Nỗi ân hận của cô gái quê ham lấy chồng phố cổ

Vietnamnet, Theo 17:20 30/07/2014

“Cứ tưởng lấy chồng Hà Nội, ở phố cổ thì số phận của mình sẽ được thay đổi, ai ngờ cuộc sống ở đây còn tăm tối và khổ sở hơn cảnh chân lấm tay bùn đến cả trăm lần…”, chị Thủy nói.

Kể về khoảng thời gian làm dâu phố cổ, chị Thủy (tại phường Hàng Buồm) không giấu được vẻ tiếc nuối. Chị bảo, giống như nhiều bạn bè khác, cứ nghĩ phố cổ là tấc đất tấc vàng, là nơi sinh sống của những người Hà Nội giàu có, lịch thiệp và hào hoa nên khi làm quen được với một thanh niên có nhà phố cổ, chị đã rất tự hào. Tự hào hơn, đó là khi anh ấy muốn cưới chị.

"Hôm anh ấy ngỏ lời, chẳng cần phải suy nghĩ nhiều, mình đã đồng ý về ra mắt gia đình chồng và chuẩn bị tâm lý để làm đám cưới. Tuy nhiên, ngay lần đầu về ra mắt, bao nhiêu mơ mộng về một cuộc sống sung sướng với ngôi nhà cao rộng, đầy đủ vật chất bỗng tan thành mây khói…", chị nhớ lại.

Theo chị Thủy, khi chiếc xe đạp cũ dừng trước cửa một ngôi nhà bán rượu tây lớn, chị thấy hoan hỉ lắm, cứ mải quan sát cửa hàng mà không biết rằng anh đã dắt xe và đi sâu vào trong cái ngõ nhỏ tối thui ở bên cạnh cửa hàng từ lúc nào.

Ngõ sâu lại hẹp, chỉ vừa một người đi, nên việc đi lại ở đây không hề đơn giản đối với những người lạ.

Nghe tiếng anh gọi vọng ra từ trong ngõ, chị lò dò chạy vào. Sự hào nhoáng, sầm uất của con phố bỗng lùi dần theo con ngõ sâu hun hút và tối đen như mực. Sau đó, anh dẫn chị lên một chiếc cầu thang nhỏ.

Theo lời giới thiệu của anh, đây là lối đi của 8 hộ gia đình sinh sống trên tầng 2 và tầng 3 của tòa nhà. Nhưng rõ ràng, chiếc cầu thang đã cũ và bị mối, mọt rồi cả chuột đục phá đến tan tành.

"Mình vừa đi, vừa khẽ nhón chân cho thật nhẹ nhàng vì sợ cầu thang sập. Chồng mình thấy vậy thì cười ha hả, bảo mình nhà quê. Trông thế thôi chứ gỗ này rất chắc", chị Thủy nói thêm.

Rồi, anh dẫn chị bước vào một căn phòng với ngổn ngang là quần áo, bát đĩa, xoong nồi, chăn màn… tóm lại là những vật dụng của một gia đình. Chị hơi sốc nhưng lại hy vọng, đây chỉ là 1 trong số những căn phòng của gia đình anh.

"Đến khi biết đây là nơi sinh sống của toàn gia đình, và nếu lấy nhau mình cũng sẽ sống ở căn phòng này thì mình thực sự hoảng. Bởi căn phòng chỉ vẻn vẹn khoảng 10 m2, lại xập xệ, sao lại là nơi chung sống của cả một gia đình thế này?", nàng dâu phố cổ chia sẻ.

Khi chị thắc mắc với chồng, anh bảo cứ sống rồi sẽ quen, ở đây nhà nào cũng vậy.

10 m2 - người và chuột sống chung như bạn

Cưới xong ở nhà hàng và trở về nhà, đứng trước cửa phòng nhìn thấy 7, 8 người ngồi đã đầy cả một nhà, bỗng nhiên nước mắt chị cứ ứa ra vì ân hận. Nhưng sau đó, chị Thủy phải tự an ủi bản thân rằng, tuy chật chội nhưng đây cũng là trung tâm của thủ đô, là nơi tấc đất tấc vàng.

Tuy nhiên, sống ở đây rồi mới thấy, phố cổ lẽ ra nên đổi tên thành phố khổ mới đúng.

Trong nhà đồ đạc ngổn ngang.

Từ khi về làm dâu, chị phải học cách đi lại thật nhẹ nhàng. Nếu đi guốc thì về đến chân cầu thang là phải bỏ ra xách tay, vì nếu cứ gõ cộc cộc trên cầu thang, ắt sẽ có người ngó ra chửi. Mà họ chửi rất ngoa, chịu nhịn thì ấm ức, còn cãi lại thì khả năng bị "túm tóc, cho ăn đòn là rất cao".

"Tiếp theo, là phải học cách sống chung với chuột. Mình vốn sợ chuột, nhưng đã về đây sống thì phải coi chuột như bạn. Vì chuột ở đây rất nhiều, rất to và không bao giờ biết sợ người", chị Thủy kể.

Theo lời chị Thủy, đi trên cầu thang, chuột chạy trước, người đi phía sau là chuyện bình thường. Còn sống trong nhà thì người ăn gì, chuột ăn đấy, người ngủ đâu, chuột ngủ ở đó. Mèo ở đây cũng vô dụng với chuột bởi nhiều khi, chuột còn to hơn mèo, nhìn thấy chuột trợn mắt mèo đã chạy mất hút.

Còn đánh thuốc chuột thì không hộ dân nào dám, vì nhà xập xệ, ngõ lại tối nên nếu lỡ chuột chết ở đâu đó thì cũng khó mà phát hiện được. Như thế, cả khu phải sống chung với mùi chuột chết thì sẽ còn kinh khủng hơn.

Thứ nữa, khi đã về sống ở đây thì phải tập sống chung với khói bếp than. Bởi sáng nào cũng vậy, khói bếp than từ các căn hộ sẽ xông lên, xộc xuống và quẩn vào trong nhà mà không thể thoát ra.