Hoại tử vùng đùi trái, chảy mủ, bốc mùi hôi thối và có cả giòi lúc nhúc trong vết thương là những gì bé Hảng Thị Dùa (9 tuổi, dân tộc Mông ở xã Nam Khắc, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái) đã trải qua trong gần 3 năm qua. Từ một vết thương nhỏ từ năm 6 tuổi, do không có điều kiện chữa trị, vết hoại tử ngoài càng ăn sâu và gây tê liệt khớp, khiến cho 3 năm tuổi thơ ròng rã của bé Dùa phải lê lết, ngồi một chỗ.
Ảnh chụp khi vết thương đã hoại tử sâu (Ảnh: NLD)
Nếu như không phải trong một lần lên Mù Căng Chải công tác, chị Lê Thị Thúy Vinh (cán bộ thuộc Tổ chức Bảo vệ động thực vật hoãng dã) thấy bé Dùa ngày này qua ngày khác ngồi một mình ở bậc nhà thì có thể vết thương của Dùa đã không kịp thời được chữa trị. Ngày tiếp nhận trường hợp của bé, các bác sĩ Khoa chấn thương Chỉnh hình ở bệnh viện Việt Đức cũng rùng mình bởi tổn thương nghiêm trọng chưa từng thấy ở một bệnh nhi và liền khâm phục khả năng chịu đựng của bé suốt 3 năm qua. Vết thương nhỏ 3 năm trước đến bây giờ đã khiến cho phần xương đùi trái của bé Dùa bị viêm mủ mãn tính, có viêm xương chết tại thân xương đùi. Hiện các bác sĩ đã phẫu thuật lấy xương chết và nạo tổ chức viêm để cứu sống chiếc chân trái.
Bé Dùa nằm trên giường bệnh sau khi đã được bác sĩ phẫu thuật chân lần 1. Tuy chưa được học nói tiếng Kinh do đôi chân không thể đi học như bạn bè trang lứa nhưng bằng cử chỉ, Dùa cho biết, đôi chân em đã dịu đi cơn đau dai dẳng đã 3 năm qua
Phần chân hoại tử đã được phẫu thuật, nay băng bó để chờ những lần phẫu thuật tiếp theo
Cô bé 9 tuổi nhưng hình hài gầy nhỏ như bé 6 tuổi
Anh trai của Dùa (SN 1996) thay cha mẹ lên chăm sóc em. Tuy đã 17 tuổi nhưng anh trai Dùa mới chỉ học đến lớp 6.
Anh gọt táo cho Dùa ăn, thứ quả Dùa chưa bao giờ được ăn trước đây
Khi vết thương ở chân lên cơn đau nhức, Dùa chỉ im lặng kìm nén nỗi đau
Được biết, trước kia, khi vết thương bắt đầu lở loét, bố mẹ của Dùa chỉ biết hái các loại lá đắp lên vết thương, rồi buộc lại bằng một chiếc giẻ. Khi vết thương nặng hơn, Dùa thường xuyên ngây ngấy sốt thì bố mẹ của em cũng không biết làm sao để chạy chữa khi nhà quá nghèo, đường rừng núi đi lại khó khăn... May mắn trong một đợt đi công tác, bé đã được cô Vinh người mà bây giờ Dùa gọi là "Mẹ" đưa đi chạy chữa kịp thời.
Ngoài những ngày điều trị ở bệnh viện, chị Vinh đưa Dùa về nhà chị để nghỉ ngơi, chơi cùng cô con gái 10 tuổi của chị như bạn bè thân thiết. Dường như do bản chất lao động, làm việc và tự lập từ bé của trẻ em miền núi, mà dù chân đau nhưng hễ thấy việc gì có thể giúp được cho chị Vinh ở nhà, là bé tập tễnh đi theo để làm.
"Con bé dù chưa được đi học nhưng rất tinh ý và nhanh nhẹn. Ví dụ như khi tôi phơi quần áo, trong lúc tôi móc đồ vào giá phơi, là con bé nhanh nhẹn lấy đồ và giũ nước đưa sẵn cho tôi. Hoặc khi tôi rửa rau, ấm chén... làm nước rơi lên sàn nhà là con bé cũng nhanh lấy chổi lau khô đi. Ngoài ra, nó cũng rất lễ phép và nghe lời người lớn. Sinh ra ở nơi nhiều thiếu thốn, nhưng thực sự con bé rất đáng để nhiều đứa trẻ con khác noi theo." - Chị Vinh nói.
Lên Hà Nội, Dùa mới biết tới một thứ gọi là Thú nhồi bông
Hay quần áo đẹp
Hoặc những chai nước ngọt có ga lần đầu được uống
Chị Vinh cho biết, chị thương Dùa như thương con bởi mặc dù sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nhưng nghị lực sống của bé rất đáng khâm phục. Trải qua nhiều lần phẫu thuật phức tạp, đau đớn nhưng Dùa chưa lúc nào kêu van hoặc khóc. Ngày đầu khi mới gặp bé, chị xót xa khi da của bé cứng sần sùi vì không được tắm, tóc bết lệt, chân chai sần do đi chân trần và thân hình gầy trơ xương do ăn uống thiếu chất. Nên ra Hà Nội chữa bệnh, Dùa rất chăm ăn và rất thích được tắm gội.
Cô Vinh gội đầu cho Dùa
Hiện tình trạng nguy hiểm của chân trái đã được giảm đi, nhưng khả năng vận động, co duỗi của chân vẫn còn đang phải chờ đợi xem khả năng bình phục của bé. Trước mắt, bé còn phải đối diện với nhiều cuộc phẫu thuật nữa. Bố mẹ của Dùa ở Mù Căng Chải đã bán đi một mảnh ruộng để trang trải dần chi phí điều trị cho Dùa. Nhưng số tiền đó đã hết từ lâu, tiền viện phí và điều trị thuốc men hiện nay của Dùa chủ yếu dựa vào tiền ủng hộ của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã nơi chị Vinh đang công tác cũng như tiền riêng của chị. Sắp tới, những đợt điều trị phức tạp hơn đòi hỏi chi phí lớn hơn, mong rằng bé sẽ dũng cảm đối diện cũng như nhận được thêm sự giúp đỡ của nhiều người giúp bé có lại đôi chân lành lặn, để tự tin quay về bản cắp sách tới trường.
Mọi sự giúp đỡ cho bé Hảng Thị Dùa, xin liên hệ: - Cô Lê Thị Thúy Vinh Số điện thoại: 0983 067 142 - Bé Hảng Thị Dùa - Giường bệnh thứ 4 (hành lang), Tầng 3 Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội |