"Sunrise chưa cung cấp đủ bằng chứng có tính pháp lý về tác phẩm "Ba tôi""

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 08/07/2015

Đó là lời khẳng định của TS., luật sư Trần Đình Triển, công tác tại văn phòng luật sư Vì Dân (Hà Nội) khi trao đổi với chúng tôi về tranh chấp liên quan đến bản quyền bộ phim "Ba tôi" phát sóng trong chương trình "Quà tặng cuộc sống" ngày 25/6 vừa qua.

Liên quan đến những lùm xùm quanh vụ tác giả Bùi Đình Thăng (Thăng Fly) cáo buộc số phát sóng chương trình "Quà tặng cuộc sống" ngày 25/6 sử dụng kịch bản truyện ngắn "Ba tôi" của mình mà không xin phép, đơn vị sản xuất chương trình là Công ty CP Truyền thông Sunrise đã chính thức lên tiếng. Sunrise khẳng định không vi phạm bản quyền và mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự việc. Ngay sau đó, tác giả Bùi Đình Thăng đã tung ra một số bằng chứng cho thấy tác phẩm "Cả nhà thương nhau", trong đó có truyện tranh "Ba tôi" được xuất bản bởi NXB Văn Học, lưu chiểu Quý IV năm 2014, ghi rõ tên Thăng Fly ngay từ trang bìa. 

Trước những tranh chấp ngày càng phức tạp liên quan đến bản quyền tác phẩm "Ba tôi", chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS., luật sư Trần Đình Triển nhằm làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. 

Sự bất hợp lý của những chứng cứ do phía Sunrise cung cấp

Trước những cáo buộc vi phạm bản quyền, mới đây, bà Thanh Hương (Giám đốc Công ty CP Truyền thông Sunrise) khẳng định nội dung chương trình "Quà tặng cuộc sống" phát sóng ngày 25/6 được dàn dựng dựa trên truyện ngắn "Ba Tôi" do tác giả Trần Quốc Tuấn gửi tới để tham dự cuộc thi "Sáng tác truyện ngắn" do công ty này phát động hồi năm 2010. Ban giám khảo khi đó bao gồm tiến sĩ Đoàn Hương, ông Đỗ Văn Hồng và ông Nguyễn Nhân Lập. Phía Sunrise đồng thời cũng cung cấp các bằng chứng liên quan là bảng điểm chấm thi và thư cam kết viết tay của tác giả Trần Quốc Tuấn.

Tuy nhiên, theo phân tích của luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng luật sư Vì Dân, Hà Nội) trong trường hợp này, công ty Sunrise chưa đưa ra đủ chứng cứ có tính pháp lý.

Luật sư Triển cho rằng, để chứng minh những gì bà Hương nói là đúng sự thật, phía Sunrise cần chứng minh rõ cuộc thi "Sáng tác truyện ngắn" đã diễn ra như thế nào, ở đâu, có những ai dự thi, ai làm giám khảo, có bên thứ 3 nào đứng ra thẩm định khách quan hay không. "Nếu tất cả hội đồng chấm thi đều là người của công ty Sunrise thì không thể tránh khỏi khả năng sau khi bị tố vi phạm bản quyền, họ có thể phối hợp với nhau dựng lên một cuộc thi và nhân vật có tên Trần Quốc Tuấn hoàn toàn không có thật".


Sự giống nhau đến hơn 90% giữa truyện tranh "Ba tôi" và hình ảnh hoạt hình "Ba tôi" phát sóng trong chương trình "Quà tặng cuộc sống" ngày 25/6.

"Cho đến hiện tại, phía Sunrise cũng chưa cung cấp được thông tin một cách công khai về nhân thân tác giả Trần Quốc Tuấn mà chỉ đưa ra một văn bản viết tay của ông Tuấn (không rõ địa chỉ, quê quán, nơi công tác, số điện thoại, email cá nhân) hay nói cách khác là chưa chứng minh được sự tồn tại của nhân vật này. Vì vậy, dư luận không thể nào không nghi vấn" - ông Triển khẳng định.

"Chưa kể là nếu thật sự tác giả Trần Quốc Tuấn có thực sự tham gia cuộc thi đó thì phía Sunrise vẫn còn rất nhiều điều phải chứng minh. Ví dụ như vì sao một cuộc thi đã phát động từ 5 năm nay nhưng đến giờ mới khai thác lại một truyện ngắn từ năm 2010, trong khi rõ ràng điểm số của nó chỉ đủ vượt qua vòng loại". Liệu ông Tuấn (nếu có thật), thì có đồng ý cho khai thác tác phẩm của mình để dàn dựng thành phim hoạt hình đã phát sóng mà không đề tên Trần Quốc Tuấn ở phần credit không?


Theo ông Triển, bảng điểm thi mà công ty Sunrise đưa ra chưa phải bằng chứng thuyết phục vì không có đủ giá trị pháp lý.

Ngoài ra, ông Triển cũng đặt ra một thắc mắc lớn là liệu sau khi tổ chức thi tuyển, kết quả của cuộc thi đã được công bố hay chưa. Tác phẩm "Ba tôi" do tác giả Trần Quốc Tuấn gửi dự thi khi đó có nội dung, hình thức như thế nào và ông Tuấn có những chứng cứ gì để chứng minh tác phẩm của mình được hình thành từ năm 2010. Điều quan trọng là tác phẩm này đã được đăng ký bản quyền hay chưa?

"Hiện tại, ông Tuấn chưa chứng minh được thời điểm hình thành tác phẩm cũng như tác quyền, bản quyền của mình đối với tác phẩm đó, vì thế, các chứng cứ và tình hình hiện tại đang nghiêng về phía ông Thăng nhiều hơn" - luật sư Triển nói.

Tác giả Bùi Đình Thăng có quyền khởi kiện

Phân tích về tình hình hiện tại, ông Triển khẳng định, tác giả Thăng Fly đã cung cấp đủ các bằng chứng về sáng tạo của mình. "Ông Thăng đã đưa ra đầy đủ bằng chứng về cuốn sách đã phát hành và có giấy phép xuất bản, tức là đã đăng ký bản quyền và được pháp luật, trong đó trực tiếp là luật sở hữu trí tuệ  bảo vệ".

Xét về phía tác giả Trần Quốc Tuấn thì toàn bộ thông tin về bản thân tác giả này cũng như cuốn truyện ngắn "Ba tôi" hoàn toàn do công ty Sunrise đưa ra, chưa có bằng chứng xác thực. 

Theo ông Triển, nếu ông Tuấn không chứng minh được rằng mình đã đăng ký bản quyền cho tác phẩm "Ba tôi" thì ông Tuấn không được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó không có quyền khởi kiện khi xảy ra tranh chấp. Khi đó, việc Sunrise có chứng minh thành công rằng đã tổ chức cuộc thi "Sáng tác truyện ngắn" hay không đã không còn quan trọng.

"Việc có tổ chức cuộc thi đó hay không không mang ý nghĩa pháp lý mà nó chỉ góp phần giúp cứu vớt lòng tin của dư luận. Mấu chốt ở đây là phía ông Tuấn cần chứng minh được quyền sở hữu trí tuệ của mình" -  ông Triển nói.

"Hiện tại, ông Thăng đã chứng minh được tác quyền của mình, tức là có đủ bằng chứng pháp lý được pháp luật công nhận. Vì thế, rõ ràng khi Sunries sử dụng lại ý tưởng, nội dung một tác phẩm đã được công bố và đăng ký xuất bản, được pháp luật bảo hộ thì họ cần phải xin phép chính tác giả Bùi Đình Thăng".






Các bằng chứng mang tính pháp lý do ông Thăng cung cấp.

Luật sư Triển khẳng định, nếu ông Tuấn và phía Sunries không tiếp tục đưa ra các bằng chứng xác đáng thì rõ ràng Sunrise đã vi phạm bản quyền và phải có trách nhiệm xin lỗi hoặc bồi thường đối với ông Thăng. 

"Luật sở hữu trí tuệ và Bộ luật dân sự luôn khuyến khích sự thương thảo giữa các bên liên quan. Vì vậy, vấn đề bồi thường hay chỉ xin lỗi cho qua chuyện tùy thuộc vào quyết định đàm phán của các bên. Nếu công ty Sunrise và ông Thăng không thể đi đến thống nhất cách giải quyết, ông Thăng có quyền khởi kiện ra tòa. Lúc này, tòa án sẽ xem xét mức độ thiệt hại của bên bị vi phạm, lợi ích mà Sunrise thu được do vi phạm bản quyền cũng như các điều luật của luật sở hữu trí tuệ để buộc công ty phải bồi thường".
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày