Những sự kiện chính trị nổi bật trong năm Ngọ của lịch sử Việt Nam

Linh Đan (tổng hợp), Theo Pháp luật xã hội 00:00 31/01/2014

Cùng nhìn lại một số năm Ngọ đáng nhớ, với những dấu ấn chính trị và quân sự đặc biệt trong lịch sử nước nhà.

Canh Ngọ (550): Triệu Việt Vương đánh tan quân Lương

Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) từ căn cứ Dạ Trạch bất ngờ xuất quân đánh tan quân Lương do tướng Dương Sàn chỉ huy, giành độc lập cho nước Vạn Xuân.

Trước đó, vào năm 540, Lý Bí đã lãnh đạo dân ta khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương, lập ra nước Vạn Xuân độc lập của người Việt. Nhưng sau đó, tháng 5/545, quân Lương do Dương Phiêu và Trần Bá Tiên chỉ huy lại sang đánh. Lý Nam Đế không địch lại được quân địch phải lui về động Khuất Lão, ủy thác mọi công việc cho Triệu Quang Phục.

Những sự kiện chính trị nổi bật trong năm Ngọ của lịch sử Việt Nam 1
Triệu Quang Phục chỉ huy quân xây dựng căn cứ tại đầm Dạ Trạch

Triệu Quang Phục bèn cho lui quân về giữ đầm Dạ Trạch ở ven sông Hồng (nay thuộc huyện Khoái Châu – Hưng Yên). Địa thế đầm Dạ Trạch xung quanh đều là đầm lầy, cây cỏ um tùm bụi rậm che kín. Quân của Triệu Quang Phục đóng ở một bãi đất cao nằm giữa đầm.

Trần Bá Tiên đóng quân bên ngoài nhưng không cách gì tiến công vào được. Trong khi đó, đêm đêm, quân của Quang Phục lại đi thuyền độc mộc ra tập kích bất ngờ rồi rút lui. Trần Bá Tiên đánh mãi không được định bụng cầm cự lâu dài cho quân của Triệu Quang Phục hết lương sẽ phải mệt mỏi thì sẽ đánh vào. Nhưng năm 550, nhà Lương gọi Trần Bá Tiên về dẹp loạn trong nước, việc quân ở đây giao lại cho tì tướng Dương Sàn. Nhân cơ hội ấy, Triệu Quang Phục tung quân ra đánh lớn. Dương Sàn thua trận bị giết. Quân Lương tan vỡ chạy về nước. Nền độc lập của nước Vạn Xuân được bảo vệ.

Bính Ngọ (776): Phùng Hưng khởi nghĩa đánh quân nhà Đường

Mở đầu cuộc khởi nghĩa đánh quân xâm lược nhà Đường do Phùng Hưng lãnh đạo. Phùng Hưng tự là Công Phấn, ở Ðường Lâm, Phong Châu (nay thuộc huyện Ba Vì - Hà Nội).

Nửa sau thế kỷ VIII, chính quyền thống trị của nhà Đường ngày càng suy yếu khiến cho các tiết độ sứ và bọn đô hộ ở nước ta có cơ hội tăng thêm uy lực. Chúng tự ý trưng thu thuế má. Đô hộ An Nam lúc đó là Cao Chính Bình đã ra sức bòn rút của cải của nhân dân, đánh thuế rất nặng. Nhân lòng căm phẫn của nhân dân, lợi dụng khi quân lính ở Tống Bình nổi dậy chống bọn đô hộ, vào khoảng đời Đại Lịch (766 - 779), Phùng Hưng đã phát động một cuộc khởi nghĩa lớn chống lại chính quyền đô hộ nhà Đường.

Phùng Hưng là người hào trưởng đất Đường Lâm, ông cha đời đời làm quan lang, nhà giàu, có uy tín lớn đối với nhân dân trong vùng. Anh em Phùng Hưng nổi tiếng là những người rất khỏe. Họ lãnh đạo nghĩa quân nổi dậy làm chủ Đường Lâm rối đánh chiếm được cả một vùng rộng lớn quanh vùng, xây dựng thành căn cứ chống giặc. Trên cơ sở lực lượng phát triển mạnh, Phùng Hưng tiến quân xuống Tống Bình, vây phủ thành đô hộ. Cao Chính Bình đem quân ra ngoài thành đón đánh nghĩa quân nhưng bị thua to, đã quá phát bệnh mà chết. Phùng Hưng vào phủ thành, tổ chức việc cai trị, mong xây dựng quyền tự chủ lâu dài. Sau 7 năm, Phùng Hưng mất, con là Phùng An lên thay. Phùng An làm chủ đất nước được 2 năm thì nhà Đường cử Triệu Xương sang làm Đô hộ An Nam. Triệu Xương sai sứ mang lễ vật đến dụ Phùng An ra hàng. Năm 791, Phùng An đã hàng nhà Đường, cuộc khởi nghĩa chấm dứt.

Mậu Ngọ (1258): Chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất

Quân dân Đại Việt chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, quét sạch 30 vạn quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Cuối tháng 9/1257, sau khi dụ hàng vua Trần không thành công, Mông Cổ đã đưa quân tràn qua biên giới Đại Việt. Sau khi nhận được tin cấp báo, vua Trần lập tức đem đại quân đi chống giặc.

Những sự kiện chính trị nổi bật trong năm Ngọ của lịch sử Việt Nam 2
Nhà Trần 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông

Cuộc đụng độ lớn đầu tiên diễn ra tại Bình Lệ Nguyên vào ngày 12/12. Thế giặc quá mạnh, nhận thấy không thể kéo dài cuộc chiến, quân Trần chủ động rút lui về Phù Lỗ. Ngày 18/1/1258, quân Mông Cổ tiến đánh Phủ Lỗ. Quân Trần một lần nữa rút lui, đồng thời di tản cư dân và của cải khỏi thành Thăng Long. Vào ngày 21/1/1258, 8.000 quân Mông tràn xuống chiếm Thăng Long.

Những gì bày ra trước mắt quân xâm lược là một kinh thành trống rỗng. Không có lương thực, quân Mông Cổ phải đi cướp bóc ở vùng ngoại ô, nhưng hầu như không cướp được gì và còn hay bị phục kích. 

Đêm 28/1/1258, quân Trần bất ngờ phản công. Quân Mông Cổ chủ quan, không kịp đối phó và bị thua to tại Đông Bộ Đầu. Bị thất thế, quân xâm lược bỏ Thăng Long ngày 29/1 và tháo chạy thẳng về Vân Nam. Nhà Trần đại thắng.

Bính Ngọ (1426): Chiến thắng vang dội của nghĩa quân Lam Sơn

Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động giải phóng Đông Quan. Một chiến thắng vang dội của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược (1418 - 1428)

Bính Ngọ (1786): Quân Tây Sơn lật đổ chính quyền họ Trịnh

Khởi nghĩa Tây Sơn do anh hùng áo vải Nguyễn Huệ lãnh đạo thắng lợi. Mùa xuân năm 1771, cơn bão táp cách mạng của nông dân và các tầng lớp nhân dân dưới sự tổ chức, lãnh đạo của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ nổ ra ở ấp Tây Sơn, phủ Quy Nhơn (Bình Định).

Đây là cuộc chiến tranh giai cấp quyết liệt nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Ngay từ đầu, nghĩa quân đã lấy khẩu hiệu “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” để hiệu triệu và tập hợp quần chúng bị áp bức.

Những sự kiện chính trị nổi bật trong năm Ngọ của lịch sử Việt Nam 3
Lược đồ khởi nghĩa Tây Sơn (1771 - 1789) 

Từ căn cứ Tây Sơn, nghĩa quân tiến xuống đồng bằng giải phóng các làng xã, các huyện lỵ. Bọn quan lại, cường hào, ác bá bị trừng trị. Của cải của chúng và lương thực của cải trong kho nhà nước phong kiến bị tịch thu chia cho dân nghèo. Mọi thứ thuế được tuyến bố bãi bỏ, những người bị giam cầm trong nhà ngục được giải phóng. Nhân dân các địa phương nô nức tham gia khởi nghĩa, trong đó có cả các thương nhân ở các thành thị. Một số nho sĩ tiến bộ, một số quan lại, thổ hào lớp dưới đã sớm tham gia khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa phát triển nhanh chóng với khí thế hết sức mạnh mẽ.

Mùa thu năm 1773, nghĩa quân hạ thành Quy Nhơn rồi tiến ra chiếm Quảng Ngãi, tiến vào giải phóng Phú Yên, Bình Thuận. Sau khi điều đình tạm hòa hoãn với quân Trịnh ở mặt Bắc để tập trung diệt quân Nguyễn ở phía nam, liên tục các năm 1776, 1777, 1778, 1782, 1785, 5 lần quân Tây Sơn tiến công vào Gia Định. Cả 5 lần quân Nguyễn đều thất bại, lực lượng bị tan rã phải chạy trốn ra các hải đảo sang sống lưu vong bên đất Xiêm. Chính quyền họ Nguyễn cát cứ trên 200 năm bị đánh đổ. Phong trào Tây Sơn đã giải phóng hầu hết đất Đàng Trong.

Sau khi đánh tan 5 vạn quân Xiêm can thiệp xâm lược, từ tháng 6/1786, quân Tây Sơn chuyển hoạt động ra hướng Bắc. Trong vòng 10 ngày, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh tan 3 vạn quân Trịnh (mới vượt sông Gianh vào chiếm Phú Xuân của họ Nguyễn), giải phóng toàn bộ đất Đàng Trong. Thừa thắng, Nguyễn Huệ quyết định tiến quân ra Bắc.

Tình hình Bắc Hà lúc này đang rối loạn. Chính quyền Lê - Trịnh mục nát cực độ. Binh lính thì đang tan rã, lưu manh hóa và nổi loạn. Quân Tây Sơn với hơn 1.000 chiến thuyền vượt biển đánh chiếm vùng Nam Định rồi tiến thẳng về giải phóng Thăng Long ngày 21/7/1786. Như thế chỉ chưa đầy một tháng, bằng cuộc tiến công vũ bão, quân Tây Sơn đã đập tan lực lượng quân sự của họ Trịnh, lật đổ chính quyền họ Trịnh tồn tại gần 300 năm, giải phóng Đàng Ngoài.

Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn là sự quật khởi của các tầng lớp nhân dân bị áp bức đứng lên lật đổ các thế lực phong kiến thống trị suy tàn, phản dân, hại dân, đảm nhiệm sứ mệnh của dân tộc khôi phục quốc gia thống nhất, đánh bại các đạo quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập của đất nước.

Canh Ngọ (1930): Hợp nhất ba tổ chức Đảng ở Việt Nam

Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế cộng sản, tổ chức Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Đảng ở Việt Nam thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đứng trước các nhu cầu cấp bách phải thống nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất của giai cấp công nhân, căn cứ vào Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản trong bức thư gửi các nhóm cộng sản ở Đông Dương (cuối tháng 10/1929), Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động tại Xiêm (Thái Lan) đã gởi tới Hồng Công để xúc tiến việc triệu tập hội nghị hợp nhất các nhóm cộng sản. Đúng vào dịp Tết năm Canh Ngọ, tức là từ 3 đến 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản đã họp tại căn nhà của một công nhân ở bán đảo Cửu Long (Hồng Công) dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản.

Những sự kiện chính trị nổi bật trong năm Ngọ của lịch sử Việt Nam 4
Tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (Pháp) tháng 12/1920, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. (Ảnh tư liệu).

Tham dự Hội nghị có 2 đại biểu Đông Dương Cộng sản đảng, 2 đại biểu An Nam Cộng sản đảng, 2 đại biểu nước ngoài. Đông Dương Cộng sản liên đoàn không kịp gửi đại biểu tới dự. Cho tới lúc này, riêng hai tổ chức cộng sản tham dự hội nghị đã có khoảng 500 đảng viên. Sau 5 ngày thảo luận, Hội nghị đã nhất trí tán thành hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập một chính đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua một số văn kiện quan trọng như: Chánh cương vắn tắt, Sách lược, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Điều lệ vắn tắt của các tổ chức Công hội, Nông hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Phản đế Đồng minh, Hội Cứu tế. Hội nghị cũng ủy quyền cho các đại biểu thay mặt Quốc tế Cộng sản trở về nước tiến hành hợp nhất các tổ chức cộng sản, cử ra Ban chấp hành Trung ương lâm thời gồm 7 ủy viên. Hội nghị cũng nhất trí sẽ ra tạp chí Đỏ và báo Tranh đấu làm cơ quan ngôn luận của Đảng. Cuối cùng, Hội nghị đã thông qua Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc gửi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên học sinh và toàn thể quần chúng bị áp bức bóc lột trong cả nước nhân dịp thành lập Đảng.

Ngày 24/2/1930, Đông Dương cộng sản liên đoàn chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 4/1930, một số chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở Viêng Chăn, Thà Khẹt, Bò Nông (Lào) và đầu năm 1930, một số nhóm cộng sản khác cũng được ra đời tại Phnôm Pênh, Côngpông Chàm (Campuchia)…

Đánh giá về sự kiện lịch sử trọng đại này, vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”.

Giáp Ngọ (1954): Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ớ phía Tây vùng rừng núi phía Bắc. Đây là một căn cứ quân sự rất thuận lợi. Thực dân pháp đã lấy căn cứ này chiến lược cơ động.

Trong chiến dịch Thu Đông năm 1953 – 1954, lực lượng địch tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và một phi đội không quân thường trực 14 chiếc. Số quân lính địch là 16.200 tên, chúng bố trí 49 cứ điểm thành 8 cụm, mỗi cụm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng. 8 cụm cứ điểm chia làm 3 phân khu, phân khu trung tâm gồm 2/3 lực lượng ở ngay giữa Mường Thanh. Sau 5 ngày chiến đấu ta đã tiêu diệt gọn 2 cứ điểm kiên cố vào bậc nhất là Him Lam va Độc Lập, sau đó làm tan rã thêm 1 tiểu đoàn địch và tiêu diệt tiểu đoàn Bản Kéo, ta diệt và bắt sống 2.000 tên địch, 26 máy bay bị phá hủy, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp sân bay Mường Thanh.

Những sự kiện chính trị nổi bật trong năm Ngọ của lịch sử Việt Nam 5
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954

17h30 ngày 30/4/1954, ta mở đợt tấn công thứ 2. Cuộc chiến trên đồi A1 diễn ra hết sức gay go, ác liệt. Hai bên giằng co từng tấc đất. Đến ngày 4/4 mỗi bên chiếm giữ 1 nửa đồi A1.

Đánh vào khu Đông ta diệt 2.500 tên địch, chiếm lĩnh phần lớn các cao điểm. Quân đội viễn chinh Pháp đã tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương cho mặt trận. Đế quốc Mỹ Chi viện cho thực dân Pháp gần 100 máy bay oanh tạc chiến đấu và gần 50 máy bay vận tải đồng thời tổ chức diễn tập “đổ bộ ào ạt vào Đông Dương “.

Đêm 1/5/1954 ta mở đợt tấn công thứ 3, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại phía Đông và phía Tây, bẻ gãy cuộc phản kích của địch. Đêm 3/5/1954, bộ đội ta chỉ cách sở chỉ huy của địch 300m.

17h30 ngày 7/5/1954 , những trận pháo kích của bộ đội ta nhắm thẳng vào sở chỉ huy địch. Tướng Đờ-cat-tơ-ri và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của địch bị bắt sống. Gần 1 vạn quân địch nhảy ra khỏi hầm xin hàng. Đêm đó ta tấn công bắt sống toàn bộ quân địch ở phân khu Nam.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng.

Giáp Ngọ (2014): 

Nước ta kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 60 năm ngày ký hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương, 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 45 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ.