Nụ cười của cô bé không có tay mưu sinh giữa Sài Gòn

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 26/02/2016

Nhí nhảy chân sáo và cười tươi với bất cứ ai mình gặp trên đường. Đến một quán cafe vỉa hè, Nhí kẹp xấp vé số vào cổ, thoăn thoắt chạy đến mời mấy chú, mấy cô mua ủng hộ. Nhí đi bán vé số mà vui như đi hội, lâu dần thành quen, cứ nghe tiếng cười của Nhí, ai cũng cảm thấy yêu đời hơn.

Nhí tên thật là Võ Ngọc Ân, em sinh ra vào một ngày đầu tháng 5 năm 2010 tại vùng quê nghèo ở thị trấn Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Nhí không may như các anh chị của mình, em bị dị tật bẩm sinh nên không có tay, bên vai phải của em mọc ra một ngón tay nhỏ xíu, bé tí ti, đó là tất cả những gì em có.

Nhí không được một hình hài lành lặn, số phận trêu đùa lại không cho em huởng trọn tình thương gia đình. Từ lúc mới sinh cho đến nay, ba mẹ của Nhí đã chối bỏ em và gửi gắm hoàn toàn cuộc đời Nhí cho bà nội em là bà Trần Thị Láng (52 tuổi). Bà Láng một tay nuôi nấng Nhí cho đến khi em gần 4 tuổi, bà cùng em bôn ba lên Sài Gòn kiếm sống.

Nụ cười của cô bé không có tay mưu sinh giữa Sài Gòn - Ảnh 1.

Nhí và bà nội của mình vào một buổi sáng đi bán vé số cùng nhau.

Một ngày của Nhí - cô bé có nụ cười yêu đời dù hình hài không lành lặn - Clip: Quỳnh Trân.

Lên Sài Gòn, bà Láng thuê một căn trọ nhỏ ở đường Bầu Gốc, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Hàng ngày, từ 4h sáng, bà đi lấy vé số rồi cùng với Nhí bắt chuyến xe buýt số 102 lên chợ Bến Thành, bán cho hết xấp vé số 150 tờ, hai bà cháu lại bắt xe về nhà trọ. Cuộc sống của bà và Nhí cứ thế trôi qua đến nay đã gần 2 năm, cũng trong khoảng thời gian ấy, người dân buôn bán ở khu vực chợ Bến Thành trở thành những người bạn, những cô chú đáng mến của Nhí.

Nụ cười của cô bé không có tay mưu sinh giữa Sài Gòn - Ảnh 3.

Cô bé không tay luôn thân thiết, gần gũi với những cô chú bán hàng trước chợ Bến Thành.

Nụ cười của cô bé không có tay mưu sinh giữa Sài Gòn - Ảnh 4.

Những nhân viên văn phòng có thói quen cafe sáng trước giờ làm việc cũng là những khách quen của em.

Nhí bán vé số nhưng lúc nào người cũng thơm tho, quần áo sạch sẽ, bà nội Nhí thỉnh thoảng còn mua nước ngọt, bánh kẹo cho Nhí ăn. Còn mấy cô chú thì thương hai bà cháu, nên có buổi sáng người này cho ổ bánh mì, người kia cho phần bún vịt mang về nhà ăn. Bà Láng kể, đi bán vé số với cháu lúc nào bà cũng mang đủ giấy tờ, sổ hộ khẩu để chứng minh Nhí là cháu mình.

"Nhiều khi mấy chú Công an sợ mình chăn dắt trẻ em ăn xin nên cũng hay hỏi, từ đó lúc nào tôi cũng mang giấy tờ bên người để chứng minh mình là bà của Nhí. Tôi cũng có muốn nó phải lang thang, đội nắng dầm mưa đi bán với mình như thế này đâu, nhưng giờ cuộc sống khó khăn thì phải chịu, không cho nó đi theo, để nó ở nhà cũng đâu yên tâm", bà Láng tâm sự.

Nụ cười của cô bé không có tay mưu sinh giữa Sài Gòn - Ảnh 5.

Những người dân khu vực này đều quen mặt hai bà cháu.

Nụ cười của cô bé không có tay mưu sinh giữa Sài Gòn - Ảnh 6.

Một chủ quán ăn xem Nhí như cháu của mình, mỗi sáng sau khi bán xong, chuẩn bị bắt xe về, Nhí đều sang đây để hôn tạm biệt cô.

Nhí thức dậy từ 4h sáng để rồi ngồi trên chuyến xe buýt cùng bà ra chợ Bến Thành, đi bộ quãng đường cũng gần 3km mỗi ngày nhưng Nhí chưa bao giờ thấy mệt mỏi. Nhí đi bán vé số mà vui như đi hội, lúc nào em cũng nhảy nhót, hát hò, bà nội thì liên tục nhắc em đi chầm chậm chờ bà với.

Thông thuờng Nhí chỉ đi với bà nội, bà là người cầm vé số đi mời, nhưng nhiều lúc Nhí muốn phụ bà, nên bà Láng chia xấp vé số ra một nửa, cứ đến quán cafe vỉa hè là hai bà cháu mỗi người một xấp vé số. Bà Láng cầm trên tay, còn Nhí kẹp ở cổ. Nhí bán lúc nào cũng hết nhanh hơn bà, một phần vì Nhí còn nhỏ đã phải mưu sinh với một hình hài không lành lặn, phần vì Nhí hay cười, hay nói và rất... lanh.

Mời vé số mà người ta không mua là Nhí xụ mặt: "Cô đẹp mà cô mua ủng hộ con đi!", hoặc "Cái chú này sao đẹp trai quá, mua vé số đi chú!". Khen chán, Nhí lại chuyển sang trò chuyện với người ta như thể đã quen lâu lắm rồi, có lúc cao hứng, cô bé còn rủ: "Bữa nào cô chú về nhà con chơi, con mua nước ngọt mời cô chú uống".

Nụ cười của cô bé không có tay mưu sinh giữa Sài Gòn - Ảnh 7.

Đây là Nhí. Nhí đi bán vé số mỗi sáng. Nhí không có tay. Nhưng Nhí không buồn mà vẫn rất yêu đời. Hãy như Nhí!

Bà Láng kể, Nhí cười vậy thôi chứ về nhà đôi lúc cũng tủi thân, nhất là khi thấy mấy đứa trẻ trong xóm nô đùa với nhau mà Nhí không thể nào hòa nhập được. "Nó ra ngoài chơi hay bị người ta ăn hiếp, trêu ghẹo, lại không có tay để chống trả, nên giờ tôi cũng không cho nó chơi với lũ trẻ trong khu trọ nữa", bà Láng nói. 

Bà kể, có lần Nhí buồn bã hỏi bà vì sao Nhí thiệt thòi quá, không có tay như người khác, làm gì cũng khó khăn, ra đường bị chọc ghẹo. Nhưng bà dạy Nhí phải chấp nhận điều đó, bà nói ừ thì, Nhí không có tay thì người ta nói không có tay, Nhí phải chịu. Quan trọng là Nhí vẫn là đứa trẻ ngoan, nghe lời bà, lễ phép với mọi người là được rồi. Thế là Nhí lại hết buồn.

Nụ cười của cô bé không có tay mưu sinh giữa Sài Gòn - Ảnh 8.

Bán hết vé số, hai bà cháu đi bộ ra trạm xe buýt để đón xe về lại nhà trọ.

Nụ cười của cô bé không có tay mưu sinh giữa Sài Gòn - Ảnh 9.

Nhí vẫn cười tíu tít và chào hỏi mọi người trên chuyến xe buýt trở về nhà.

Căn nhà trọ của hai bà cháu thuê nếu tính cả điện nước thì cũng gần 1 triệu đồng, nhưng chủ nhà thương Nhí và bà, nên bớt cho riêng nhà bà 200 nghìn mỗi tháng. Người chủ nhà, cũng như những người dân lao động chân chất ở chợ Bến Thành, là lý do khiến bà Láng chọn gắn bó ở Sài Gòn để mưu sinh.

Bà cười: "Ở Sài Gòn tuy vất vả nhưng may mắn chúng tôi gặp được nhiều người tốt, ở chợ, hay ở khu nhà trọ này, cứ hỏi nhà con bé không tay là ai cũng biết. Họ thương Nhí nên người này hôm nay cho cái này, người kia cho cái khác, đến cả đi xe buýt thỉnh thoảng anh phụ xe cũng không chịu lấy tiền vé nữa. Bà cháu tôi được người Sài Gòn nâng đỡ rất nhiều, quý lắm!"

Nụ cười của cô bé không có tay mưu sinh giữa Sài Gòn - Ảnh 10.

Ngoài số tiền bán vé số được hơn 150 nghìn/ ngày. Bà Láng còn được nhiều người tốt giúp đỡ quần áo cho Nhí hoặc một bữa ăn...

Nụ cười của cô bé không có tay mưu sinh giữa Sài Gòn - Ảnh 11.

Một cô bé luôn thích cười.

Nụ cười của cô bé không có tay mưu sinh giữa Sài Gòn - Ảnh 12.

Về nhà, Nhí lập tức tự rửa chân cho sạch sẽ.

Nhí đã 6 tuổi nhưng vẫn chưa biết mặt con chữ, bà Láng cũng lo lắng cho tương lai đứa cháu gái, nhưng bà không thể làm gì hơn, vì bản thân bà cũng là một người không biết chữ. "Nó không có tay, nên giờ đi học không biết ai nhận. Nhí chưa từng được ai dạy chữ nên nó cũng không biết đi học là ra làm sao. Nó biết đọc số, do đi bán vé số quen nhìn mấy con số nên nó tự học để còn đi mời khách mua", bà Láng thở dài.

Nụ cười của cô bé không có tay mưu sinh giữa Sài Gòn - Ảnh 13.

Bánh ống là loại bánh mà Nhí rất thích ăn.

Nụ cười của cô bé không có tay mưu sinh giữa Sài Gòn - Ảnh 14.

Không được bà nội cho ra ngoài chơi vì sợ bị bạn bè trêu ghẹo, ăn hiếp. Nhí vẫn đứng trước nhà chọc cười lũ trẻ ở nhà trọ bên cạnh.

Nhìn Nhí khỏe mạnh, chạy giỡn bao nhiêu con đường vẫn không ngớt nụ cười, ít ai biết rằng em đang bị vẹo xương sống lưng, gây ép tim, nếu không mổ sắp lại xương thì thời gian của Nhí không còn nhiều nữa.

Chia sẻ đến đây, bà Láng nghẹn giọng: "Thật ra bây giờ có mổ thì hy vọng sống cũng chỉ 50/50 nên tôi cũng không dám liều. Vả lại chi phí phẫu thuật nghe nói đắt lắm, cả trăm triệu chứ chẳng chơi. Mà hai bà cháu bán vé số cả đời cũng không xoay được số tiền đó. Nên giờ tôi đành phó thác cho số phận..."

Nụ cười của cô bé không có tay mưu sinh giữa Sài Gòn - Ảnh 15.

Nhí vẫn chưa ý thức được rồi tương lai mình sẽ như thế nào.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày