Vấn nạn ăn xin giả ở TP.HCM

Giao thông Vận tải, Theo 09:44 21/04/2014

Tại TP.HCM, trong bán kính chừng 1 km, thế nào người ta cũng bắt gặp vài người ăn xin, trong đó có không ít người giả bệnh, khuyết tật.

Giả khổ ăn xin

Tại chợ Tôn Thất Đạm (chợ Cũ) từ nhiều tháng nay, một cậu bé tầm khoảng 10 -11 tuổi, chân bó bột, thường xuyên chống nạng đi ăn xin. Một người dân ở đây cho biết, mặc dù bị những người bán hàng ở đây xua đuổi song cậu bé vẫn năn nỉ chèo kéo không thôi và "không hiểu cậu bé bị gẫy chân kiểu gì mà bó bột tháng này qua tháng khác".

Tại cầu Thị Nghè, một người đàn ông khoảng 60 tuổi đang đứng trước một quán ăn chèo kéo. Nhìn bề ngoài nhếch nhác, chân tay cong queo, teo tóp, mặt mũi khổ sở của người ăn xin, nhiều khách trong quán đã rút ví cho tiền. Người quản lý quán cho biết, nhiều lần quán cũng phải cho tiền người đàn ông này để tránh làm phiền khách trong quán, nhưng bực nhất là khi xin tiền, bộ dạng người đàn ông rất tàn tạ, đau đớn nhưng khi vừa ra khỏi quán thì lại đi đứng rất nhanh nhẹn, không có biểu hiện nào của người khuyết tật.

Trẻ em ăn xin đang chèo kéo một người đi đường tại TP.HCM.

Tại khu vực khu dân cư Trung Sơn, quận 8, một nhóm trẻ em bán kẹo singum liên tục mời chào khách uống nước hóng mát ven sông. Khi bị từ chối, chúng liền quỳ sụp xuống vái lạy, chừng nào mua mới thôi. Nhiều người vì ái ngại mà đành rút ví mua thỏi kẹo với giá 20.000 đồng. Nhóm trẻ em này có cách thức xin giống y nhau, giỏ bán hàng và hàng hóa cũng y hệt, như cùng được cung cấp và huấn luyện cách “hành nghề” từ một lò đào tạo nào đó.

Khó xử lý dứt điểm

Bà Lượng Thị Tới - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP thừa nhận tình trạng TP.HCM những năm gần đây xuất hiện nhiều người ăn xin. Vì thành phố có nhiều tụ điểm công cộng, vui chơi giải trí, lại có đông du khách, nhất là khách nước ngoài nên người ăn xin ở các tỉnh đổ về, coi đây là địa bàn hành nghề lý tưởng. Có những người ăn xin đúng là mất sức lao động, tuy nhiên, cũng có nhiều người giả khổ để ăn xin, có trường hợp trẻ em bị người lớn lợi dụng, chăn dắt để đem tiền về cho “trùm ăn xin”, thậm chí từ chỗ đi ăn xin nhiều trường hợp nảy sinh móc túi, trộm cắp.

Để giải quyết tình trạng ăn xin giả, TP.HCM vận động người dân không cho tiền người ăn xin đồng thời cung cấp thông tin về những đối tượng này cho lực lượng chuyên trách để tập trung đưa họ về các trung tâm hỗ trợ xã hội.

Ông Nguyễn Văn Phết - Giám đốc Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP cho biết: "Những năm gần đây, số người ăn xin trên địa bàn ngày càng gia tăng, vì vậy các trung tâm hỗ trợ xã hội cũng thu nhận không xuể lượng người ăn xin này. Ngoài ra, cũng có những người ăn xin đã được đưa vào trung tâm lại trốn ra hành nghề trở lại, vì thu nhập từ nghề này khá cao”.

Theo bà Lượng Thị Tới, để giải quyết thực trạng người xin ăn tại TP.HCM, cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, thể hiện lòng từ thiện đúng nơi, đúng chỗ, kiên quyết không cho người ăn xin tiền mặt. Ngoài ra, các tỉnh nên quản lý tốt những người dân địa phương, tạo công ăn việc làm tốt để họ ổn định cuộc sống tại quê nhà, các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn tới con để không có những đứa trẻ phải sống bụi đời, lang thang.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày