Những điều ít biết về số 5 Đinh Lễ - khu tập thể nhiều sách nhất Thủ đô

Thu Hường - Ảnh: Doãn Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 00:05 14/12/2015

Nếu bảo số 5 Đinh Lễ là khu tập thể nổi tiếng nhất Hà Nội, chắc cũng không sai. Từ ngoài mặt đường đến những phòng nhỏ trên căn gác 2 cũ kĩ, từ lâu đã trở thành điểm đến thân thuộc của bao người yêu sách ở Hà Nội.

Căn gác nhỏ ngập sách giữa lòng Thủ đô

Câu chuyện về gác nhỏ bán sách này bắt đầu từ hiệu sách Mão, bà chủ là Phạm Thị Mão (nguyên cán bộ của Tổng công ty phát hành sách Trung ương). Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, 25 năm trước, bà Mão nghỉ việc ở cơ quan về kinh doanh sách ở vỉa hè Hà Nội.

Không lâu sau, vợ chồng bà mua được một căn hộ trên gác hai, khu tập thể số 5 Đinh Lễ. Lúc đó, cả thành phố mới chỉ có 3 hiệu sách tư nhân và ở Đinh Lễ, bà Mão là người đầu tiên kinh doanh mặt hàng này.

Clip Khu tập thể số 5 Đinh Lễ - Thế giới sách trong ngõ hẻm đầu tiên tại Hà Nội. Thực hiện: Kiên Nguyễn.

Khuất sâu trong khu tập thể cũ kỹ nhưng tiệm sách của bà lúc nào cũng đông khách. Những năm 1990, hiệu sách của bà làm ăn rất tốt. Chỉ trong vòng 5 năm, nó đã sinh lãi số tiền lên tới cả tỷ đồng, giúp vợ chồng bà dần đủ vốn mua lại 5 căn hộ khác bày sách và một căn riêng để ở.

Lối vào khu tập thể.

Những bậc cầu thang sắt cũ mòn.

Khu vực nhà vệ sinh công cộng của cả khu dân cư.

Những gian nhà nhỏ chất đầy sách, lịch.

Bên trong là một thế giới ngập tràn sách.

"Đó là nhờ có cuốn sách "thần" Almanach - những nền văn minh thế giới. Họ chào bán cả nước không ai dám xuất bản nhưng chỉ có mình tôi dám vay 32 triệu để làm. 5 năm liên tiếp, cuốn ấy cứ tái bản lại hết sạch, người mua phải đứng xếp hàng".

Hiệu sách Mão tính ra khá rộng và chiếm 1/2 diện tích tầng 2 khu tập thể. Thấy bà Mão nhờ bán sách mà trở nên khấm khá, nhiều người ở khu phố Đinh Lễ bắt đầu học theo, mở hiệu sách bán la liệt. Câu chuyện về thế giới sách trong ngõ hẻm tập thể cũng bắt đầu từ đó. Ít nhất cũng đã hình thành từ 15 năm trước đây.

Bà Nguyên tự hào khoe rằng vì hai vợ chồng bà đều là cán bộ ngành y dược nên căn nhà rất nhỏ cũng chứa đầy sách vở.

Khu tập thể cũ kỹ này tưởng như không có gì khác ngoài sách. Sách hiện hữu ở khắp mọi nơi. Ngay cả những hộ không kinh doanh, sách cũng chất đầy nhà.

Người tiếp theo khởi xướng bán sách trong ngõ là bà Phạm Thị Lệ Nguyên (75 tuổi, cán bộ ngành Dược đã về hưu). Bà đứng tên làm chủ, mở hiệu sách Nguyệt Linh trên gác hai gần hiệu sách Mão, giao cho con dâu đứng bán.

"Tôi mở hiệu sách thì vay cả vốn lẫn sách của bà Mão. Ban đầu mình chấp nhận lời ít nhưng khu này được cái bán chạy hàng nên không lâu sau là sinh lãi tốt".

Bà Mão, chủ hiệu sách lâu năm nhất trên phố Đinh Lễ.

Công việc buôn sách ngay trên chính gian nhà cũ trong khu tập thể nhỏ này không ngờ đã đem lại những kết quả vượt xa sức mong đợi. Thấy vậy, người cháu ngoại của bà Nguyên lại tiếp tục đứng ra mở hiệu sách Thanh Tú ngay cạnh hiệu Nguyệt Linh.

Các hiệu sách ở đây không chỉ gần về địa lý mà tính ra cũng đều có quan hệ họ hàng với nhau. Chuyện làm ăn buôn bán vì thế diễn ra rất nhịp nhàng, không hề có cảnh bon chen, giành giật khách hàng. Xét về tuổi đời, nơi đây cũng là địa chỉ bán sách trong ngõ đầu tiên tại Hà Nội với các đầu sách chuẩn, có giá trị do NXB trực tiếp gửi tới.

Nếp sinh hoạt, ứng xử gắn liền với sách vở

Khu tập thể số 5 Đinh Lễ vốn do một người phụ nữ giàu có thời Pháp thuộc xây lên với ý định kinh doanh khách sạn. Năm 1954, khi chính quyền tiếp quản Thủ đô đã giao lại cho trường ĐH Y Dược Hà Nội quản lý và phân nhà cho các cán bộ, công nhân viên trong ngành. Đó cũng là lý do vì sao ở đây chỉ toàn tầng lớp trí thức sinh sống.

Theo bà Vũ Thúy Hoa (tổ phó khu dân phố), trước kia, ở đây có khoảng hơn 20 hộ gia đình sinh sống, chủ yếu là các GS, TS đầu ngành. Tuy nhiên, con số ấy bây giờ chỉ còn lại khoảng hơn chục hộ.

Nhiều khách hàng cho biết, họ thích tìm đến đây vì không gian yên tĩnh và được tự do chọn mua các đầu sách thật.

Mỗi sáng, khu tập thể như nhộn nhịp hơn nhờ nhân viên của các NXB lớn mang sách đến tiếp thị.

"Những người trẻ hầu hết đều dọn ra ngoài khiến ở đây gần như chỉ còn lại các ông, bà già cả sinh sống", bà Hoa nói.

Không gian xanh trên gác 3 của khu tập thể.

Có lẽ cũng vì sự vắng vẻ này mà khi đến địa chỉ số 5 Đinh Lễ, thứ người ta dễ dàng nhận thấy đó là sự thanh bình, tĩnh tại. Nét văn hóa ở đây gắn liền với tầng lớp trí thức và việc đọc, mua bán sách.

Hàng sáng, những người cao tuổi trong khu tập thể rủ nhau đi tập thể dục rồi thư thả đọc sách báo. Khi các hiệu sách ở tầng 2 mở cửa, thi thoảng họ cũng ghé thăm, đọc và mua những cuốn sách mình yêu thích.

Bà Hoa khoe cánh tay có đầy chữ ký của người dân khu tập thể và khách quen của các hiệu sách nơi đây.

Bà Ngọc (vợ GS Nguyễn Khang, cựu giảng viên ĐH Y dược Hà Nội) tâm sự: "Vợ chồng tôi đều thích đọc và mua sách. Bây giờ mắt kém nên ít đọc hơn nhưng vẫn cứ thi thoảng mua rồi túc tắc đọc, tích trữ ở trong nhà".

Bà Hoa cho biết, ở đây mọi người rất đoàn kết. Lâu lâu, khu tập thể lại tổ chức một buổi họp mặt tất cả những người từng sống ở đây. "Buổi gặp mặt có cả những khách hàng quen thuộc của các hiệu sách. Họ còn tặng tôi cả chữ ký đầy trên mảnh vải bó bột cánh tay bị gãy nữa".