TP. HCM: Sự thật về "ngôi chùa" nghèo khó chỉ có 1 sư bà nuôi 5 trẻ mồ côi

Quỳnh Trân, Theo Mask Online 07:25 27/02/2015

Từ một bài viết chia sẻ trên facebook, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến một "ngôi chùa" gần chợ Trần Hữu Trang, Quận Phú Nhuận để hỗ trợ sư bà. Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương chính thức lên tiếng, các nhà hảo tâm mới bàng hoàng khi biết mình đã... nhầm địa chỉ.

Vào ngày 14/2 vừa qua, một bài viết trên website hoituthien... với tựa đề: "Trùng tu "Bảo An Ni Tự", của ít lòng nhiều, giúp ni cô hoàn thành tâm nguyện" đã gây được sự chú ý của cộng đồng mạng. Bài viết do người thành lập website tên Bùi Thị Thanh Thảo sau khi khảo sát ngôi chùa đã viết lên với mục đích đưa thông tin, hoàn cảnh của ngôi chùa để các nhà hảo tâm có thể tiến hành quyên góp sau Tết.

Thông tin được viết trên website (nay đã gỡ bỏ) như sau:

"Bảo An Ni Tự tọa lạc tại địa chỉ 74/3 Trần Hữu Trang (kế chợ Trần Hữu Trang) là ngôi chùa nghèo của Quận Phú Nhuận thành lập năm 1907 đến nay đã hơn 108 năm. Hiện nay do Ni Cô Như Hải trụ trì đến nay sức khỏe đã yếu nên giao cho vị Tăng mồ côi cha mẹ tên Quảng Duyên chăm sóc ngôi chùa. Ngôi chùa cũng nghèo không đủ duyên lành để tu sửa, những bức tượng cũ kỹ và mục nát không có tiền thay mới. Dự kiến sẽ kêu gọi trùng tu sau đợt qua tết nên mình sẽ chính thức viết bài kêu gọi sau nha".

Sau bài viết này, mọi người lại thấy xuất hiện một bài viết khác có kèm hình ảnh, được hai trang fanpage khá đông thành viên đã chia sẻ như sau: "Ở ngay trung tâm TP. HCM Quận Phú Nhuận có ngôi chùa Bảo An tự, địa chỉ 74/3 đường Trần Hữu Trang... Chùa quá nghèo, nhỏ hẹp phải nuôi hơn 5 đứa nhỏ mồ côi. Đứa nhỏ nhất 3 tuổi. Sư bà 77 tuổi cưu mang mấy bé bữa đói bữa no vì chùa ít phật tử tới viếng. Khi vào trong chùa thấy xót xa, ngay cả bệ thờ là những cái bàn bằng gỗ cũ chân thấp chân cao. Khi Thảo tới viếng thăm các cháu, nhìn rơi nước mắt khi các cháu thiếu thốn mọi bề. Một mình Thảo và các bạn thân không thể làm nên tình thương cho các cháu nơi đây. Khi các cháu tới độ tuổi đi học cần rất nhiều thứ. Thảo cầu xin các bạn có lòng thương tới các em và sư bà hãy đến lạy Phật và giúp cho họ có bữa cơm, quyển tập cho các cháu....".

Cùng với dòng thông tin này là hình ảnh người phụ nữ trao tiền cho sư bà nhưng không có ảnh chụp các cháu mồ côi như trong bài chia sẻ. Chỉ trong 2 ngày, bài viết này trên các trang fanpage đã được chia sẻ rầm rộ, hơn 5.000 lượt like và bình luận, mọi người cùng nhau kêu gọi đến thăm sư bà và các cháu. Nhiều nhóm từ thiện lập hội, tạo tài khoản để quyên góp giúp ủng hộ sư bà và trùng tu xây dựng chùa.


Bài viết kèm hình ảnh được đăng trên 2 trang fanpage khá lớn nhưng đến thời điểm hiện tại, một trang đã gỡ bỏ bài viết.

