"Ở đây vui lắm, không ai đánh và bắt con đi ăn xin nữa"

Hải Âu, Theo Trí Thức Trẻ 01:11 26/12/2014

Bé Trịnh Nguyễn Thành Đức chia sẻ niềm vui của mình với cuộc sống mới ở Làng thiếu niên Thủ Đức. Nhưng quãng thời gian bị mẹ và cậu ruột châm thuốc vào người, bỏ đói, đánh bầm mắt để bắt đi ăn xin... đang dần vào quên lãng.

Cuộc sống mới của bé trai bị bạo hành và bị bắt đi ăn xin

Những ngày này, khi UBND TP.HCM chính thức có chủ trương kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin và từ ngày 28/12, TP.HCM sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội, rất nhiều người đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Một vấn đề được khá nhiều người quan tâm, đó là những trẻ em lang thang cơ nhỡ, những đứa trẻ bị bỏ rơi, phải gánh chịu nạn bạo hành gia đình... liệu có được bố trí nơi ăn chốn ở phù hợp. 

Và giữa những bộn bề lo lắng ấy, người ta lại càng yên tâm hơn khi chứng kiến cuộc sống thực sự đổi thay của bé Trịnh Nguyễn Thành Đức - 4 tuổi, từng bị mẹ và cậu ruột châm thuốc vào người, bỏ đói, đánh bầm mắt để bắt đi ăn xin khiến dư luận phẫn nộ.

Đó là vào tháng 11 năm 2013, một vụ án khiến dư luận vừa phẫn nộ, vừa đau xót - cháu Trịnh Nguyễn Thành Đức khi ấy mới 3 tuổi, được công an phường Tân Hưng (quận 7, TP.HCM) giải cứu khi phát hiện cháu bị một người thân đánh đập tàn bạo. Điều đáng nói là người đánh đập cháu bé đến tím tái mặt mũi không ai khác mà chính là cậu ruột Trịnh Đức Hòa (SN 1998).

Hòa khai nhận nguyên nhân đánh cháu Đức là do bắt cháu đi xin tiền nhưng cháu không nghe lời. Thấy người ta thường hay cho tiền bố thí những đứa trẻ đáng thương nơi đầu đường xó chợ, Hòa lại lôi đưa Đức ra đường để xin ăn. Được mấy lần đầu, thấy số tiền người ta cho cũng kha khá nên chúng ham, quyết làm sao để người ta cho tiền nhiều hơn. Đi cùng với Hòa là Đặng Tấn Cường (SN 2001) vốn cũng là một đứa con nhà nghèo, bỏ học rồi lêu lổng cùng đám bạn hư hỏng nơi gầm cầu Kênh Tẻ gần đó.

"Ở đây vui lắm, không ai đánh và bắt con đi ăn xin nữa" 1
Vì bị bỏ đói thường xuyên nên cháu Đức ăn ngấu nghiến những gì mình xin được. Ảnh: Người đưa tin.

Để Đức sợ mà chịu ra xin tiền, Cường còn không ngại dùng tàn thuốc lá chích vào hai chân của Đức để thị uy. Từ những vết thương do bị chích thuốc, ruồi nhặng bâu vào người Đức làm cho vết thương ngày càng nặng hơn. Chính vì sợ bị hành hạ như vậy mà mỗi khi không xin được tiền hay ít tiền thì Đức bỏ đi trốn đâu đó để ngủ qua đêm trong thân thể trần truồng chứ không dám về nhà vì sợ bị đánh đập, tra khảo, bỏ đói. Đã có không ít người dân xung quanh khu vực con hẻm 108 đường Lê Văn Lương chứng kiến cảnh cháu bé tội nghiệp lả đi vì đói giữa đêm khuya.

Ngày 25 Tết Giáp Ngọ vừa qua (tức ngày 25/1/2014), các mẹ ở Làng thiếu niên Thủ Đức chính thức tiếp nhận cháu Trịnh Nguyễn Thành Đức về để chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn. Những ngày khổ cực, đau đớn khi bị bắt đi ăn xin của cháu bé khép lại. Cuộc sống mới của Đức được mở ra tại Làng thiếu niên.

"Ở đây vui lắm, không ai đánh và bắt con đi ăn xin nữa" 2
Sau khi "giải cứu" thành công cháu bé bị bắt đi ăn xin, bé đã được đưa vào Làng thiếu niên Thủ Đức để nuôi dưỡng. Trong ảnh, Đức là cậu bé mặc áo xanh, ngoài cùng bên trái.

Còn bao nhiêu trẻ lang thang ăn xin ở Sài Gòn?

Điều khiến dư luận vẫn nhức nhối, đó là còn bao nhiêu trẻ em lang thang ăn xin ở Sài Gòn và liệu các em có thể có cuộc sống ổn định, đúng với lứa tuổi các em cần được hưởng hay không. Câu hỏi đó càng được đặt ra nhiều hơn khi hình ảnh những đứa trẻ nghèo khổ phải lang thang khắp nơi xin tiền ngày một nhiều, nạn chăn dắt trẻ em ăn xin cũng hoạt động quy mô hơn mà Trịnh Nguyễn Hoài Đức chỉ là một trường hợp trong vô số những trường hợp trẻ em bị lôi kéo vào đường dây chăn dắt đi ăn xin đó.


Thời gian gần đây, báo chí cũng nói nhiều về trường hợp ở góc ngã tư Lê Đại Hành - Ba Tháng Hai, (quận 11) thường xuyên xuất hiện một phụ nữ ăn mặc nhếch nhác bế theo em bé vài tháng tuổi. Theo người dân, phụ nữ này thường xuất hiện tại đây vào đầu giờ chiều đến khoảng 19h thì đi đâu không rõ. Những lúc trời mưa, chị ta vào trú ở cây xăng đối diện. Cũng tại góc đường này, từ 19h đến khuya lại xuất hiện một phụ nữ khác, tay ẵm đứa bé khoảng một tuổi, bên cạnh là bé trai khoảng 3 tuổi xin tiền người đi đường.

"Ở đây vui lắm, không ai đánh và bắt con đi ăn xin nữa" 3
Người phụ nữ ẵm em bé ngồi ăn xin ở vỉa hè để lấy lòng thương từ người đi đường. Ảnh: Zing.

Tại đường dẫn vào bệnh viện Nhân dân 115 (quận 10) gần đây xuất hiện một phụ nữ và 2 đứa trẻ đứng ăn xin. "Hoàn cảnh" được người này trình bày là trị bệnh cho con (là bé trai đang bế) hết tiền về quê nên phải đi xin. Bé trai còn lại luôn cởi trần và đi xin tiền xung quanh, khi nào khát nước thì quay lại lấy bịch trà đá mua sẵn.

"Ở đây vui lắm, không ai đánh và bắt con đi ăn xin nữa" 4
Bé trai mà người phụ nữ ẵm được băng bó kín tay phải, xức thuốc đỏ cả một góc. Tuy nhiên, theo quan sát thì bé không hề tỏ ra đau đớn hay bị bệnh tật, thỉnh thoảng nói cười. Ảnh: Zing.


"Chúng tôi đã sẵn sàng tiếp nhận các trẻ em ăn xin hè phố"

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng Châu - Phó Giám đốc Làng thiếu niên Thủ Đức (một cơ sở dự kiến nằm trong nhóm các đơn vị tiếp nhận người ăn xin, lang thang theo quyết định 49 của UBND TP. HCM). Từ trước đến nay, cơ sở này chuyên tiếp nhận, nuôi dưỡng bất kỳ trẻ sơ sinh và vị thành niên dưới 18 tuổi nào bị bỏ rơi hay vô gia cư, miễn là có quyết định chuyển giao từ Sở LĐ-TB-XH.TP.HCM.

"Ở đây vui lắm, không ai đánh và bắt con đi ăn xin nữa" 5
Bé Trịnh Nguyễn Hoài Đức đã khỏe mạnh và lanh lợi hơn xưa.

"Ở đây vui lắm, không ai đánh và bắt con đi ăn xin nữa" 6
Cậu bé rất hiếu động và rất hòa đồng với những người bạn xung quanh. Bé Đức nói: “Ở đây vui lắm ạ. Con không bị đánh, bị ép phải đi ăn xin nữa. Con có nhiều đồ chơi và bạn, lại được đi học".

Làng thiếu niên Thủ Đức là một trong những cơ sở nuôi dạy đạt chất lượng cao. Trẻ em khi được nuôi dạy ở đây đều cực kỳ tươm tất và kỹ lưỡng. Mọi hoạt động sinh hoạt ăn uống, vui chơi, giáo dục của trẻ đều được các “mẹ” quan tâm một cách chu đáo. Chính vì thế, tinh thần các trẻ ở đây đều cực kỳ vui vẻ và yêu đời.

"Ở đây vui lắm, không ai đánh và bắt con đi ăn xin nữa" 7
Các bé ở Làng thiếu niên Thủ Đức.

Bà Châu cho biết: “Làng thiếu niên Thủ Đức có cơ sở hạ tầng có thể tiếp nhận từ 300- 350 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở lứa tuổi dưới 18 khi được chuyển giao từ Sở LĐ-TB-XH. TP. HCM. Hiện tại, trung tâm đang nuôi dưỡng 178 trẻ. Nếu như sắp tới đây số lượng trẻ tăng lên thì bắt buộc chúng tôi phải tuyển thêm nhân lực và tìm kiếm thêm kinh phí bởi hiện tại trung tâm không đủ khả năng đáp ứng. Thế nhưng, chúng tôi vẫn cố gắng làm tốt các khâu chuẩn bị để đạt được điều kiện nuôi dạy trẻ một cách tốt nhất”.

"Ở đây vui lắm, không ai đánh và bắt con đi ăn xin nữa" 8
Dù khá khó khăn về kinh phí nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Châu cho biết sẽ cố gắng làm tốt các khâu chuẩn bị để tiếp nhận trẻ em ăn xin trên địa bàn thành phố.

Bà Võ Thị Tươi - Trưởng phòng quản lý nuôi dưỡng-giáo dục chia sẻ: “Hi vọng, với chính sách mới này, TP. HCM trong tương lai sẽ không còn những người ăn xin, lê lết ngoài đường nữa. Các trẻ em đi lang thang, bụi đời sẽ tìm được một mái ấm tình thương đích thực. Nhìn các cháu nhỏ ngất lên, ngất xuống, bị bọn chăn dắt lợi dụng để xin ăn mà thấy đứt ruột”.

"Ở đây vui lắm, không ai đánh và bắt con đi ăn xin nữa" 9
Bà Võ Thị Tươi cùng “mẹ” Nguyễn Lê Kim Ngân hạnh phúc khi nhìn thấy các cháu bé đều vui vẻ, khoẻ mạnh. 


Kể từ ngày 28/12, TP.HCM sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội.

Người dân có thể báo tin vào đường dây nóng tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Bảo trợ xã hội), số điện thoại: 38.292491 (giờ hành chính) hoặc 0903.959929; Trung tâm Hỗ trợ xã hội, số điện thoại: 35.533258 (24/24h).

Khi phát hiện người xin ăn, người dân có thể thông báo tới các số trên cho cơ quan chức năng, sẽ có chế độ hỗ trợ cho người báo tin. UBND TP cũng đề nghị các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP (Thành hội Phật giáo, Tổng Tòa giám mục TP... ) phổ biến chủ trương đến giáo dân, phật tử, người có đạo đồng thuận với chủ trương của TP: “không cho tiền người xin ăn”.

Để chăm lo cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, TP tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa và huy động đóng góp của xã hội. Người dân có lòng hảo tâm đóng góp thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức từ thiện xã hội TP...


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày