Sắp trình Chính phủ đề án xây đường sắt tốc độ cao

Đất Việt, Theo 09:21 04/04/2013

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ về Đề án xây dựng đường sắt Bắc – Nam.

Theo Thứ trưởng Trường, đây không phải là dự án đường sắt cao tốc mà chỉ là đường sắt tốc độ cao, khổ 1,435 mét. Hiện Bộ GTVT đang xây dựng tuyến đường sắt này theo hai phương án đường sắt khác nhau.

Sắp trình Chính phủ đề án xây đường sắt tốc độ cao 1
Sẽ trình Chính phủ về Đề án xây dựng đường sắt Bắc – Nam

Ông Trường cũng thông tin, phương án 1 là tiếp tục nâng cấp đường sắt hiện có đạt tốc độ 90-110km/giờ để chạy tàu Hà Nội - TP.HCM từ 15-17 giờ với tốc độ bình quân 100km/giờ. Phương án này đang giao Tổng công ty Đường sắt VN triển khai các biện pháp cụ thể thực hiện từ nay đến năm 2020.

Phương án 2 là phối hợp nghiên cứu xây dựng đường sắt khổ đôi 1,435m. Việt Nam dùng đường sắt khổ 1,435m sẽ phù hợp các đầu máy toa xe và tốc độ chạy tàu. Tuyến đường sắt này sẽ dùng chung cho cả tàu hàng và tàu khách.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, hệ thống đường sắt cũ hiện nay nằm quá sát với quốc lộ 1, lại có quá nhiều đường ngang nên phải nghiên cứu để trong tương lai làm một tuyến khác, tránh xa khu dân cư và đường quốc lộ.

Dự kiến, Bộ GTVT sẽ huy động BOT của nhà thầu quốc tế và trong nước, phấn đấu trước năm 2030 hoàn thành đường sắt khổ đôi mới độc lập với tuyến đường sắt cũ.

Trước đó, tại cuộc họp thông qua "Báo cáo cuối kỳ về nghiên cứu lập dự án đường sắt tốc độ cao các đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang" do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết:

"Sẽ không có đường sắt cao tốc Bắc - Nam như kế hoạch trước đây. Thay vào đó, bên cạnh tuyến đường sắt thống nhất hiện hữu sẽ có thêm một tuyến đường sắt tốc độ cao được xây mới hoàn toàn với khổ 1,435m, điện khí hoá, tốc độ chạy tàu 160 - 200km/h".

Với tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại, Bộ trưởng Thăng đồng ý giữ nguyên và sẽ cải tạo, nâng cấp để tốc độ ở mức bình quân đạt khoảng 90 km/h đối với tàu khách và 60 km/h đối với tàu hàng.

Đối với kịch bản xây dựng hai tuyến đường sắt cao tốc ưu tiên là Hà Nội - Vinh (dài 280km) và TP.HCM - Nha Trang (dài 360km), đoàn nghiên cứu của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng hai tuyến này sẽ khả thi về kinh tế vào khoảng năm 2030, với tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) đạt 12%. Tổng chi phí đầu tư của hai tuyến đường ưu tiên này là 21,4 tỉ USD, bằng 6,3% GDP của Việt Nam vào năm 2030.

Trong đó, các chuyên gia từ JICA đề xuất xây dựng trước hai đoạn tuyến chạy thử là Ngọc Hồi - Phủ Lý (khoảng 45km) và Thủ Thiêm - Long Thành (khoảng 36km) với tốc độ chạy tàu 320km/g. Kinh phí để làm hai đoạn chạy thử vào khoảng 3,2 tỉ USD.

Trước thông tin này, nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan điểm của mình. Tiến sĩ Trần Đình Bá, Hội viên Hội kinh tế & vận tải đường sắt Việt Nam chia sẻ: "Đúng như tôi đã khuyến cáo, tham vọng Đường sắt cao tốc là "Ý tưởng của những ngưới thích đùa".

Tham vọng làm đường sắt tốc độ cao hai chiều riêng biệt là tham vọng không kém gì đường sắt cao tốc. Tôi cho rằng, Việt Nam ta chỉ cần mở rộng đường sát Quốc gia khổ 1 mét qua 1,435m, trước mắt chạy tốc độ vừa 100-140 km/h hành trình HN - TPHCM từ 12- 15 tiếng là quá đẹp rồi!", chuyên gia này cho biết.

Theo ông, quyết định hủy dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam là sáng suốt hợp lòng dân. Còn chọn “Chiếc áo Đường sắt“ như thế nào thì có lẽ Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng đang để ngỏ cho Nhân dân đặc biệt là các nhà khoa học Việt Nam sự lựa chọn.

TS Phạm Sĩ Liêm, Tổng hội xây dựng Việt Nam bày tỏ quan điểm ủng hộ, và nên làm sớm. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm là "có tiền để làm không"?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày