Phẫn nộ người đàn ông bị đánh trọng thương khi đang phân luồng giao thông

Giang Thành, Theo Pháp luật xã hội 14:22 30/08/2014

Những ngày gần đây, cư dân mạng liên tục chia sẻ về trường hợp của ông Võ Triệu Long - làm việc cho hội Thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM, khi đang phân luồng giao thông trên đường phố thì bị một thanh niên trẻ tuổi đánh bầm dập phải nhập viện.

Những ngày gần đây, cư dân mạng liên tục chia sẻ về trường hợp của ông Võ Triệu Long - làm việc cho hội Thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM, khi đang đứng phân luồng giao thông trên đường phố thì bị một thanh niên trẻ tuổi từ taxi bước xuống gây sự. Hậm hực vì không được đi ngay, phải đứng đợi lâu ở ngã tư, thanh niên này đã đấm liên tiếp vào mặt khiến ông Long bị thương rất nặng phải cấp cứu điều trị dài ngày ở Bệnh viện Nhân Dân 115 (quận 10, TP.HCM).

Đến giờ vẫn không hiểu vì sao bị đánh

Chúng tôi tìm đến Khoa ngoại tổng hợp, bệnh viện 115 (quận 10, TP.HCM) vào chiều ngày 29/8, ông Long vẫn đang chống chọi với đau đớn, lúc đó bà Mai (vợ ông Long) vừa tranh thủ về nhà lo bữa tối. Năm nay 48 tuổi, quê ở Ninh Bình, hoạt động trong lực lượng TNXP TP.HCM đã 5 năm, ca sáng từ 6h – 10h, ca chiều từ 14h – 21h, ông Long đứng chốt và phân luồng giao thông ở các ngã tư, hạn chế tắc đường. Không ai ngờ, khi ông đang làm việc thì lại bị đánh trọng thương như thế.


Nằm viện gần nửa tháng, dù những vết máu bầm tụ trên mặt đã giảm sưng, nhưng vì chưa được phẫu thuật nên cơn đau cứ hành hạ ông Long mỗi ngày, không được phép di chuyển, không thể ăn, uống nước cũng phải nhờ người giúp.




Mặt và chân tay ông thâm tím.

Hé mắt nhìn chúng tôi, ông thều thào kể rằng, thời điểm xảy ra vụ việc khoảng 7h tối ngày 15/8, lúc ấy mưa lớn, điện bị cắt làm hệ thống đèn giao thông không hoạt động dẫn đến tình trạng ùn tắc cục bộ. Theo thói quen, đường nào nhiều xe lưu thông hơn thì ông Long cho phép chạy qua ngã tư trước, đường nào chưa kẹt nhiều thì dừng lại, không được di chuyển, chờ xe lớn đi trước cho thoáng đường thì ông mới ra hiệu cho người lưu thông bên đường kia đi qua.

Trong lúc ông Long đang làm việc vất vả, vừa thổi còi, vừa ra hiệu liên tục thì một thanh niên trẻ tuổi bước xuống từ chiếc taxi và lớn tiếng: "Sao mày chặn lâu không cho tao đi qua?". Ông Long phải giải thích rằng phải cho hướng các xe bên kia đi trước thì mới đến lượt xe bên phía này được lưu thông. Người thanh niên hậm hực quay về xe của mình. Nhưng khi nhìn thấy những xe máy cùng hướng của mình rẽ hướng khác để đi trước, trong khi xe anh ta đứng chờ giữa ngã tư, thanh niên này tiến về phía ông Long quát lớn: “Ai cho mày chặn xe tao” rồi lao tới đấm liên tiếp vào mặt ông khiến ông bị trào máu mũi, vỡ xương mặt, ngã xuống đường bất tỉnh.


Để giúp ông Long vượt qua khó khăn, anh Minh cùng một số đồng nghiệp khác hằng ngày vẫn luôn thay phiên nhau túc trực, động viên.

Lúc đó, đường đông nhưng thanh niên kia thản nhiên lên taxi bỏ đi mà không ai can thiệp. Sau đó, có một cô gái trẻ và một người nữa đã dìu ông Long vào vỉa hè, cầm máu rồi cùng một chiến sĩ CSGT đưa ông đến bệnh viện. Do bị mất máu quá nhiều, mặt sưng to, tình trạng suy yếu dần nên ông được chuyển đến khoa cấp cứu bệnh viện Nhân dân 115. 


Gương mặt hằn lên vẻ mệt mỏi, âu lo của bà Mai.

Ông Long nhập viện trong tình trạng mất máu nhiều, máu bầm tích tụ nhiều gây biến chứng như: xuất hiện thêm khối u trong gan, bị vỡ xương hàm mặt phải điều trị lâu dài. 

Khi hỏi ông về người thanh niên đánh mình, ông vẫn chưa hết bàng hoàng: “Bây giờ tôi không thể nhớ mặt người đánh mình, vì lúc đó tôi chỉ tập trung phân luồng xe cộ. Tôi nhớ đó là một thanh niên cao to, khoảng 25 đến 30 tuổi”.


Ngôi nhà cả gia đình trú tạm cũng chính là nhà vệ sinh công cộng nơi bà Mai làm việc, ông bà cơi nới thêm làm nơi ăn ngủ của cả gia đình.


 Góc nhà rộng chưa được 8 phân, dài gần 4 mét được dùng làm chỗ ngủ cho hai mẹ con.


 “Phòng” bếp chỉ có chiều rộng bằng hai viên gạch hoa. 

Nhắc đến gia đình, người đàn ông bỗng dưng thinh lặng, không cầm được nước mắt, ông nói: “Nhà chú có hai vợ chồng, cùng đứa con trai tên Võ Thiện Lân đang học lớp 8. Bà ấy vừa mới tranh thủ về nấu cho nó bữa cơm và luôn tiện trực nhà vệ sinh công cộng vì nhà không có ai nữa”.

Được biết, từ ngày nằm viện, ngoài sự giúp đỡ về mặt vật chất, cơ quan nơi ông làm việc vẫn luôn cắt cử người đến chăm sóc, động viên. Anh Trần Quang Minh (trú Q. Bình Chánh), người đã túc trực bên cạnh nạn nhân nhiều ngày cho biết, “mỗi ngày từ sáng đến tối sẽ có hai người trong cơ quan thay nhau đến thăm nuôi chú Long”.

Cả nhà sống ở nhà vệ sinh công cộng

Rời bệnh viện 115, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của gia đình ông Long nằm trên đường Trường Chinh, dưới chân cầu Tham Lương. Nói là ngôi nhà, nhưng thật ra, đó là một nhà vệ sinh công cộng được gia cố thành nơi sinh hoạt của cả nhà.

Tiếp chúng tôi với khuôn mặt đầy mệt mỏi, bà Lê Thị Trúc Mai (vợ ông Long) vừa lấy nước uống, vừa nói: "Từ khi vào viện đến giờ, ổng cứ bị nhức đầu, sốt, khó thở".

Bà Mai cũng là người làm trong công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP, phụ trách coi giữ nhà vệ sinh công cộng trên đường Trường Chinh, Quận 12. Lương của hai vợ chồng không được bao nhiêu, lại có đứa con trai đang học lớp 8 trường THCS Lý Tự Trọng (Quận Gò Vấp) nên bà Mai bán thêm nước suối, nước ngọt lề đường kiếm thêm thu nhập. Tiền lương mỗi tháng của ông Long chỉ khoảng 3 triệu đồng, trong khi lương của bà Mai chỉ từ 1 -1,5 triệu đồng.

Người hảo tâm tới thăm ông.

Hỏi về khoản viện phí sắp tới phải thanh toán, bà Mai nghẹn ngào: "Tôi cũng chưa biết tổng cộng tiền viện phí là bao nhiêu, nhưng nhập viện gần nửa tháng rồi, lại thêm tiền chụp CT, tiền phẫu thuật vài chục triệu, tiền khám bệnh thuốc men này nọ... không biết làm sao xoay cho được. Nhưng mấy hôm nay cũng có nhiều người đến thăm, cho tiền, mấy cô bác họ hàng cho vay tiền chữa trị nên gánh nặng viện phí cũng đỡ đi phần nào. Đến giờ, theo yêu cầu của bệnh viện, chúng tôi đã nộp viện phí 30 triệu đồng”.

Bà Mai, vợ ông Long cho biết thêm, phía công ty nơi ông Long làm việc cũng đã tới viện thăm ông và cho rằng, đây là tai nạn lao động nên công ty sẽ có trách nghiệm chi trả viện phí. Hôm qua, công ty cũng đã ứng trước một phần tiền viện phí cho gia đình.

Được biết, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, gấp rút truy tìm hung thủ đánh ông Long trọng thương vào tối 15/8 vừa qua.

Mọi đóng góp giúp đỡ cho gia đình ông Long xin gửi về:

- Ông Võ Triệu Long, đang điều trị tại phòng 417, lầu 4, khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện 115. Sđt ông Long: 0938 472 374

- Hoặc chuyển vào tài khoản ngân hàng:

Võ Triệu Long, số tài khoản:0101 069 436, ngân hàng Đông Á chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày