Những thói quen khó bỏ đáng xấu hổ của một bộ phận người Việt

, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 06/04/2014

Từ việc ăn cắp vặt, giành giật miếng ăn, hôi của và mới đây nhất là vụ "cướp vợt" của các thanh niên Việt Nam... một bộ phận người Việt đang phải nhận những ánh nhìn không mấy thiện cảm.

Thời gian gần đây, một bộ phận người Việt được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông cả trong và ngoài nước nhưng với những điểm tính cách mang nhiều chiều hướng tiêu cực: ăn cắp vặt, tranh cướp, giành giật miếng ăn, hôi của tập thể và mới đây nhất là vụ "cướp vợt" của thanh niên Việt Nam trước sự ngỡ ngàng của những vị khách là tuyển thủ cầu lông nước bạn.

Những hình ảnh trên, dù chỉ do một bộ phận nhỏ người dân trong xã hội nhưng vì diễn ra liên tục cộng với mức độ khá nặng nề của sự việc vô tình đã khiến hình ảnh chung của người dân Việt Nam xấu đi không ít trong mắt bạn bè quốc tế. Câu trả lời thỏa đáng nào cho những hành động đáng xấu hổ trên?

Tranh cướp, giành giật thức ăn

Vào khoảng tháng 7/2012, cư dân mạng được một phen "choáng váng" trước hành động của hơn 20  thực khách, ăn mặc lịch sự với nhiều độ tuổi khác nhau đang vây kín bàn ăn bày nhiều loại thực phẩm tại một nhà hàng buffet trên đường Kỳ Đồng. Q.3, TP. Hồ Chí Minh. 

Sự việc xảy ra khi nhân viên phục vụ bắt đầu mang tôm tươi và hàu sống ra bàn phục vụ. Khi đồ ăn vừa để xuống, hàng chục con người đã chen lấn, giành giật kịch liệt, thậm chí, có người còn đưa thẳng cả đĩa vào hứng khi người phục vụ đổ đồ ăn xuống các khay đặt sẵn trên bàn.

Clip hàng chục người dân tranh cướp, giành giật thức ăn trong một nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh vào tháng 7/2012.

Những hình ảnh này được một người sử dụng Internet đăng tải lên các trang mạng xã hội và nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt. Ngay lập tức, dư luận trong nước lên án gay gắt hành động của những nhân vật trong clip nói trên, đồng thời có nhiều ý kiến bình luận về văn hóa ứng xử thiếu tinh tế của người Việt trong ăn uống.

Ngày 24/10/ 2013, một cửa hàng sushi Nhật Bản trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội) gần như "vỡ trận" trong ngày khai trương cửa hàng. Một cảnh tượng "kinh hoàng" xảy ra khi hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy để giành nhau phần ăn miễn phí. Sự việc này kéo dài hàng giờ liền khiến giao thông trên tuyến phố này trở nên tắc nghẽn. Thực khách chủ yếu là các bạn trẻ sinh sống và học tập tại Hà Nội. Nhiều người qua đường khi chứng kiến cảnh tượng trên đã tỏ ra ngao ngán trước sự "hy sinh vì miếng ăn" của nhiều người trẻ.


Giao thông ách tắc vì nhiều người chen chân, giành giật nhau suất ăn miễn phí trên phố Đoàn Trần Nghiệp.

Một số hình ảnh khác được khách du lịch chụp lại ở một số nhà hàng nước ngoài, trên đó có dòng thông báo bằng tiếng Việt với nội dung nhắc nhở thực khách người Việt: "Xin quý khách ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, tránh lãng phí thức ăn". Những hình ảnh này khiến nhiều người thật sự giật mình và bàng hoàng về văn hóa ăn uống của người Việt Nam.




Những tấm biển thông báo bằng tiếng Việt tại một cửa hàng được cho là ở Thái Lan có nội dung nhắc nhở người Việt "ăn uống lịch sự và không lãng phí"!

Clip tranh cướp thức ăn và những tấm biển báo được viết bằng Tiếng Việt trên cho đến thời điểm này đôi khi vẫn khiến nhiều người cảm thấy xấu hổ. "Người Việt chưa giàu nhưng có thật sự thiếu đói như vậy?" - một ý kiến của độc giả được nhiều người đồng tình.

Hôi của

"Hôi của" đã trở thành một trong những từ khóa nóng nhất trên các trang báo, trang tin điện tử thời gian vừa qua bởi một loạt vụ việc liên quan đến "cụm từ nhạy cảm" tái hiện chân thực hành động xấu xí của người Việt xảy ra liên tục. Trên thanh công cụ tìm kiếm Google, chỉ mất chưa đầy 0,23 giây, cỗ máy đã cho hơn 20.000.000 kết quả có chứa nội dung liên quan đến cụm từ này.

Mở màn cho chuỗi "hôi của" của người Việt thời gian qua là Vụ "hôi bia" đình đám xảy ra vào cuối năm 2013. Theo đó, trưa ngày 4/12, tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), một xe chở bia gặp nạn đã lật nhào trên đường quốc lộ khiến hàng nghìn chai bia bị đổ ra đường. Hàng trăm người dân lao ra hôi của, giành giật từng lon bia trong niềm vui thích, hả hê trước sự bất lực "van xin" của tài xế. Kết quả, ngoài số chai bị vỡ ra thì 90% số bia chai và bia lon còn lại đã bị người dân lấy mất.




Hình ảnh về vụ hôi bia "tấp nập" vào cuối năm 2013 khiến dư luận bất bình.

Dư luận trong nước tỏ ra bất bình và cảm thấy hổ thẹn thay cho những hình hôi bia, hôi của bị ghi lại trong clip và xuất hiện dày đặc trên mặt báo. Ý thức của người dân Việt Nam một lần nữa được rung chuông báo động. Chưa kịp nguôi ngoai, tối 9/12, Đài truyền hình Nga RenTV đã đăng tải một bản tin về vụ hôi bia này. Với tiêu đề "Biển bia", bản tin có đoạn so sánh đầy "chua chát": "Ở Việt Nam, đau khổ chỉ dành cho 1 người, còn cả đám đông những người rình cơ hội kiếm chác đã xông vào lấy đi các lon bia. Khi những két bia bị đổ ào xuống từ một chiếc xe tải gặp sự cố, những người đi đường đi chậm lại rồi xông vào hôi. Cái gì anh đánh rơi coi như là đã mất".

Đài truyền hình hàng đầu Liên Bang Nga đã đưa tin về vụ "hôi bia" diễn ra vào ngày 4/12/2013 tại Việt Nam.

Một loạt các vụ "hôi tiền", "hôi ngô", "hôi nhãn", "hôi dưa hấu"...  cũng đã liên tiếp xảy ra. Ví dụ như vụ hôi tiền xảy ra vào ngày 16/10. Một người đàn ông tên Chính ở Quận Phú Nhuận, TP. HCM trong khi chờ đèn đỏ đã gặp 4 tên cướp đi 2 xe ép sát móc tiền. Phản xạ bất ngờ giữa nạn nhân và bọn cướp đã khiến xếp tiền (100 tờ 500 nghìn đồng) rơi xuống đường bay tung tóe. Trong lúc hỗn loạn, một số người dân đã tranh thủ "đút túi" vài tờ tiền khiến số tiền từ 50 triệu chỉ còn 30,5 triệu đồng.


Vụ "hôi nhãn" ở Quảng Bình.


Hành vi "hôi của" trong lúc người khác gặp nạn được cho là hành động tàn nhẫn!

Một tín hiệu đáng mừng là sau khi bị dư luận lên án dữ dội, ý thức của một bộ phận người dân đã được nâng cao một cách đáng kể. Trên các trang báo bắt đầu xuất hiện những hình ảnh của người dân chung tay giúp đỡ những trường hợp xe chở hàng gặp nạn.
Thói ăn cắp vặt khó bỏ

Một trong những hành động xấu xí của người Việt ở nước ngoài là thói ăn cắp vặt. Một tấm biển cảnh cáo được chụp tại một siêu thị Nhật Bản lan truyền vào khoảng tháng 6/2013 có nội dung như sau: "Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt thì chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức…” 


Bức ảnh được chụp trong một siêu thị ở thành phố Saitama, Nhật Bản do anh Đặng Công Trọng - một du học sinh Nhật Bản chụp lại và chia sẻ.

Tại Nhật Bản, người ta đã thống kê được rất nhiều vụ ăn cắp của người Việt như sau. Năm 2009, một cơ phó của Vietnam Airlines từng bị trục xuất về nước vì liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam. Tháng 12/ 2013, một nhóm 4 thanh niên Việt Nam khoảng 20 tuổi đã bị phát hiện ăn cắp hàng trong các siêu thị quần áo và mỹ phẩm tại Tokyo. Cảnh sát phát hiện rằng, phần lớn hàng hóa ăn cắp của nhóm này được chuyển đến nhà của một phụ nữ Việt khoảng 30 tuổi. 


Thói ăn cắp vặt của người Việt bị lên án nhiều lần!

Mới nhất, vụ việc xảy ra vào ngày 26/2 khi cảnh sát Nhật Bản mở rộng điều tra thẩm vấn những kẻ ăn cắp, trong đó, một thành viên phi hành đoàn thuộc hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam bị tình nghi là buôn lậu hàng mỹ phẩm, quần áo từ một đường dây ăn cắp tại các siêu thị của Nhật. 

Riêng trong tháng 1 năm nay, quận Fukuoka đã bắt 5 nhóm trộm cắp là người Việt. Cảnh sát nhấn mạnh việc khẩn cấp cần làm hiện nay là nhổ tận gốc loại hình ăn cắp vặt này.


Nhật Bản còn đưa ra thống kê cho thấy số các vụ ăn cắp đồ bị bắt liên quan tới người Việt tăng mạnh tại Nhật. Từ 247 vụ năm 1998 lên 999 vụ năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2013 đã có 401 vụ liên quan tới người Việt, chiếm 40% tổng số vụ "chôm đồ" liên quan tới người nước ngoài tại Nhật.

"Cướp vợt" trắng trợn rồi hả hê khoe khoang trên Facebook

Một sự việc xảy ra mới đây nhất cho thấy hình ảnh đáng lên án của một thanh niên Việt Nam trong ngày thi đấu cầu lông Quốc tế giải Ciputra mở rộng diễn ra vào cuối tháng 3/ 2014 vừa qua tại Nhà thi đấu Cầu Giấy. Theo đó, trong lượt trận chung kết diễn ra vào chiều 30/3, sau khi kết thúc trận đấu với kết quả giành chiến thắng, cặp đôi của nữ vận động viên Yano đến từ Nhật Bản đã ném vợt lên khán đài tặng khán giả, một hành động thay lời tri ân đến những khán giả trung lập đã cổ vũ cô suốt giải vừa qua. Tuy nhiên, khi vợt vừa ném lên, nhiều khán giả đã lao vào giành giật, thậm chí suýt xảy ra ẩu đả để được sở hữu cây vợt.

Nữ vận động viên quyết định không tặng vợt nữa sau khi chứng kiến những hình ảnh trên. Thế nhưng, sự việc chưa dừng lại ở đó khi một nam thanh niên lao xuống sân, xin xỏ vợt không được đã lao vào cướp vợt từ tay tuyển thủ Yano trong sự ngỡ ngàng của cô.


Ban đầu, nam thanh niên này xuất hiện với những người khác để xin vợt.

Khi vận động viên thay đổi ý định, nam thanh niên này đã xông vào "cướp vợt" từ túi của Yano.


Nữ vận động viên Nhật Bản đã tỏ rõ sự ngỡ ngàng trước hành động trơ trẽn trên.


Ngay sau đó, đại diện nhà tài trợ vợt Yonex đã phải vào sân can thiệp, kéo khán giả này ra khỏi sân.

Hình ảnh này được ghi lại và đăng tải trên các diễn đàn cầu lông và fanpage trên mạng xã hội đã dấy lên làn sóng phản đối gay gắt hành động được cho "nhục nhã", "đáng xấu hổ" của thanh niên kia.

Chưa hết, sau khi "cướp" thành công cây vợt từ tay nữ vận động viê, nam thanh niên này còn hả hê lên Facebook cá nhân khoe chiến tích vừa đạt được một cách tự hào: "Hên quá. Quả là không uổng công mình đi xem giải. Hôm qua thì được chụp ảnh với thần tượng Nguyễn Tiến Minh. Hôm nay thì được nữ vận động viên xinh đẹp Yano của Nhật Bản tặng vợt Yonex".


Sau màn cướp vợt, nam thanh niên này còn hả hê về khoe chiến tích trên Facebook. Tuy nhiên, rất đông bạn bè và người quen của thanh niên này đã thẳng thắn phản đối hành động đáng xấu hổ trên!

Tạm kết

Nhiều người cho rằng, những hành động trên xuất phát từ tâm lý ham của hay khôn lỏi của người Việt. Đổ lỗi cho hoàn cảnh còn thiếu thốn, nhiều người còn lợi dụng tâm lý đám đông, tranh thủ "táy máy" đồ đạc, tài sản của người khác khi có cơ hội để làm lợi cho bản thân mình mà không nghĩ đến việc hình ảnh và nhân cách con người đang "xấu đi trông thấy". Dân gian vẫn có câu: "miếng ăn là miếng nhục" ám chỉ thông qua việc ăn uống đơn thuần mà khái quát rộng ra là văn hóa ứng xử, văn hóa nhân cách mỗi người. 

Thời đại mới, xã hội mới, bên cạnh việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mỗi người cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng sống sao cho văn minh, lịch sự để phù hợp với nhịp độ của cuộc sống mới hiện đại. Đừng để thông qua những hành động rất nhỏ như ăn uống, hành xử trước một sự việc... mà người khác đánh giá tư cách, nhất là trong mắt của bạn bè quốc tế.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày