Những rạp chiếu phim gắn liền với ký ức của người Hà Nội giờ ra sao?

Thu Hường - Ảnh: Doãn Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 09:00 24/11/2015

Những rạp chiếu phim xưa kia từng nhộn nhịp khách ra vào nay chỉ còn lác đác người đến xem, thậm chí, không ít rạp đã vĩnh viễn đóng cửa, không còn để lại dấu vết gì ngoài một khoảng ký ức trong lòng nhiều người dân Thủ đô.

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giải trí của người dân, vài năm trở lại đây, hệ thống các rạp chiếu phim mở ra khá nhiều, tiêu biểu phải kể đến các cụm rạp lớn như CGV, Platinum, Lotte... với chất lượng âm thanh, ánh sáng, các tiện nghi ngày càng hiện đại. 

Các rạp chiếu phim mới này ra đời và tồn tại song song với những cụm rạp cũ đã tạo ra áp lực cạnh tranh lớn. Xu hướng muốn khám phá những điều mới lạ và vươn đến chất lượng phục vụ tốt hơn đã thúc đẩy khán giả tìm đến những nơi mới thay vì lựa chọn những cái tên gắn với ký ức một thời như Dân Chủ, Ngọc Khánh, rạp tháng 8, Lý Nam Đế hay Bạch Mai. 

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, 5 cái tên kể trên từng là những rạp chiếu bóng ăn khách, người ra kẻ vào tấp nập. Nhiều người dân chia sẻ, trong ký ức của họ, đã có lúc phải tiết kiệm từng hào để dành đi đến rạp Dân Chủ hay Bạch Mai xem phim. Nhưng hình như thời gian ấy xa quá! Bẵng đi một hồi lâu không mấy ai còn nhớ tên, nay nhìn lại thì đã có 3/5 rạp đóng cửa, chỉ còn lại rạp Tháng 8 và Ngọc Khánh vẫn hoạt động với số lượng khách vắng vẻ. 

Rạp Dân Chủ

Mới đây, rất nhiều khán giả tỏ ra ngỡ ngàng khi biết tin rạp chiếu phim Dân Chủ (Khâm Thiên - Hà Nội) đã dừng hoạt động. Chị Yên, nhân viên lễ tân tại đây cho biết, tối hôm trước rạp vẫn mở cửa chiếu phim như bình thường nhưng sáng hôm sau đã có thông báo đóng cửa. "Dù rạp đã ngừng hoạt động nhưng hôm nay tôi vẫn làm thêm một ngày cuối để trả lời khán giả, giải thích rằng rạp đã ngừng chiếu và cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà họ đã dành cho chúng tôi", chị Yên nói.

1-df2d6
Rạp Dân Chủ - nơi đã từng là biểu tượng của các rạp chiếu phim ở Hà Nội.

Theo lời chị, chỉ trong một buổi sáng, khá nhiều khán giả tìm hoặc gọi điện đến. Biết rạp đóng cửa, không ít người tỏ ra bùi ngùi, tiếc nuối. "Một vài khán giả bày tỏ sự tiếc nuối làm tôi đã cố cầm lòng bỗng lại thấy tiếc nhớ một vùng kí ức ùa về trong suốt một thời gian dài gắn bó với nơi đây", chị Yên tâm sự.

2-df2d6
Rất nhiều khán giả dừng xe trước cổng rạp...

3-df2d6
... Nhưng khi nhìn thấy dòng thông báo ngừng hoạt động.

4-df2d6
... Họ đành lặng lẽ đi lướt qua.

Rạp Dân Chủ là một trong những rạp chiếu phim lâu đời ở Hà Nội, bắt đầu mở cửa từ những năm 1954. Đã một thời, nơi đây từng được coi là một trong những rạp chiếu phim biểu tượng của Thủ đô. Thời ấy, một rạp mà có tới 326 ghế ngồi, màn ảnh rộng 300 inch và cả âm thanh vòm, nhập nhiều phim mới, chất lượng hình ảnh tốt là điều trên cả tuyệt vời. Vì thế, muốn đi xem phim, người ta thường rủ nhau ra Dân Chủ giải khuây. Thế nhưng, điều đó, nay đã không còn.

Tìm đến rạp chiếu phim nhưng lại nhìn thấy dòng thông báo ngừng hoạt động dán trước cửa, chị Hà, sống trên phố Hoàng Cầu, Hà Nội tâm sự: "Tiếc quá, lâu rồi cũng thấy rạp thưa khách nhưng vẫn không nghĩ là sẽ đóng cửa. Bao giờ cũng thế, người ta vẫn hay tiếc những gì đột nhiên chấm hết, đột nhiên không còn nữa".

"Hồi còn trai trẻ, tôi từng tích cóp, nhịn ăn phở để đi đến đây xem phim. Nhớ một dạo rạp này đông khách, người ra vào tấp nập khiến cả con phố như cũng nhộn nhịp hơn. Cảnh ấy thì đã lâu không còn nhưng bỗng nhiên rạp cũng không còn hoạt động gì nữa, lại thấy hơi tiêng tiếc những thứ sắp sửa không còn dấu vết gì", ông Trần Văn Bùi, một người dân sống gần rạp Dân Chủ tâm sự.

Rạp Lý Nam Đế

Rạp chiếu phim Lý Nam Đế (Lý Nam Đế, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước đây chỉ đơn thuần là nơi kiểm tra chất lượng những phim thuộc ngành điện ảnh của Quân đội. Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội, năm 2003, rạp Lý Nam Đế đã trùng tu sửa chữa lại và mở thêm dịch vụ chiếu phim. Hoạt động được một thời gian, đến nay, cụm rạp này đã đóng cửa vĩnh viễn. Theo nhiều người dân cho biết, từ khoảng 3-4 năm nay, rạp đã không còn chiếu phim.

1-c2750
Rạp Lý Nam Đế thời còn hoạt động... - (Ảnh: Internet).

5-df2d6
... Nay chỉ còn lại vỏ bề ngoài.

"Rạp này nghỉ lâu rồi vì vắng khách xem, dễ có đến 4 năm nay không hoạt động và nghe đâu, nó sắp bị đập bỏ để xây dựng công trình mới", bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân sống trên phố Lý Nam Đế, tâm sự.

Theo bà, lý do khiến rạp này dần chìm vào quên lãng là vì thiếu vắng khách đến xem. "Lâu lắm rồi tôi không còn thấy nơi đây tấp nập người ra vào nữa. Nhớ hồi nó mới mở cửa, quảng cáo cũng rầm rộ lắm, nghe đâu được trang thiết bị hiện đại để đáp ứng tốt về hình ảnh, chất lượng âm thanh phục vụ khán thính giả... bây giờ thì không còn gì nữa rồi".

6-df2d6
Nơi đây đã cửa đóng then cài, chìm vào tĩnh lặng.

7-df2d6
Bên trong rêu bụi phủ đầy bàn ghế.

"Tôi nhớ rạp này chỉ có một phòng chiếu với khoảng 330 ghế gì đó, bây giờ thì đóng cửa rồi, lâu quá nên tôi cũng không để ý", chị Thanh, một nhân viên bán cafe cạnh rạp chia sẻ. Chị Thanh cho biết, bây giờ rạp này chỉ thỉnh thoảng mới mở cửa khi có các tổ chức thuê mướn làm địa điểm tổ chức sự kiện.

Rạp Lý Nam Đế là rạp phim trực thuộc Điện Ảnh Quân đội, những tác phẩm điện ảnh trình chiếu ở đây đa phần là phim Việt Nam do ngành điện ảnh Quân đội sản xuất. Đặc biệt, những ngày Lễ, các dịp kỷ niệm rạp Lý Nam Đế tổ chức những buổi chiếu phim miễn phí tuyên truyền về công tác Đảng - Đoàn.

Với tính chất phục vụ khán thính giả là chính, không hề đặt nặng vấn đề kinh doanh, nếu quý vị có nhu cầu thuê hội trường hay tổ chức buổi chiếu phim tư liệu, giáo dục, rạp Lý Nam Đế sẵn sàng đáp ứng với mức giá hết sức ưu tiên.

Rạp Bạch Mai

Nếu như Dân Chủ chỉ vừa mới đóng cửa, Lý Nam Đế vẫn còn lưu lại dấu tích là một rạp chiếu phim với những banner phim bom tấn Việt Nam một thời thì rạp Bạch Mai đã hoàn toàn lụi tàn. Địa chỉ của rạp chiếu phim này nằm ở số 437 phố Bạch Mai, Q. Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, khi đến đây, khán giả chỉ nhìn thấy một quán bán đồ ăn nhanh.

bachmai-de9cb
Rạp Bạch Mai từng một thời gắn bó với nhiều người Hà Nội thích xem phim rạp - (Ảnh: Internet)

bachmai1-de9cb
... Với phòng chiếu hiện đại, đáp ứng chuẩn về âm thanh, hình ảnh - (Ảnh: Internet).

Bạch Mai là rạp chiếu phim chịu sự quản lý và điều hành của Công ty điện ảnh Hà Nội. Thể loại phim chiếu tại rạp khá đa dạng, phong phú và được cập nhật thường xuyên với tần suất 2 tuần/lần. Rạp có một phòng chiếu lớn rộng rãi, tiện nghi, hiện đại với 286 ghế. Máy móc được sản xuất tại Mỹ nên đáp ứng chuẩn về âm thanh, hình ảnh cộng thêm sự độc đáo, ấm cúng trong cách trang trí nội thất đã làm nên nét riêng so với các rạp chiếu phim khác trong thành phố. Là một rạp cũ nên giá vé ở đây cũng khá rẻ và để thu hút khách hàng, nơi đây còn thường xuyên áp dụng chương trình giảm giá cho sinh viên... 

9-df2d6
... Nay trở thành địa điểm bán đồ ăn nhanh.

Bất chấp những lợi thế đó, rạp chiếu phim này cũng phải chịu chung số phận với Dân Chủ và Lý Nam Đế. Câu chuyện vắng khách đã dẫn đến một kết cục đáng buồn. Theo phản ánh của nhiều người dân, khoảng hơn 3 năm trước, rạp chính thức ngừng hoạt động. Ngay sau đó, một quán ăn mới toe mọc lên và đến hiện nay, dấu vết liên quan đến rạp chiếu phim đã không còn tồn tại.

Rạp Ngọc Khánh

Ra đời cùng thời với rạp Dân Chủ, rạp Ngọc Khánh (địa chỉ Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) cũng là một trong những cái tên khá xưa cũ đối với nhiều tín đồ yêu thích xem phim rạp. Rạp Ngọc Khánh thuộc Viện phim Việt Nam và đã từng là một trong những rạp chiếu bóng có quy mô lớn của Hà Nội, hiện có 4 rạp với tổng cộng 530 ghế. Phim của rạp được cập nhật thường xuyên (2 tuần/lần) với nhiều bộ phim mới của điện ảnh Việt Nam cũng như điện ảnh thế giới, chương trình phim được chiếu cùng với các cụm rạp trên cả nước. 

10-df2d6
Rạp Ngọc Khánh, cụm rạp hiện có 530 ghế ngồi với chất lượng âm thanh, ánh sáng tốt.

Sau một thời gian ngừng hoạt động, năm 2007, rạp hoạt động trở lại và thu hút sự chú ý của rất nhiều khán giả yêu điện ảnh. Hiện tại, rạp Ngọc Khánh vẫn hoạt động tốt dù rằng không thể đông khách bằng trước kia. Dù chất lượng phòng ốc thoáng rộng, âm thanh, ánh sáng tốt nhưng nếu đến đây vào các khung giờ đẹp ngày giữa tuần, khán giả vẫn có thể trải nghiệm cảm giác thênh thang giữa một phòng chiếu chỉ có khoảng vài khách. Chuyện khách ngồi kín rạp, có lẽ đã là một cảnh tượng của nhiều năm trước.

12-df2d6
Thế nhưng, phòng chiếu bên trong cũng khá vắng lặng.

13-df2d6
Phòng chờ chỉ lác đác có một vài người ngồi đợi đến giờ chiếu.

14-df2d6

15-df2d6
Phòng bán vé trống trải.

16-df2d6
Lối đi ở hành lang vắng tanh khách ra vào.

"Tôi thì thích rạp Ngọc Khánh vì nó gắn với tôi nhiều kỉ niệm. Vì thế, lần công chiếu phim "Lửa Thiện Nhân" ở Hà Nội, tôi đã quyết định chọn rạp này làm nơi trình chiếu", đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ.

"Ngọc Khánh hiện vẫn còn khá đông khách và chất lượng phục vụ ổn nhất trong hệ thống những rạp chiếu phim lâu năm ở Hà Nội, vì thế, thi thoảng buồn buồn, tôi lại hay ra đây xem. Vé phim những ngày có ưu đãi hay khuyến mãi, có khi chưa đến 50.000 đồng/vé mà phòng cũng điều hòa mát lạnh, âm thanh, ánh sáng đều tốt lắm", ông Trịnh Văn Tuấn, một người dân sống gần rạp chia sẻ.

Rạp Tháng 8

Rạp Tháng 8 - (45 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau khi được cải tạo, nâng cấp và xây mới thêm nhiều phòng chiếu với hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, nội thất hiện đại đã dần lấy lại vị thế và trở thành một trong những rạp khá đông khách giữa lòng thành phố. Hiện rạp chiếu phim này vẫn liên tục cập nhật các bộ phim bom tấn được khán giả quan tâm với giá vé vào xem khá phải chăng. Các suất chiếu vào khung giờ đẹp trong tuần chỉ khoảng 60.000 đồng/vé.

17-df2d6
Rạp tháng 8 nằm trên phố Hàng Bài, ngay giữa lòng khu vực phố cổ Hà Nội.

"Rạp có chất lượng tốt dù không gian hơi cũ kỹ một chút, thỉnh thoảng tôi và bà xã vẫn hay qua đây xem, vừa để tiết kiệm tiền, vừa để nhớ lại một khoảng ký ức ngày xưa", ông Hùng, một người dân sống trên phố Bà Triệu, chia sẻ.

18-df2d6
Phòng chờ trống trơn tại rạp dù đã gần đến giờ chiếu nhiều phim hay như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Địa ngục trần gian"...

19-df2d6
Khuôn viên bên trong phòng chiếu.

20-df2d6
Lối đi ngoài hành lang khá vắng lặng

21-df2d6
Bảng công bố lịch chiếu phim tại rạp với các suất chiếu khá dày.

"Bây giờ thì rạp cũng không thể đông khách như trước kia được nữa nhưng gọi là vẫn có người ra vào hơn những nơi khác. Trong số những rạp chiếu phim của thế hệ 7X, 8X, tôi vẫn thích rạp Tháng 8 hay Kim Đồng vì vẫn có phim hay, phục vụ tốt mà giá cả phải chăng. Đi xem phim thấy sống lại bao kỉ niệm và như cảm giác mình trở về với thời trẻ vậy", chị Minh Ngọc, một khách đến xem phim chia sẻ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày