Rút lại đề xuất phạt xe không chính chủ

Infonet, Theo 10:49 12/03/2013

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết vì tính không khả thi nên cần tạm rút lại quy định xử phạt xe không chính chủ.

Trong cuộc họp với báo chí chiều 11/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết quy định xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm hành vi không chuyển quyền sở hữu đã được khẳng định trong luật hiện hành, các Nghị định trước đây (Nghị định 15, 34 và 71). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định 71, điều khoản xử phạt này không có tính khả thi, người dân phản ứng nên đề nghị ban soạn thảo cần đưa điều khoản ra khỏi Nghị định.

Rút lại đề xuất phạt xe không chính chủ 1
Quy định xử phạt xe không chính chủ không khả thi nên được tạm rút.

“Do quá trình triển khai thực hiện điều khoản này quá khó nên tính khả thi của điều khoản xử phạt không cao”, ông Thăng nhấn mạnh, "Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng những văn bản pháp luật một cách đồng bộ, khi xét thấy việc xử phạt có tính khả thi cao, khi hệ thống văn bản hướng dẫn được đầy đủ thì mới đề nghị bổ sung vào Nghị định 71 hoặc đưa vào văn bản quy phạm pháp luật khác phù hợp hơn, công khai và minh bạch hơn”.

Dẫn chứng một trường hợp cụ thể, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay: “Khi một người phạm lỗi vượt đèn đỏ, họ thực hiện quyết định xử phạt hành chính và đến nộp phạt ngay để lấy xe đi, nhưng người thực thi công vụ chưa chứng minh được phương tiện đã chuyển chủ hay chưa chuyển chủ và tiếp tục giữ lại, khi đó là gây phiền hà cho người dân”. Như vậy, việc xử phạt xe không chính chủ sẽ tạm ngừng trong khi chờ các bộ, ngành liên quan đưa ra ý kiến.

Về việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng, ông Thăng cho biết hiện có khoảng 50 triệu MBH đang sử dụng nên phải cân nhắc, hết sức thận trọng. Theo ông Thăng, bộ đã ký thông tư về xử phạt MBH kém chất lượng. Vì vậy dự thảo nghị định này sẽ đưa vào các nội dung: xử phạt người ngồi trên xe không đội mũ, đội mũ không cài quai theo nghị định 34 và bổ sung thêm việc xử phạt đội MBH không đủ 3 bộ phận gồm vỏ mũ, đệm hấp thụ xung lực và quai đeo được quan sát thấy bằng mắt thường.

“Như vậy, người dân đội MBH không cần chứng minh mũ phải có tem hợp quy, cứ có 3 lớp như nghị định quy định là được. Phải xác định là không phạt người đội MBH dỏm, kém chất lượng. Trách nhiệm xử phạt MBH dỏm, kém chất lượng thuộc về quản lý thị trường với các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định sản xuất, buôn bán hàng hóa phải đảm bảo chất lượng”, ông Thăng nói. Với hành vi không nộp phí sử dụng đường bộ, ông Thăng cho rằng việc xử phạt là cần thiết, có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên đề nghị Bộ Tài chính đưa nội dung vào nghị định xử phạt vi phạm về phí và lệ phí như nhiều ý kiến đề xuất.

Nhiều đại biểu tham dự cuộc họp cũng cho rằng từ năm 2008 người dân đã sử dụng nhiều MBH nhập khẩu đảm bảo chất lượng nhưng không dán tem chất lượng. Nếu bây giờ quy định đội MBH không dán tem sẽ phạt thì rất khó giải quyết. Vì vậy quy định phạt người dân đội MBH không dán tem, không đảm bảo chất lượng cần được xem xét lại. Đưa ra quy định phải vừa dễ thực hiện vừa không gây khó khăn cho dân để có sự đồng thuận và pháp luật được thực thi.

Trong khi đó, Bộ Công an vừa ban hành thông tư quy định việc giải quyết đăng ký xe đối với trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người. Cụ thể, từ ngày 15/4/2013 - 31/12/2014, việc giải quyết đăng ký xe đối với trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người thực hiện như sau:

Đối với việc sang tên xe trong cùng tỉnh, trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng xe thì hồ sơ đăng ký sang tên xe gồm: giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an xã, phường, thị trấn (công an cấp xã) nơi người đang sử dụng xe thường trú; chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định; giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký xe).

Trường hợp người đang sử dụng xe có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng, ngoài các giấy tờ trên phải xuất trình thêm chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng.

Đối với trường hợp đăng ký sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác, hồ sơ sang tên, di chuyển xe cũng không yêu cầu nộp chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng nếu người đang sử dụng xe không có loại chứng từ này.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày