Nữ sinh Phú Thọ "bị bạn đánh đến cấm khẩu" đã bắt đầu nói được

, Theo Trí Thức Trẻ 23:47 29/03/2015

Những tiếng gọi “Bố ơi, mẹ ơi…” của Hà,<a href="http://kenh14.vn/xa-hoi/nu-sinh-phu-tho-bi-ban-hoc-danh-hoi-dong-dan-den-khong-the-noi-chuyen-duoc-20150313045431184.chn" target="_blank"> nữ sinh bị bạn đánh hội đồng đến cấm khẩu ở huyện Phù Ninh</a>, tỉnh Phú Thọ được cất lên khiến ông Phong, bà Hằng cười ra nước mắt vì hạnh phúc. Suốt gần 6 tháng qua, ông bà luôn bên cạnh, sát cánh cùng con gái đi tìm lại tiếng nói.

Gặp lại nữ sinh Quyền Thị Phương Hà, học lớp 11A4, trường THPT Tử Đà (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) hơn 10 ngày sau khi điều trị tại Khoa châm cứu, Bệnh viện châm cứu Trung ương (Hà Nội), chúng tôi rất vui mừng khi Hà đã có thể nói trở lại. Nụ cười tươi luôn nở trên môi phần nào cho mọi người biết được em đang rất vui sướng và cố gắng tìm lại giọng nói của mình sau hơn 5 tháng bị cấm khẩu.

Clip nữ sinh Hà đã giao tiếp được trở lại.

Ngồi nhìn con gái, vẻ mặt phấn khởi hơn những ngày trước, ông Quyền Văn Phong (51 tuổi, bố đẻ em Hà, trú tại xã Bình Bộ, Phù Ninh, Phú Thọ) vui mừng cho biết, Hà đã bắt đầu nói được từ 3, 4 ngày nay. Những câu nói của con gái phần nào xua tan đi những mệt mỏi, buồn lòng của vợ chồng ông sau quãng ngày không được nghe tiếng con cười nói.

Ông Phong vui mừng khi con gái đã nói được trở lại.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phong cho biết, gần nửa năm qua, Hà giao tiếp với mọi người đều phải bằng giấy bút. Những ngày tháng đó, ông luôn trĩu nặng nỗi buồn vô hạn, gia đình cũng đã đi tìm tiếng nói cho con ở các bệnh viện, thầy lang nhưng đều không có kết quả.

Kể từ khi nói được, Hà bớt mặc cảm với mọi người xung quanh.

“Ngày 17/3, gia đình chúng tôi đã đưa cháu xuống Hà Nội và được các bác sĩ Bệnh viện châm cứu Trung ương điều trị rất nhiệt tình, đến nay, cháu đã tiến triển hơn và có thể nói được khiến gia đình vui sướng vô cùng”, ông Phong vui mừng nói.

Những ngày đầu, Hà tỏ ra sợ hãi và đau đớn sau khi các bác sĩ châm cứu, vợ chồng ông Phong vừa lo lắng vừa xót con. Hằng ngày, Hà được các bác sĩ châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt đều đặn nên bệnh tình thuyên giảm nhanh chóng. Ăn trưa xong, Hà nghỉ ngơi rồi buổi chiều học tiếng. Mọi việc của Hà đều phải tập như đối với trẻ con.

Ông Phong trải lòng về hành trình tìm lại tiếng nói cho con.

Đôi mắt người cha ánh lên niềm vui sau bao ngày lo lắng, ông Phong kể: "Những ngày đầu Hà ú ớ, không nói được rồi những ngày sau đó bất ngờ gọi "bố ơi, mẹ ơi" khiến tôi mừng đến rơi nước mắt. Lúc đó chỉ biết nhìn con rồi bật khóc vì hạnh phúc. Cuối cùng sau nhiều ngày không nói con có thể nói lại, lắng nghe thấy con chập chững nói những từ đầu tiên, tôi xúc động lắm”.

Dù rất thương yêu và lo lắng cho con, nhưng vì bận việc đồng áng ở nhà nên bà Cao Thị Hằng (mẹ Hà) mới chỉ xuống thăm con được 2 lần.

Nghe tin Hà có thể nói trở lại, nhiều người dân ở Khoa châm cứu vui mừng sang thăm. Từ khi nói được những từ đầu tiên, Hà không còn lủi thủi và sợ hãi như trước, em đã cười vui vẻ với mọi người.

Nhìn chúng tôi, Hà mệt nhọc đánh vần từng con chữ: “Em muốn nói em yêu bố mẹ nhiều lắm. Suốt những ngày qua bố mẹ luôn bên cạnh che chở những lúc em cần, những lúc em gục ngã”. Nhìn đôi mắt của Hà phần nào chúng tôi thấu hiểu được niềm vui đang trở lại trong em.

Biết tin Hà nói được, nhiều người trong bệnh viện vui vẻ đến thăm hỏi.

Hà mong mỏi sau khi điều trị xong em có thể tiếp tục được đi học như bao bạn bè khác. “Những ngày trước, nhà ngay mặt đường nên mỗi lần thấy các bạn đạp xe đi học qua Hà đều dõi theo. Là cha, là mẹ phần nào tôi hiểu được tâm tư của con gái, nhưng vì không nói được sau cú sốc lớn, cháu không thể theo học tiếp. Nếu bệnh tình của cháu khỏe lại, gia đình tôi mong con có thể đến lớp trở lại, không bị đánh mất tương lai”, ông Phong bày tỏ.

Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Dương Văn Tâm - bác sĩ trưởng đơn vị điều trị liệt vận động và rối loạn ngôn ngữ (Bệnh viện châm cứu Trung ương) cho biết, sau khi điều trị được 8 lần, bệnh nhân Hà có thể giao tiếp với mọi người xung quanh.

Bác sĩ Tâm cho hay: “Sau khi bệnh nhân Hà được thầy giáo và gia đình đưa cháu xuống Hà Nội, chúng tôi đã tiếp nhận điều trị ngay đồng thời báo với ban giám đốc bệnh viện. Giám đốc cũng trao đổi với chúng tôi và vạch ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân”.

Và chính bác sĩ Tâm là người trực tiếp điều trị cho Hà bằng những kỹ thuật, phối hợp với nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, kết hợp nhiều phương pháp, dùng điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, tâm lý ngôn ngữ trị liệu.

“Đến ngày thứ 8 thì Hà tự trình bày được ý nghĩ, suy nghĩ của mình, nói chuyện vui vẻ với mọi người chứ không thu mình sợ hãi, ngại không giao tiếp như những ngày đầu mới đưa vào bệnh viện. Đây được gọi là chứng bệnh mất ngôn ngữ nặng nề sau ức chế stress, tây y gọi là hội chứng phân ly (rối loạn tâm can). Bệnh tình của nữ sinh Hà đang tiến triển tốt, một vài hôm nữa, Hà có thể nói lại lưu loát”, bác sĩ Tâm chia sẻ.

Trước đó, vào khoảng tháng 10/2014, chỉ vì câu nói trên mạng xã hội Facebook, Hà bị 4 nữ sinh khác trong trường đánh hội đồng. Một tuần sau khi sự việc xảy ra nữ sinh này đột nhiên không nói được. Mọi giao tiếp với gia đình cũng chỉ qua giấy bút.