"Sau vụ hỏa hoạn ở Xa La, báo cháy giả liên tục làm người dân hoang mang"

, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 16/10/2015

Thượng tá Trần Quốc Thường, Phó phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 9 (quận Hà Đông) cũng cho biết, việc báo cháy giả không chỉ xảy ra tại tòa nhà CT5 ngày 12/10 mà đó là tình trạng lực lượng cứu hộ thường xuyên gặp phải.

Thời gian gần đây, 1 số chung cư trên địa bàn Hà Nội thường xuyên gặp phải sự cố hệ thống chuông báo cháy “rú” lên nhưng lại không có dấu hiệu của hỏa hoạn thực sự xảy ra. Việc báo cháy nhầm không chỉ khiến cho lực lượng chức năng PCCC mất thời gian, công sức mà còn khiến cho cư dân sinh sống tại các tòa nhà này luôn trong tâm lý lo lắng, bất an.

chay1-002db
Cư dân chung cư CT5 sau một hồi hoảng loạn cũng đã nhận ra đó chỉ là báo cháy giả tối ngày 12/10. (Ảnh: Page Cư dân đô thị Xa La)

Cụ thể, khoảng 22h tối 12/10, người dân tòa nhà CT5, khu đô thị Xa La (Hà Đông) một phen hoảng loạn vì nghe tiếng chuông báo cháy. Nhiều người sống tại tòa nhà vội vàng lao xuống sân, xuống hầm di chuyển xe máy ra khu vực an toàn. Lực lượng PCCC sở tại cùng xe cứu hỏa cũng được điều đến. Tuy nhiên, sau đó xác định là báo cháy giả.

Trước đó, ngày 20/9, tại tòa nhà HH4B, Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai) cũng xảy ra việc tương tự và cảnh sát PCCC cũng được điều đến. Nguyên nhân vụ việc được xác định là chuông báo cháy tự động kích hoạt. Tình trạng báo cháy nhưng khi xe cứu hỏa cùng hàng chục chiến sĩ cảnh sát PCCC đến nơi thì không có hiện tượng cháy đã tạo ra tình huống dở khóc dở cười. 

"Từ sau vụ cháy nhà CT4A, các chung cư của chúng tôi liên tục có báo cháy giả"

Trưa 15/10, trao đổi với chúng tôi, ông Trương Xuân Danh – Phó Tổng giám đốc doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên, chủ đầu tư khu đô thị Xa La, Hà Đông cho biết, suốt mấy ngày qua kể từ sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn ở tầng hầm tòa chung cư CT4A, nhiều tòa nhà chung cư khác của doanh nghiệp này liên tục xuất hiện tình trạng báo cháy giả.

“Chúng tôi đã gửi công văn sang Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) để nhờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ những đối tượng báo cháy giả. Bình thường đèn báo cháy chúng tôi niêm phong để trên cao tránh tình trạng trẻ em tác động vào. Trong trường hợp báo cháy khẩn cấp, cháy thật thì mới sử dụng đằng này việc báo cháy giả liên tục như thế ở các tòa nhà chung cư của doanh nghiệp chúng tôi khiến nhiều người sống ở đây hoang mang”, ông Danh nói.

Ông Danh cho biết, về việc chuông báo cháy giả ở tòa nhà CT5 tối ngày 12/10, 114 đã xác định, chuông kêu sau khi cứu hỏa đến. Nghĩa là, đã có người gọi điện báo trước cho đội PCCC. “Tâm lý người dân khi nghe thấy tiếng xe cứu hỏa đến sẽ nghĩ rằng tòa nhà của mình có cháy. Lúc đó, mọi người sẽ không tin vào nếu ban quản lý tòa nhà thông báo không có cháy, ai cũng sẽ sợ hãi mà chạy xuống. Phải nói rằng người báo cháy cho bên PCCC và nhắn tin vào số máy tập đoàn để báo cháy trước khi ấn chuông, tất cả đều có động cơ”, ông Danh tỏ ra nghi ngờ.

Mỗi tuần tiếp nhận hàng chục cuộc gọi báo cháy giả

Thiếu tá Bùi Đăng Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 3 (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, mỗi tuần đơn vị ông tiếp nhận không dưới 10 cuộc điện thoại báo cháy giả. Ông cũng nhấn mạnh, việc gọi điện báo cháy giả là hành động không nên và là một thói quen xấu.

