Tham khảo: National Geographic