Sau một loạt bài đăng và chia sẻ như thế, những ngày đầu năm, Bảo An Ni Tự đã đón hàng trăm lượt khách đến thăm và cúng dường. Nhiều mạnh thường quân liên hệ với sư bà để hỗ trợ tiền trùng tu, sơn sửa chùa.

Tuy nhiên, đến ngày 25/2, mọi người đến ủng hộ chùa đều bàng hoàng khi đọc được những tờ thông báo dán trước cửa chùa và các mảng tường nhà dân nằm cạnh chùa.

Tờ thông báo với nội dung: "Thời gian gần đây, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin về việc quyên góp làm từ thiện tại "ngôi chùa Bảo An Ni Tự". Việc này đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương cũng như ảnh hưởng đến việc sử dụng danh nghĩa tôn giáo cho mục đích từ thiện".

Thông báo này cũng nói rõ địa chỉ 74/3 Trần Hữu Trang chỉ là một ngôi nhà có người tu hành tại gia, không phải là một ngôi chùa như thông tin trên mạng đăng tải, không nằm trong sự quản lý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Những thông tin về việc chùa đang nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em, cũng như chùa được thành lập hơn 100 năm là thông tin không chính xác.


Tờ thông báo được dán trên ngôi nhà số 76 Trần Hữu Trang, cách "ngôi chùa" khoảng 10 mét.


Một tờ thông báo khác với cùng một nội dung nhưng in với khổ lớn hơn cũng được dán trên các bức tường xung quanh đây.

Những người dân cho biết, do thông tin một người nào đó chia sẻ trên mạng trong những ngày qua nên từ đầu năm đến giờ, nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã tập trung rất đông trước "ngôi chùa" này để cúng dường, hỗ trợ kinh phí cho chùa trùng tu, quyên góp tiền giúp sư bà nuôi các cháu mồ côi dù thật sự không có 5 đứa cháu mồ côi nào tại địa chỉ trên.

"Mấy ngày Tết, hàng xóm thấy ồn ào trước cửa nhà bà nên đến xem thì biết nhiều người lầm tưởng đây là ngôi chùa nghèo khó đang nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em nên đã cho "chùa" rất nhiều tiền. Bà con hàng xóm thì ai cũng biết sư bà chỉ là người tu tại gia và ngôi nhà này không phải là chùa nên đã báo với chính quyền địa phương xuống điều tra làm rõ sự việc", ông H.T., 45 tuổi, người dân sống gần chợ Trần Hữu Trang cho biết.

Sáng 26/2, chúng tôi liên lạc với người viết bài tên Bùi Thị Thanh Thảo, ngụ Quận 5, TP.HCM thì chị cho biết: "Đúng là tôi có viết bài đầu tiên trên website hoituthien... của mình về việc sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp để trùng tu sửa chữa chùa. Tôi biết đến chùa này từ một bài viết khác được đăng cách đây 4 năm, trên website diachituthien... Tôi đến chùa để khảo sát thì chỉ thấy bất thường ở điểm không có đứa trẻ mồ côi nào trong chùa như các bài viết đã đăng trước đó. Nhưng vì thấy sư bà đã già cả nên tôi ngỏ ý muốn giúp đỡ sửa chữa chùa. Sau khi viết bài để thông báo nhận quyên góp sau Tết, thì ngày 25/2, tôi trở lại chùa để mời sư bà lên UBND phường cung cấp giấy tờ hợp pháp cho việc sửa chữa chùa thì sư bà khó chịu và không đồng ý cung cấp giấy tờ gì. Lúc này tôi mới biết có một người cũng tự nhận tên Thảo đã viết bài chia sẻ khác đăng trên facebook kèm hình ảnh (người trong bức ảnh không phải tôi) và từ lúc người đó viết bài, sư bà đã nhận được khá nhiều khoản tiền của các nhà hảo tâm".

Chị Thanh Thảo đã đến UBND P.10 Quận Phú Nhuận để viết bản tường trình. Đồng thời xác nhận với chính quyền địa phương rằng người đăng bài trên facebook không phải là chị mà là một người khác.


Bản tường trình của chị Thảo vào ngày 25/2 với UBND P.10, Q.Phú Nhuận.

Cũng trong chiều ngày 26/2, trao đổi với chúng tôi, anh Phan Thái Hoàng Sơn, Phó chủ tịch UBND P.10 Q.Phú Nhuận xác nhận đã làm việc với Bùi Thị Thanh Thảo và nhờ chị Thảo đính chính thông tin trên website cá nhân của mình để bà con không hiểu lầm. "Địa chỉ 74/3 không phải là một ngôi chùa hơn 100 năm như mọi người tưởng, đó chỉ là ngôi nhà bình thường có một sư bà 80 tuổi tự lập am để tu tại gia. Phía Công an phường xác minh thì ngôi nhà này có 4 người, 2 người có hộ khẩu thường trú là sư bà Như Hải, một người con nuôi tên Xoắn, 2 người tạm trú gồm một người bán trái cây và một đứa cháu sinh năm 2003 mà sư bà nhận nuôi vài năm nay. Ngoài ra không có đứa trẻ mồ côi nào cả", anh Sơn cho biết.


"Ngôi chùa" ở địa chỉ 74/3 Trần Hữu Trang, chỉ có một tấm biển nhỏ và hiện tại đã đóng cửa.

Anh Sơn nói thêm, thông tin từ Công an phường cho biết vẫn chưa có đủ cơ sở để cấu thành tội lừa đảo vì người đưa thông tin, viết bài trên mạng không phải là bà, giữa người viết và sư bà có mối quan hệ gì thì vẫn đang chờ xác minh. Người phụ nữ trong bức ảnh hiện chưa rõ danh tính. Bên cạnh đó, chính quyền chưa nhận được bất kỳ đơn kiến nghị, tố cáo nào từ phía người dân để có cơ sở điều tra nên bước đầu chỉ xuống làm việc, nhắc nhở sư bà.

"Mọi người có thể giúp đỡ cá nhân có điều kiện sinh sống, tu hành tốt hơn, thì mình không cấm được. Nhưng chúng tôi cũng làm việc với sư bà và yêu cầu bà nói đúng sự thật với mọi người, không được thêu dệt chuyện mình nuôi dưỡng trẻ mồ côi hay chuyện chùa hơn 100 năm tuổi. Tiền mà người dân đến đưa bà thì phải được xem là tiền giúp đỡ cá nhân, không được nói là tiền công đức, dâng lên cúng Phật như bà thường nói. Trong buổi làm việc thì sư bà cũng không tỏ thái độ gì nhưng đến sáng hôm nay, bà đã... xé hết các thông báo của chính quyền dán trước chùa. Chúng tôi lập tức dán lại nhiều tờ thông báo khác. Trưa 26/2, phía Công an phường lại phải mời bà lên để tiếp tục làm việc và yêu cầu bà hợp tác", anh Sơn cho biết.


Bà con hàng xóm đồng ý với việc dán thông báo của chính quyền địa phương để cảnh giác những người có ý định đến quyên góp tiền cho "chùa".

Hiện tại, phía UBND cũng đã gửi công văn đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, yêu cầu làm việc với sư bà Như Hải để gỡ bỏ biển hiệu "Bảo An Ni Tự" xuống, tránh gây hiểu lầm. Mọi hoạt động như cúng dường, cầu kinh, để tro cốt tại địa chỉ này là không được phép.

Anh Sơn cũng lo lắng rằng trong thời gian này sẽ bùng phát các cá nhân tự lập tài khoản vờ quyên góp cho "chùa" rồi sử dụng số tiền của các nhà hảo tâm vào mục đích khác. "Khi đọc được thông tin một vụ việc, hoàn cảnh nào đó trên mạng, người làm từ thiện cần liên hệ với chính quyền địa phương trước để hiểu rõ hơn về cơ sở đó, việc thiện nguyện như thế mới đúng mục đích nhân văn", anh Sơn chia sẻ.