Xem "12 Angry Men" để thấy đỉnh cao của những “người phán xử” 60 năm trước như thế nào

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 18:10 28/06/2017

Dù ra đời cách đây đã 6 thập kỷ, nhưng “12 Angry Men” vẫn là tác phẩm mẫu mực đại diện cho dòng phim xử án.

Tự sản xuất và kiêm vai chính trong 12 Angry Men năm 1957, ngôi sao Henry Fonda lừng lẫy Hollywood thời đó đã chấp nhận việc lương bị chậm trễ do kinh phí làm phim eo hẹp. Nhưng bất kỳ khi nào được hỏi tốp ba bộ phim hay nhất mình từng làm, chắc chắn câu chuyện trong phòng xử án sẽ nằm trong danh sách của Fonda.

Xem 12 Angry Men để thấy đỉnh cao của những “người phán xử” 60 năm trước như thế nào - Ảnh 1.

Với hình thức là một bộ phim xử án, 12 Angry Men được lấy bối cảnh trong một căn phòng chật hẹp tại thành phố lớn nào đó quanh nước Mỹ tại một ngày "nóng nhất trong năm". 12 bồi thẩm viên tụ tập xung quanh chiếc bàn, với một vụ án tưởng chừng rõ mười mươi về cậu bé nghi giết cha cho tới khi một người duy nhất dám nêu lên sự hoài nghi của mình.

Hầu hết mọi sự kiện đều xảy ra trong căn phòng chật hẹp (thậm chí vì lí do kinh phí mà ánh sáng còn phải tiết chế), chỉ 3 phút ngắn ngủi là ngoại cảnh bao gồm hành lang và cảnh phòng xét xử. Mọi nhân chứng và chứng cứ chĩa mũi dùi vào bị cáo, một đứa trẻ khu ổ chuột hư đốn và bất hạnh. Gần như tất cả mọi người ngay cả thẩm phán cũng không có lí do gì để không tin thằng bé là thủ phạm. Đến cuối phim, người ta vẫn không biết liệu đâu mới là sự thật.

12 Angry Men không phải được sinh ra với mục đích đó. Bộ phim không bao giờ nói rõ liệu bị đơn có tội hay vô tội. Tác phẩm thay vào đó trả lời cho câu hỏi, liệu bồi thẩm đoàn có lí do hợp lý để nghi ngờ về tội lỗi của đứa trẻ hay không. Đồng thời, chân dung của hệ thống hành pháp Mỹ được ngấm ngầm khắc họa trong phim một cách khéo léo.

12 bồi thẩm viên là 12 con người chưa bao giờ được hé lộ tên tuổi (trừ hai bồi thẩm số 8 và số 9) bị nhồi nhét vào trong một căn phòng bởi một thẩm phán lạnh lùng – người có vẻ như cũng đồng tình với phán quyết "thằng nhỏ" có tội. Họ được đánh số và sẽ quyết định xem cậu bé có tội hay không. Vấn đề là nếu không đạt được đủ sự đồng thuận từ cả 12 người, sẽ không có kết luận cuối cùng.

11 người trong đó mong đợi về một phán quyết nhanh chóng để còn đi về, cho tới khi máy quay chiếu thẳng vào bồi thẩm viên số 8 (Henry Fonda). Đó là người sẽ dẫn dắt câu chuyện, đứng mũi chịu sào trong suốt hơn một tiếng đồng hồ về những gì anh ta sắp nói ra.

Xem 12 Angry Men để thấy đỉnh cao của những “người phán xử” 60 năm trước như thế nào - Ảnh 2.

Có một nghịch lý được đặt ra, đó là trong khi chế độ dân chủ hoạt động tốt hơn nếu mọi người đều có tiếng nói, thì tính xác thực của nó trong trường hợp đặc biệt như một vụ án mạng xảy ra lại là một dấu hỏi.

Giống như câu nói được nhắc đi nhắc lại trong phim "có quá nhiều điều nghi vấn", vụ án tưởng chừng rõ trắng đen sau một hồi tranh luận lại "lòi" ra đến là lắm biến số từ con người. Hai nhân chứng đã cung cấp lời khai rõ ràng đến từng chi tiết hóa ra cũng chẳng đáng tin cho lắm, còn tang vật là con dao cuối cùng cũng bị bồi thẩm viên đặt ra nghi ngờ về tính xác thực.

12 Angry Men xảy ra trong thời kỳ trước khi giám định pháp y và phân tích ADN trở thành công cụ đắc lực để phá án. Lúc này, ranh giới giữa có tội và vô tội được cân đo bởi trái tim và lí trí của những người phán xử. Những chứng cứ pháp lý rõ ràng đến đâu thì đủ để kết luận về tội trạng một con người?

Lập luận của bồi thẩm viên số 8 là: "Có thể cuối cùng thì thằng bé vẫn là hung thủ, nhưng liệu có khả năng nào nó là kẻ vô tội hay không?". Logic này thách thức quan điểm của 11 người kia, bởi họ hoàn toàn tin tưởng vào điều mình thấy. Thế nhưng chính sự "nghi ngờ có cơ sở" này là thứ giữ con người có trách nhiệm hành xử công bằng và cũng là yếu tố hay bị bỏ qua trong các buồng xử án.

Xem 12 Angry Men để thấy đỉnh cao của những “người phán xử” 60 năm trước như thế nào - Ảnh 3.

Dựa trên một chương trình truyền hình của Reginald Rose, chính Rose sau đó cùng với nam diễn viên Henry Fonda đã bỏ tiền túi để đồng sản xuất 12 Angry Men và mời Sidney Lumet làm đạo diễn. Quanh chiếc bàn nhỏ là 3 chủ nhân của Oscar (Henry Fonda, Martin Balsam và Ed Begley); và hai chủ nhân đề cử Oscar (Jack Warden và Lee J. Cobb).

Ngoài ngôi sao chính là Fonda – con người dám bảo vệ cho sự "không chắc chắn" của mình và đưa ra những lập luận có tính đối kháng thì 11 diễn viên còn lại cũng là những tài năng tại New York bấy giờ. Họ cười nói, hút thuốc, đùa cợt, chửi thề, nằm dài ra bàn, đổ mồ hôi, và họ cáu điên lên.

Xem 12 Angry Men để thấy đỉnh cao của những “người phán xử” 60 năm trước như thế nào - Ảnh 4.

Nghệ thuật quay phim cũng là điều cần được nói đến trong 12 Angry Men. Đoạn đầu phim, Lumet sử dụng các camera với ống kính góc rộng, tiêu cự dài và đặt trên tầm mắt để khiến khoảng cách giữa các nhân vật trông như xa hơn. Càng về sau, camera càng trượt xuống bằng ngang điểm nhìn và đến cuối phim thì các cảnh đều được quay ở dưới tầm mắt, cận cảnh, sử dụng ống kính tele khiến khán giả choáng váng như những người mắc chứng sợ không gian hẹp. Đặc biệt cảnh cuối cùng sử dụng ống kính góc rộng, để "cuối cùng cũng khiến chúng ta thở hắt ra".

Để nói về nghệ thuật quay phim trong 12 Angry Men có lẽ cần cả một quyển sách giáo khoa (Lumet đã viết cuốn Making Movies được giới làm phim coi như báu vật). Theo nhà phê bình Roger Ebert, là một bậc thầy sử dụng máy quay, Sidney Lumet đã không chỉ tạo nên bầu không khí căng thẳng trong một căn phòng bình thường mà còn xây dựng cả tâm lý nhân vật bằng cách thay đổi góc máy.

Ví dụ như nhân vật bồi thẩm viên số 9 (Joseph Sweeney) người được Lumet tập trung quay chính diện bởi đây là nhân vật luôn im lặng lắng nghe và quan sát mọi người rồi mới đưa ra những kết luận chắc chắn dựa trên những điều nghe được.

12 Angry Men xứng đáng là đỉnh cao của dòng phim xử án, với sự tối giản trong bối cảnh nhưng giàu có trong sự tương tác giữa các nhân vật. Phim là câu chuyện những người đàn ông trung lưu Mỹ làm gì khi họ là những "người phán xử", nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm với sự thật và công bằng.