Tài xế lái xe cẩu gây mất điện toàn miền Nam có thể bị truy tố

Ngọc Phương, Theo Trí Thức Trẻ 11:01 23/05/2013

Chiếc xe cẩu gây ra vụ chập điện ở Bình Dương, làm mất điện toàn miền Nam hiện đang bị lực lượng chức năng tạm giữ để điều tra. Tài xế lái xe cẩu có thể bị truy tố.

Như thông tin đã đưa, chiều 22/5, một sự cố vô cùng nghiêm trọng đã xảy ra với đường dây 500 kV khiến TP HCM và hơn 20 tỉnh thành miền Nam mất điện đột ngột trên diện rộng.

Trong thông cáo chính thức đưa ra sau khi xảy ra sự cố trên vài giờ đồng hồ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định, sự cố xảy ra trong lúc truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện 500 kV Bắc - Nam, gây nhảy tất cả tổ máy phát điện, dẫn tới hệ thống điện miền Nam mất toàn bộ (với tổng công suất khoảng 9.400 MW).

Nguyên nhân gây nên vụ mất điện nghiêm trọng này cũng đã được đưa ra, đó là “do xe cần cẩu trồng cây trong khu vực Thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500 kV ở khoảng trụ 1072 - 1073 gần trạm biến áp 500kV Tân Định”.

Tài xế lái xe cẩu gây mất điện toàn miền Nam có thể bị truy tố 1
Lốp chiếc xe cẩu nổ tung do bị phóng điện.

Theo đó, vào khoảng 13h40 ngày 22/5, tại đoạn đường dây 500 kV tuyến Di Linh - Tân Định, qua khu vực phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), tài xế Ngô Tấn Thảo (sinh năm 1986, trú tại Thuận An, Bình Dương) lái xe cẩu nâng cây dầu cao hơn 10 m tại vườn ươm gần đó. Đây là đường dây tải điện từ Bình Dương, hòa vào trạm biến thế Tân Định, cung cấp điện lực cho toàn bộ khu vực miền Nam, trong đó có TP HCM. Xe chạy quá gần đường dây 500 kV khiến ngọn cây dầu chạm vào dây diện, dẫn tới sự cố nghiêm trọng sau đó.

Tài xế lái xe cẩu gây mất điện toàn miền Nam có thể bị truy tố 2
Ngọn cây dầu - thủ phạm trực tiếp gây nên sự cố chập điện nghiêm trọng - héo khô do chạm vào đường dây 500 kV.

“Những tia lửa điện bắn ra dữ dội. Theo phản xạ, tôi nhảy khỏi xe nhưng cũng bị choáng váng rất lâu, không biết có phải do điện truyền vào người không”, lái xe Thảo kể.

Ngay sau đó, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Dương đã vào cuộc điều tra và tạm giữ chiếc xe cần cẩu “gây án”. Theo lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương, đây là vụ mất điện nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, gây ra hậu quả rất lớn. Chính vì thế, người điều khiển chiếc xe cẩu có thể bị truy tố.

Theo quy định, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện 500 KV tại điểm võng thấp nhất so với mặt đất là 14 m đối với khu vực đô thị và 8 - 9 m đối với khu vực rừng núi. 


Luật Điện lực 2004 cũng quy định khi tiến hành các công việc trên mặt đất ở gần hoặc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không có khả năng ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của đường dây hoặc có nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện thì đơn vị tiến hành những công việc đó phải có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết. Nếu để xảy ra hiện tượng phóng điện có thể dẫn đến hỏng đường dây hoặc đứt sợi, phải vá lại và thời gian khắc phục khá lâu.