Vào khoa cấp cứu, thấy “ớn lạnh” vì tai nạn ngày tết

Lao động, Theo 13:02 12/02/2016

Theo thông lệ, trong những ngày nghỉ lễ kéo dài, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm tại các bệnh viện lại tăng cao. Khoa Cấp cứu trở thành nơi “đầu sóng ngọn gió” trong những ngày này.

Thời điểm lẽ ra được ở bên gia đình nhưng các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế luôn bận rộn làm việc không lúc nào ngơi tay để giành giật sự sống cho những trường hợp cấp cứu.

Vào khoa cấp cứu, thấy “ớn lạnh” vì tai nạn ngày tết - Ảnh 1.

  Bác sĩ khám cho một bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông (Ảnh Minh Quân)

Chiều mùng 4 tết, trong khi dòng người đi du xuân vẫn còn tấp nập trên các nẻo đường thì tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), các bác sĩ, điều dưỡng đang nỗ lực cấp cứu, điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân. Và cứ khoảng 10-20 phút lại có thêm một chiếc xe cấp cứu đậu trước khoa, không ít bệnh nhân nằm trên cáng, đưa vào khoa trong tình trạng bê bết máu. Chứng kiến các trường hợp tai nạn thừa chết thiếu sống được đưa vào khoa cấp cứu tại các bệnh viện, mới thấy "ớn lạnh" với các vụ tai nạn được đưa vào nơi này.

Đã hơn một giờ đồng hồ nhập viện, con trai bà Hoàng Thị Thu Hương (ngụ ở tỉnh Phú Yên) vẫn nằm bất động trên giường bệnh. Bà Hương nhìn con, khóc hết nước mắt: “Chừ chỉ còn biết phó thác tính mạng thằng Việt vô các bác sĩ thôi. Đau lòng quá con ơi!”. Bà cho biết, con trai bà - anh P.V.Việt bị tai nạn vào đêm mùng 2 tết khi đang trên đường đi chúc tết. Cũng do “chén rượu xuân” nên không làm chủ được tay lái và tự ngã xuống đường. Anh được đưa đến Bệnh viện địa phương, nhưng do bị thương quá nặng, các bác sĩ chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên cấp cứu. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ cho biết, anh Việt bị chấn thương sọ não, tiên lượng không tốt và đang được theo dõi hết sức sát sao: “Tôi chỉ mong bác sỹ cứu lấy con trai tôi. Dù phải bán nhà cửa để chữa trị cho con tôi cũng làm, chỉ cần con tôi được sống” – Bà Hương nức nở.

Vào khoa cấp cứu, thấy “ớn lạnh” vì tai nạn ngày tết - Ảnh 2.

     Bà Hương không giấu được những giọt nước mắt khi nhìn đứa con trai bị chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông đang được cấp cứu tại BV Chợ Rẫy (Ảnh Minh Quân)   

Bác sỹ Vũ Dzuy - Phó khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, chỉ tính trong 4 ngày nghỉ tết (từ 29 tết đến hết ngày mùng 3), khoa cấp cứu đã tiếp nhận 963 bệnh nhân. Bên cạnh các bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý nội khoa, ngoại khoa thì có đến 278 bệnh nhân bị tai nạn giao thông. 18 người bị tai nạn có nguyên nhân được xác định do bia rượu. Nhiều người nhập viện trong tình trạng đa thương, đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông rất cao (205/278 bệnh nhân). Đã có 9 người tử vong vì chấn thương quá nặng. Theo bác sĩ Dzuy, con số này khá cao, nhưng đã giảm so với năm 2015.

Tại Bệnh viện Nhi đồng tỉnh Đồng Nai, trong 4 ngày lễ tết, đã có không ít em bé phải nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông. Theo số liệu tại Khoa cấp cứu, tính từ 29 tết đến hết ngày mùng 4 tết đã có trên 40 em bé là nạn nhân của tai nạn giao thông. Đặc biệt, có đến 19 bé bị chấn thương vùng đầu.

Chiều mùng 4 tết, chị Phượng (ngụ tại TP Biên Hòa, Đồng Nai) khóc nức nở. Con gái 2 tuổi của chị đang được các bác sĩ, điều dưỡng nỗ lực cấp cứu. Chị cho biết sáng mùng 4, trên đường thăm họ hàng về, chiếc xe máy do chồng chị điều khiển, chở con gái đã bị một chiếc xe máy đi ngược chiều tông phải. Vụ va chạm khiến chồng chị bị thương phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Con gái chị còn nhỏ, không đội mũ bảo hiểm nên bị thương vùng đầu, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện nhi: “Hi vọng con bé không bị chấn thương sọ não. Nếu nó có mệnh hệ gì làm sao tôi sống nổi” - chị Phượng rơm rớm nước mắt kể.

Vào khoa cấp cứu, thấy “ớn lạnh” vì tai nạn ngày tết - Ảnh 3.

 Bệnh nhân cấp cứu tại khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy chiều mùng 4 tết (Ảnh Minh Quân)   

 Trước đó, cũng tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, vào ngày 29 tết, các bác sĩ đã cấp cứu cho một em bé nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói dữ dội. Em bé được các bác sĩ theo dõi nhiễm liên cầu lợn. Người nhà cho biết, gia đình mổ lợn để ăn tết. Vì chủ quan là lợn nhà tự nuôi nên gia đình đã làm món tiết canh. Sau khi ăn khoảng 5 tiếng đồng hồ, 4 người trong gia đình bị nôn ói dữ dội. Ba người lớn được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai cấp cứu. Em bé được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng tỉnh Đồng Nai.

Khoa cấp cứu các bệnh viện luôn là nơi “đầu sóng ngọn gió” trong những ngày lễ tết như thế này. Theo quan sát, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai luôn luôn có 4 bác sĩ và hàng chục điều dưỡng thay phiên nhau cấp cứu cho các bé. Bác sĩ Khánh chia sẻ: “Mình lẽ ra phải trực ngày mùng 1 tết nhưng vì nhà ở xa nên được bệnh viện bố trí đổi trực với nhân viên khác. Mình vội vàng về ăn tết với gia đình được ngày 29 và mùng 1 và 2. Đêm mùng 2, mình phải lên xe, xuống lại bệnh viện tiếp tục công việc, thương những đồng nghiệp khác phải trực đêm giao thừa, ngày mùng 1 tết – thời điểm lẽ ra phải ở bên gia đình”.

Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết, trong những ngày nghỉ tết, các bác sĩ, nhân viên bệnh viện phải trong tư thế sẵn sàng hơn cả ngày thường. Bệnh viện đã xây dựng các phương án từ thường trực cho đến ứng trực, chuẩn bị cho các trường hợp như cấp cứu hàng loạt, các thảm họa hay dịch bệnh. Trong dịp Tết thực hiện trực 4 cấp gồm trực lãnh đạo, trực lâm sàng, trực cận lâm sàng và hành chánh quản trị. Bệnh viện cũng chuẩn bị sẵn trên 6.000 đơn vị máu để sử dụng trong trường hợp cần. Bệnh viện còn ra quy định lãnh đạo khoa phân công đi buồng đầy đủ để theo dõi bệnh. Nếu bệnh nhân ổn đinh thì cho xuất viện, tránh trường hợp qua ngày khác mới cho bệnh nhân xuất viện. Các bác sĩ, điều dưỡng khoa cấp cứu vẫn làm việc 3 ca 4 kíp như thường ngày. Theo chỉ đạo, các khoa lâm sàng còn phải tăng cường hỗ trợ cho khoa cấp cứu nếu có tình trạng bất thường xảy ra.

 Clip Khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy ngày mồng 4 Tết