Thế giới đen tối của những người vô gia cư trong đường cống ngầm

, Theo Trí Thức Trẻ 23:53 20/05/2014

Bên dưới những tòa nhà, lâu đài cổ kính và nguy nga của thủ đô Romania là cả 1 thế giới nghèo khổ, tối tăm của những người vô gia cư trong đường cống ngầm. Cuộc sống của họ chìm trong tối tăm, thuốc phiện và bệnh tật.

Bucharest là thủ đô và là trung tâm thương mại, công nghiệp của Romania. Kiến trúc trang nhã của thành phố Bucharest đã khiến nó được mệnh danh là "Paris của phía Đông" hay "Paris thu nhỏ".


Về mặt kinh tế, thành phố này cũng được đánh giá là giàu có nhất ở Romania và là một trong những trung tâm công nghiệp và giao thông chính của Đông Âu.


Thế nhưng, đằng sau sự phồn hoa và phát triển đó là cuộc sống đen tối trong những đường ống cống nước ngầm - "kinh đô" của những con người nghèo khó, vô gia cư và nghiện ngập. 

Rất nhiều người cho biết họ đã từng sống dưới những ống cống ngầm này từ khoảng 2 thập kỷ trước.
 
Ở đây, hầu như ai cũng nhiễm HIV và phải có tới 1/4 người mắc bệnh lao. Những ống cống chật chội và nhếch nhác này là nơi trú chân của hàng trăm người dân nghèo.

Cuộc sống của những người vô gia cư dưới ống cống chưa từng được đề cập chi tiết, cụ thể. Và chỉ mới đây, hình ảnh về thế giới ngầm ít ai biết đến mới được nhà làm phim Channel 4 News' Paraic O'Brien, Jim Wickens & Radu Ciornicuc thực hiện và công bố.

Đường vào "kinh đô ngầm" của những con người nghèo khó, nghiện ngập. Đó có thể là một nắp cống giữa đường phố đông người qua lại. Cứ đến chiều muộn, những con người nơi đây lại thức giấc và "chồi" lên mặt đất để tỏa ra các nơi kiếm sống.

Trong số những người dân sống ở đây, các phóng viên bắt gặp 1 cậu bé khoảng chừng 12 tuổi. Tuy nhiên, khi hỏi ra mới biết cậu bé có tên là Nico và đã 17 tuổi. Do ảnh hưởng của các loại chất kích thích và thuốc phiện nên thân hình của cậu có phần nhỏ bé hơn so với bạn bè đồng trang lứa. 

Để có thể thâm nhập vào thế giới trong ống cống ngầm, bạn phải có được sự cho phép của người đứng đầu, hay còn được gọi là "Ông hoàng thế giới ngầm". Sau khoảng 2 tiếng chờ đợi, cuối cùng các phóng viên cũng đã được mời xuống ghé thăm "kinh đô" đặc biệt này.

Bên trong đường ống cống có 1 chiếc đài cũ để phát nhạc giải trí cho người dân. Dù không gian sống chật chội nhưng những người dân nơi đây vẫn nuôi thêm khá nhiều chó.

Bruce Lee - người đứng đầu khu vực. Trên người anh gắn đầy huân chương, chìa khóa và cả những vết sẹo - kết quả của những lần anh tự hành xác. Gặp gỡ phóng viên, Bruce Lee liền chỉ vào phần đùi trong của mình có in dòng chữ "Brucce Lee, Ông hoàng của thế giới ngầm". 

Chia sẻ về Nico, Bruce Lee cho biết "Nó là con trai tôi. Tôi nhận nuôi Nico khi nó đi lang thang trên đường. Tôi không muốn nó chích ma túy mà chỉ dùng aurolac (một chất gây nghiện giá rẻ) thôi. Tuy nhiên, mọi thứ đã quá muộn." Trong ảnh: Bruce Lee vòng tay ôm Nico. Năm ngoái, Nico suýt chết tại bệnh viện vì mắc AIDS. 

Đi qua căn phòng thứ nhất, Bruce Lee dẫn phóng viên tới căn phòng thứ 2 chứa đầy chó con. Chúng sống ở đây và nhiều con chưa bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Đi thêm vài bước nữa là phòng ngủ của Bruce Lee. 

Bruce Lee chỉ vào 1 hình xăm khác trên người và nói "Đó là hình ảnh của tôi hồi còn nhỏ. Mẹ đã bỏ rơi tôi 3 ngày sau khi tôi chào đời. Các nhân viên y tá đã nuôi dưỡng tôi rồi tôi được nhận nuôi ở trại mồ côi. Sau đó một thời gian, tôi sống ở đường cống này cùng rất nhiều người. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó đã chết rồi".


Anh cho biết anh đứng ra để bảo vệ những người sống ở đây.


Căn phòng được trang trí bằng những bức tranh và vật dụng cũ. Bruce Lee cho biết "Hầu hết mọi người ở đây đều là người vô gia cư. Tôi cố gắng để sắp xếp và quản lý họ. Chúng tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng chúng tôi không phải là thành phần cặn bã của xã hội hay những con chuột hôi hám... Những người khác tìm đến đây để được ăn, được ở và được nghe những lời an ủi, khuyên răn. Chúng tôi là một gia đình, chúng tôi muốn trở thành những người thân trong 1 đại gia đình."


Một chú chó tìm đồ ăn thừa.


Trong đường cống ngầm đó, tình thân vẫn luôn hiện hữu.

Nhiều người chia sẻ dù mỗi người nơi đây đều có những vấn đề riêng như nghiện ngập, bệnh tật hay nghèo đói nhưng họ vẫn là 1 đại gia đình sống nương tựa vào nhau.