Theo Thiếu tá Tuấn, nhằm thuận tiện và dễ dàng cho người dân khi gặp sự cố cháy nổ, ở các khu vực đều có số điện thoại riêng của đội hay số đường dây nóng để mọi người báo tin khi có sự cố. Tuy nhiên, cũng vì thế, một số người dân có thói quen xấu (do nhàn rỗi hoặc dụng ý xấu) gọi tới số tổng đài Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy để báo tin giả.

“Một số người ý thức kém, thường lấy sim rác gọi điện báo cháy giả, đặc biệt là thời gian trước. Tuy nhiên, thông thường, bằng nghiệp vụ, các cán bộ trực ban sẽ dễ dàng xác minh nhanh thông tin”, Thiếu tá Tuấn thông tin thêm.

chay3-002db
Việc báo cháy giả sẽ khiến các chiến sĩ cảnh sát PCCC mất thời gian, công sức. (Ảnh: Chi Bim)

Thượng tá Trần Quốc Thường, Phó phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 9 (quận Hà Đông) cũng cho biết, việc báo cháy giả không chỉ xảy ra tại tòa nhà CT5 ngày 12/10 mà đó là tình trạng lực lượng cứu hộ thường xuyên gặp phải. Có trường hợp trêu đùa, có trường hợp do người dân nhầm lẫn đốt rác hoặc hệ thống báo động tòa nhà bị lỗi…

“Trước khi báo cháy mọi người nên kiểm tra kỹ để tránh tình trạng nhầm lẫn. Việc báo cháy giả không chỉ khiến người dân tòa nhà hay khu vực xung quanh bức xúc lo lắng mà còn khiến lực lượng chức năng Phòng cháy chữa cháy mất thời gian công sức”- thượng tá Thường nhấn mạnh.

Báo cháy giả là hành vi bị nghiêm cấm

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn Phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, trong Điều 13 Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định “báo cháy giả là hành vi bị nghiêm cấm”.

Luật sư Giang Hồng Thanh cho biết, việc kiểm tra, duy trì điều kiện về phòng cháy và chữa cháy phải được tổ chức thường xuyên, định kỳ để phát hiện những nguy cơ, hỏng hóc có thể xảy ra khiến cho việc phòng cháy, chữa cháy hoạt động thiếu hiệu quả trong trường hợp có sự cố về cháy nổ.

“Đối với trường hợp báo cháy giả, người thực hiện hành vi sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 40 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013.

Còn đối với trường hợp thiết bị thông tin báo cháy hỏng hoặc mất tác dụng, người nào không thay thế các thiết bị này sẽ bị Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định này”, luật sư Giang Hồng Thanh trích dẫn.

Vụ cháy chung cư Xa La: Có thể khởi tố vụ án hình sự?

Cho tới thời điểm này, nguyên nhân xảy ra vụ cháy ở tòa nhà CT4A khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội khiến hàng trăm người bị mắc kẹt và nhiều tài sản bị hư hỏng vẫn chưa được làm rõ. Chính vì vậy, việc ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực sự trong vụ cháy này vẫn chưa được xác định.

Về vấn đề khả năng Cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra vụ hỏa hoạn này hay không, luật sư Trần Anh Dũng (Công ty luật Đại Phúc, Hà Nội) cho rằng, trong vụ việc này mặc dù có thiệt hại rất lớn về tài sản (quan hệ pháp luật được luật hình sự bảo vệ) nhưng có thể khởi tố vụ án hình sự hay không thì còn cần phải xác minh có hành vi vi phạm pháp luật gây ra thiệt hại hay không.

“Trong vụ cháy nhà chung cư ở Xa La, Hà Đông, Hà Nội có thể thấy là có thiệt hại cho quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ, cụ thể là quan hệ tài sản (Quyền sở hữu). Tuy nhiên hiện tại cơ quan chức năng chưa xác định được ai, cái gì là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Tức là chưa xác định được nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn là do khách quan (thiên tai, địch họa…) hay chủ quan (hành vi vi phạm pháp luật). Vì vậy, vụ việc cần phải được tiếp tục điều tra để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân tổ chức có liên quan”, luật sư Dũng cho hay.

Luật sư Dũng cũng nhấn mạnh: “Trường hợp phát hiện những sai phạm của cá nhân, tổ chức là nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn thì cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan. Ngược lại, nếu nguyên nhân được xác định là do các yếu tố khách quan (thiên tai, địch họa, sự kiện bất khả kháng…), cơ quan chức năng sẽ không khởi tố vụ án hình sự mà xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành”.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày